Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lặng lẽ đời sống

ANHTHU| 17/11/2005 08:09

Chuyện về chàng trai Nguyễn Thanh Tùng khiếm thị nhưng chơI đàn bầu giỏi đã được nhiều người biết đến. Khâm phục Tùng bao nhiêu, người ta cũng cảm phục ông nội của Tùng bấy nhiêu. Hơn 20 năm qua, ông đã lặng lẽ làm một dòng sông bồi đắp cho cuộc đời Tùng những lớp phù sa màu mỡ. Những ngày này Tùng đang biểu diễn tại Pháp nhưng không có ông nội đi cùng.  Đây là lần xa cháu hiếm hoi của ông…

Chuyện về chàng trai Nguyễn Thanh Tùng khiếm thị nhưng chơI đàn bầu giỏi đã được nhiều người biết đến. Khâm phục Tùng bao nhiêu, người ta cũng cảm phục ông nội của Tùng bấy nhiêu. Hơn 20 năm qua, ông đã lặng lẽ làm một dòng sông bồi đắp cho cuộc đời Tùng những lớp phù sa màu mỡ. Những ngày này Tùng đang biểu diễn tại Pháp nhưng không có ông nội đi cùng.Đây là lần xa cháu hiếm hoi của ông…

Dịp này, ông đã nhớ lại rất nhiều điều về chặng đường hai ông cháu đã đi qua. Đó là một câu chuyện đẹp về tình cảm kỳ diệu của những người thân trong gia đình. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em, bà Đạm Thư đã kể lại câu chuyện đó theo cách riêng của mình.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc!

Khi nghỉ hưu cuối năm 1979, ông Nguyễn Tế Độ hoàn toàn không nghĩ rằng từ một công nhân sửa chữa máy dệt kim, mình lại trở thành người thầy dạy văn hóa cho đứa cháu nội Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1979). Anh Sơn, con trai duy nhất trong 3 người con của ông, sau bốn năm là lính cao xạ ở chiến trường Tây Quảng Trị, bị nhiễm chất độc da cam, sinh hai người con năm 1975 và 1979 đều khuyết tật. Chị của Tùng bị bại não bẩm sinh, sống như thực vật. Tùng thì bị một mắt mờ hẳn, mắt kia thị lực rất kém, chỉ còn 1/10. Tuy vậy, cậu bé rất nhạy cảm, thông minh, trí nhớ tốt và đặc biệt có đôi tai thẩm âm tuyệt vời.

Từ khi Tùng cai sữa mẹ lúc 8 tháng tuổi, ông Độ dành toàn bộ thì giờ và tâm trí cho cháu. Ông bế bồng, hát ru, chơi đùa, trò chuyện với cháu, kích thích hoạt động các giác quan của cháu như một nhà tâm lý học trẻ em thực thụ. Năm Tùng lên 5, thấy cháu mê tiếng đàn bầu, ông tự làm một chiếc đàn bằng nửa cây bương với ống bơ sữa bò và phanh xe đạp cho cháu chơi. Tùng đã mày mò đánh được bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” từ chiếc đàn tự tạo ấy. Nhận rõ cháu có khiếu âm nhạc, ông xin cho Tùng vào học nhạc ở Cung Thiếu nhi, nhưng vì cháu bị khiếm thị nên không được nhận. Từ đó ông nghĩ không thể trông chờ ở bất kỳ sự chiếu cố nào và dốc lòng huấn luyện cháu ngâm thơ, kể chuyện, hát... Kết quả là trong đợt thi tuyển học sinh có năng khiếu, Tùng đã được điểm tối đa nhờ tài kể chuyện“Sự tích chùa Một Cột” và hát bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” làm rung động người nghe. Tùng được vào học đàn ở Cung Thiếu nhi, gia đình chắt chiuthưởng cho cháu một chiếc đàn bầu thực sự và từ đó cuộc đời Tùng có những chuyển biến mới.

Mắt kém, học chữ rất vất vả, viết bảng phải gí mắt sát gần đến nỗi mũi luôn dính phấn trắng nhưng Tùng rất ham học và học giỏi. Năm Tùng 8 tuổi, thấy cháu biết làm những bài thơ, cô của Tùng tặng cháu cuốn sổ tay. Ông Độ ghi vào sổ những bài thơ đầu tay của Tùng và những câu thơ mộc mạc của ông để động viên cháu: “Tám tuổi Tùng đánh đàn bầu/ mà nghe như tiếng suối sâu vọng về” . Đáp ứng cả nhu cầu thích ngắm tranh của cháu, ông Độ đã vẽ lần lượt 54 bức tranh bằng bút dạ vào sổ tay để Tùng xem. Ngắm những bức tranh nhiều màu có kèm vài câu thơ hoặc lời nói hay, tôi cảm phục ông Độ là người dạy văn, sử, địa rất sinh động và truyền cảm. Từ tranh ”Triệu Trinh Nương cưỡi voi ra trận” “Trần Hưng Đạo quyết chiến quyết thắng” cho đến “Sự tích cây khế” ,“Tiếng đàn Thạch Sanh”... tất cả đều mang tính giáo dục cao. Trong đó, bức vẽ “Con thuyền ra khơi” với 2 câu thơ“Căng buồm lướt sóng ra khơi / Trời cao biển rộng chí trai vẫy vùng” đã đi theo suốt cuộc đời Tùng.

Đến năm 1991, khi Tùng bước vào lớp 6, con mắtcòn lại cũng mờ nốt. Chữa chạy một năm không kết quả, ông Độ lại căm cụi đi học chữ nổi dành cho người mù để học vỡ lòng chữ nổi với cháu, khích lệ cháu không nản chí. Đối với trẻ em, mọi khả năng bắt đầu từ hai từ “khích lệ” . Lúc này thật hạnh phúc cho hai ông cháu vì Nhạc viện Hà Nội tuyển chọn Tùng vào học hệ trung cấp đàn bầu. Tất cả phải qua thi tuyển. Nhờ quá trình luyện tập kiên trì từ nhỏ, Tùng rất tự tin mặc dầu có giáo viên thấy Tùng khiếm thị ái ngại nói: “Sáng mắt học còn khó, huống hồ...”. Tự tin cũng là “món quà” quý giá nhất mà ông nội đã dành tặng cho Tùng.

Vào học Khoa Đàn bầu từ năm 1992, hai năm sau Tùng lại thi đỗ vào Khoa Sáng tác, một khoa đòi hỏi bề dày văn hóa trong nước và thế giới. Ông Độ và bố của Tùng lại ra công sưu tầmđĩa hát của các nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới cho Tùng nghe, luyện. Riêng về Beetthoven, Tùng có đủ 9 bản giao hưởng. Bước đầu Tùng đã sáng tác ca khúc mùa hè cho học sinh. Năm 1999, người ông như trẻ thêm mấy tuổi khi cháu nội tốt nghiệp Trung cấp Nhạc dân tộc và trúng tuyển vào Đại học nhạc với số điểm 35 trong khi điểm chuẩn là 21. Năm 1998, với điểm xuất sắc, Tùng được giải khuyến khích trong kỳ thi toàn quốc về độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc lần thứ nhất ở Hà Nội.

Phía sau những thành công của cậu bé khiếm thị luônlặng lẽ bóng dáng và nụ cười của ông nội - một người thầy tuyệt vời. Mỗi ngày 2 lượt, ông Độđạp xe đèo người cháu trai ở tuổi 20cao lớn hơn ông cùng chiếc đàn bầu và chiếc máy chữ nổi xách tay đến trường.

Luồng sinh khí mới thổi đến khi cháu bước vào đại học khiến người ông sức vóc bé nhỏ nhưng giàu ý chí và nghị lực như trẻ ra ở tuổi 75. Ông tiếp tục học môn Văn và các môn khác để giúp cháu nâng dần trình độ văn hóa.

Thành công nối tiếp thành công khi Tùng giành được nhiều kết quả tốt trong học tập và đoạt giải trong nhiều cuộc thi. Tùng nhận được rất nhiều sự cảm phục và giúp đỡ từ bạn bè trong nước và người nước ngoài. Vừa qua, Hội Vietnam Des Enfants de la dioxine ở Pháp - VNEF (Hội những trẻ em là nạn nhân chất độc dioxin tại Việt Nam) đã mời Tùng sangbiểu diễn, giao lưu tại Pari và một số thành phố của Bỉ.

Ông Độ vì tuổi cao đã không cùng cháu và cây đàn bầu đi biểu diễn được. Nhưng tôi biết trong trái tim cậu bé hôm qua và chàng trai Nguyễn Thanh Tùng hôm nay, ông nội vẫn luôn là hiện thân của niềm tin và nghị lực.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lặng lẽ đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.