Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện ảnh Việt, những bước đầu...

THUHANG| 30/07/2003 10:02

Lịch sử điện ảnh Việt Nam, có lẽ phải kể đến đầu tiên là sự ra đời của phim câm

Nhà hàng Gô-đa (Tràng Tiền) - Hà Nội những năm 30. Ảnh: CTV

Lịch sử điện ảnh Việt Nam, có lẽ phải kể đến đầu tiên là sự ra đời của phim câm "Kim Vân Kiều". Đó là vào khoảng năm 1920, 1921 tại Hà Nội, Hãng phim và chiếu bóng Đông Dương (IFEC) đã mạnh dạn bỏ vốn để làm thử một phim truyện đầu tiên tại Hà Nội. Cốt truyện thì không đâu bằng chuyện Kiều, bởi lẽ người Việt nói chung và người Hà thành nói riêng ít ai không thuộc vài câu Kiều. Chuyện này không chỉ nằm trong lòng người ta, mà có thể coi như quốc hồn quốc túy người An Nam. Diễn viên, tài tử thì cũng chẳng phải chọn đâu xa, tìm ngay trong số đào kép rạp Quảng Lạc thời đó.

Vậy là phim câm "Kim Vân Kiều" ra đời đánh dấu một khởi đầu vô cùng quan trọng của ci-nê-ma nước nhà. Kết quả là hãng IFEC lỗ "sặc gạch", đoàn làm phim sau cú ra mắt ngoạn mục cũng tan đàn xẻ nghé.

Mấy năm sau (1924), ông chủ hiệu ảnh Hương Ký lại là người đi tiên phong trong việc quay phim thời sự. Phim đầu tiên của ông phỏng theo cốt chuyện ngụ ngôn của La Fontaine. "Cô Pê-rét và cái bình sữa" ra mắt rất được tán thưởng. Nhân dịp vua Khải Định băng hà, ông Hương Ký vác ca-mê-ra vào Huế quay đám tang và cho ra đời phim Ninh Lăng (1926) rồi dấn tiếp làm luôn phim tấn phong vua mới Bảo Đại. Hai phim này được chiếu nhiều ở các rạp Hà Nội những năm 1925, 1926 và được khán giả rất hoan nghênh. Qua báo chí hồi đó được biết phim của ông Hương Ký đã trụ liền 27 hôm ở rạp Ton Kinois (phố Hàng Quạt) và thu được 5 ngàn đồng (một số tiền rất lớn lúc bấy giờ).

Thấy hiệu quả tốt, ông Hương Ký quay liền vài phim khảo cứu về lăng tẩm ở Huế, về đám ma người An Nam, đời dân chài lưới... và còn có ý định chuẩn bị làm một phim hài với tên "Cả Lố". Bộ phim này không thành vì các đào kép nửa chừng không chịu đóng, nhất loạt vòi tiền. Bị thiệt hại nặng vụ này, lại thêm bị các hãng phim Tây cạnh tranh buộc các rạp xi-nê ở Bắc Kỳ không được chiếu phim của ông và ép giá mua rẻ phim... Cực chẳng đã, ông Hương Ký đành đóng cửa hãng phim của mình.

Cùng thời điểm này, hãng IFEC cũng quay trở lại phục thù vụ thua lỗ khi làm phim "Kim Vân Kiều". Hai phim được khởi quay đều là phim hài do Tou Fou đóng vai chính, với lối diễn na ná hề Sác-lô. Hai phim hài này cho kết quả cũng không khá hơn "Kim Vân Kiều" là bao và hãng IFEC lại lỗ vốn.

Không nản lòng, cuối năm 1927, hãng lại cho ra đời phim câm "Bà Đế" do tài tử Uẩn Hoa và cô đầm lai Léone Gilles đóng vai chính. Rút cục "Bà Đế" cũng lỗ vốn nốt khiến hãng IFEC bỏ hẳn ý định làm phim.

Có thể nói sau "Bà Đế" là thời kỳ tê liệt hoàn toàn của các hãng phim Việt Nam và sau "Bà Đế" cũng là lúc kết thúc thời làm phim câm, chuẩn bị cho sự ra đời của hàng loạt phim nói du nhập từ bên ngoài.

Đó là 10 năm yên lặng của các nhà làm phim tài tử Việt Nam (1928 - 1938) để mãi đến cuối năm 1937, theo đơn đặt hàng của một thương gia ở Hải Phòng, các ông Đoàn Quang Thiện, Nguyễn Doãn Vượng, Nguyễn Dương, Nguyễn Xuân Hiệp, Lê Huyên, Nguyễn Phổ bắt tay vào việc chuẩn bị làm phim nói đầu tiên của Việt Nam. Phim "Cánh đồng ma" lấy bối cảnh ở Hồng Công, vì vậy ngày 25-12-1937, 16 nam nữ tài tử Việt Nam xuống tàu Hải Phòng sang Hồng Công. Vượt qua bao nhiêu khó khăn trên đất khách quê người, ngày 8 tết Kỷ Mão, đoàn tài tử dời Hồng Công trở về cùng cuốn phim đã hoàn chỉnh. Tất cả các rạp Hà Nội thời ấy đều nồng nhiệt chào đón "Cánh đồng ma" với niềm tự hào dược đưa lên màn ảnh bộ phim nói đầu tiên của điện ảnh nước nhà.

Sau một loạt thăng trầm của điện ảnh Việt Nam cùng những bước đi đầu tiên tại Hà Nội, một hãng phim Sài Gòn cũng cho ra đời phim "Cánh hoa rơi", "Trọn với tình"... Song những phim này không có mấy tiếng vang và nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Trí Tri

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện ảnh Việt, những bước đầu...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.