Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Xuân Dục

ANHTHU| 31/07/2007 10:51

(HNMĐT) - Có lẽ, đối với những người yêu thơ hiện đại ở nước ta, bài thơ “Núi đôi” của Vũ Cao đã quá quen thuộc. Bài thơ không chỉ phác họa cảnh hữu tình “Núi chồng núi vợ đứng song đôi” của vùng đồi trung du mà còn ca ngợi mối tình thắm thiết, cao đẹp của đôi nam nữ du kích trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở một vùng quê thuộc huyện Sóc Sơn hiện nay. Đó là làng Xuân Dục thuộc xã Tân Minh.

Làng Xuân Dục xa xưa có tên Xuân Đàn trang, là một làng cổ. Việc làng thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, cùng truyền thuyết về một bộ tướng của Thánh Gióng từng dừng chân tại làng trên đường đi đánh giặc chứng minh điều đó (trên vùng châu thổ Bắc Bộ, rất ít làng thờ cả Lạc Long Quân và Âu Cơ). Về sau, không rõ từ bao giờ, làng Xuân Đàn đổi thành Xuân Áng.

Đầu thế kỷ XIX, Xuân Áng là một xã thuộc tổng Phổ Lộng, huyện Thiên Phúc, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc ninh, năm 1848, huyện Thiên Phúc đổi thành Đa Phúc). Lúc đầu là một khối thống nhất, về sau chia thành hai cụm dân cư Đông và Đoài. Đến đầu thời Đồng Khánh (1886 - 1888), Xuân Áng đổi thành Xuân Dục. Năm 1911, hai cụm dân cư Đông và Đoài được nâng lên thành xã độc lập là Xuân Dục Đông và Xuân Dục Đoài.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, xã Xuân Dục Đông nằm trong xã Tân Minh, còn Xuân Dục Đoài thuộc xã Phù Linh đều thuộc huyện Đa Phúc tỉnh Phúc Yên (năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1968 là tỉnh Vĩnh Phú). Năm 1977, các xã trên được chuyển về huyện Sóc Sóc, đầu năm 1979 huyện Sóc Sơn được chuyển về Hà Nội.

Xuân Dục Đông và Đoài là những làng vừa và nhỏ (năm 1928, làng Xuân Dục Đông có 856 nhân khẩu, làng Đoài có 323nhân khẩu). Trai đinh trong làng Đông xưa kia được chia thành bốn giáp : Đông - Nam - Đoài - Bắc. Dân làng xưa kia chỉ làm ruộng dưới các khu ruộng dộc ép giữa các dải đồi và trồng các loại hoa màu trên vùng đồi gò.

Làng Xuân Dục Đông trước đây có đình chùa, nhưng đã bị thực dân Pháp hủy hoại trong những năm chúng chiếm đóng.

Hội làng Xuân Dục đông diễn ra từ mồng 3 đến nmồng 5 Tết, chính hội là ngày mồng 4. Ngoài các nghi thức tế lễ, hội có một số trò diễn gắn với tranh tài. Điển hình là trò húc cầu. Theo lệ, vào sáng ngày mồng 4, sau lễ tế thần, vào đúng giờ Ngọ, trai đinh bốn giáp quấn khăn đầu rìu, thắt lưng đỏ được chia thành hai đội, một đội gồm giáp Đông và giáp Nam, một đội gồm giáp Đoài và giáp Bắc. Mỗi đội có 10 người, cắt cử từ các trai đinh khỏe mạnh, không có dị tật, nhà không có tang trở. Mỗi đội do một ông cai chỉ huy. Sau lễ trình thánh, hai đội tiến về phía thửa ruộng trước cửa đình. Tại đây, vào ngày động thổ (chiều mồng 3 Tết), đã đào hai hố, gọi là hai lồ, nằm theo hướng Đông - Tây, cách nhau khoảng 25 mét. Lồ sâu nửa mét, đường kính chừng 0, 80 mét. Đội của giáp Đông, Nam giữ lồ phía Đông, hai giáp còn lại giữ lồ phía Tây. Sau hồi trống lệnh của chủ tế cùng trống chầu của hai đăng cai thay phiên nhau, trai đình hai đội dùng sức và tìm mẹo để đẩy được quả cầu vào lồ của đối phương trong sự ngăn chặn quyết liệt của các trai đinh và tiếng hò reo, cổ vũ của dân làng. Quả cầu này được làm bằng gỗ thông, sơn đỏ, đường kính khoảng nửa mét, nặng đến vài chục cân, quanh năm được ngâm dưới Ao Tiên - một ao thiêng trong làng; đến chiều mồng 3 Tết sau lễ động thổ đào lồ, cầu được vớt lên đưa vào thờ ở đình suốt đêm để hôm sau mang ra cho trai đinh hai đội tranh tài.

Tục húc cầu ở Xuân Dục Đông được giải thích là do một bộ tướng của Thánh Gióng trên đường đi đánh giặc dừng chân ở làng, dạy cho trẻ làng. Tuy nhiên, bản chất của tục này là tín ngưỡng thờ mặt trời - một dạng của tín ngưỡng nông nghiệp ruộng nước, cầu mưa thuận gió hòa và được mùa (thể hiện ở quả cầu màu đỏ, híc cầu vào giữa buổi trưa, hai lồ cầu theo chiều Đông Tây - chiều chuyển động của mặt trời; quả cầu được ngâm dưới ao suốt năm…).

PGS, TS, BÙI XUÂN ĐÍNH

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Xuân Dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.