Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Hòa - Một trong những vị tướng Hà Nội chỉ huy hiệp đồng binh chủng

ANHTHU| 12/12/2005 07:59

Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 của quân và dân miền Nam. Một cuộc hội quân vĩ đại nhất trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc suốt hàng ngàn năm qua của dân tộc ta. Năm cánh quân gồm các binh đoàn chủ lực hùng mạnh cùng với các lực lượng vũ trang, nhân dân miền Nam tiến về giải phóng Sài Gòn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 của quân và dân miền Nam. Một cuộc hội quân vĩ đại nhất trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc suốt hàng ngàn năm qua của dân tộc ta. Năm cánh quân gồm các binh đoàn chủ lực hùng mạnh cùng với các lực lượng vũ trang, nhân dân miền Nam tiến về giải phóng Sài Gòn.

Chỉ huy các binh đoàn hùng mạnh là các tướng lĩnh tài giỏi của Quân đội nhân dân Việt Nam được tôi luyện suốt 30 năm chiến tranh trong đó có Trung tướng Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn I - người chỉ huy Quân đoàn mang tên “Quyết thắng” là “Quả đấm thép” cơ động chiến lược của Bộ, đánh chiếm Bộ tổng tham mưu của quân đội Sài Gòn ngày 30-4-1975.

Trung tướng Nguyễn Hòa sinh năm 1927 ở Hà Nội, là học sinh trường Cao đẳng tiểu học Đông Dương (còn gọi là trường Đỗ Hữu Vị). Sớm được giác ngộ cách mạng, ông học trường Quân chính kháng Nhật rồi tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Đầu năm 1946, ông được cử làm Chánh văn phòng Khu Hà Nội sau đổi là Khu 11 tham gia cùng với những chiến sĩ quyết tử chiến đấu bảo vệ Thủ đô những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Nguyễn Hòa cùng các đơn vị rút khỏi Hà Nội rồi về Trung đoàn 52 Tây tiến.

Tháng 5-1950 ông được điều về Trung đoàn 48, từ cán bộ tiểu đoàn lên trung đoàn trưởng, trong đội hình Sư đoàn 320 chiến đấu trên khắp các chiến trường đồng bằng Bắc bộ. Miền Bắc giải phóng, Nguyễn Hòa được cử đi học ở Học viện quân sự cao cấp Liên Xô. Về nước, năm 1963 ông được Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái giao nhiệm vụ viết tổng kết về chiến trường đồng bằng Bắc bộ trong kháng chiến chống Pháp.

Tháng 4-1964 Nguyễn Hòa vào Nam chiến đấu bằng con tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển vừa được khai phá. Ngày 2-9-1965 Quân ủy Trung ương và Bộ tư lệnh Miền quyết định thành lập hai sư đoàn đầu tiên là Sư đoàn 9 và Sư đoàn 5, sau đó là Sư đoàn 7. Sư đoàn 9 do tướng Hoàng Cầm là Sư trưởng. Sư đoàn 5 và Sư đoàn 7 do Nguyễn Hòa là Sư trưởng. Thực hiện quyết định của Quân ủy Trung ương và Bộ tư lệnh Miền, ngày 23-11-1965 Sư đoàn 5 chính thức được thành lập do Nguyễn Hòa làm Sư trưởng, Lê Xuân Lựu làm Chính ủy, đứng chân trên địa bàn Long Khánh - Bà Rịa, vừa đánh địch vừa xây dựng lực lượng tạo bàn đạp vùng quanh Sài Gòn. Gần một năm sau ông lại được lệnh đi thành lập sư đoàn 7 gồm trung đoàn 16, trung đoàn 141 và trung đoàn 165. Tháng 6-1966 Ban cán sự sư đoàn gồm có Nguyễn Hòa, Sư trưởng, Nguyễn Hải - Sư phó và Dương Cự Tẩm (Dương Thanh) Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy. Năm 1967 ông lại được điều đi làm Phó tư lệnh Quân khu IV kiêm Phó tư lệnh Mặt trận B5, hơn một năm sau làm Sư trưởng Sư đoàn 320. Tháng 5-1970, làm Phó tư lệnh Đoàn 559 kiêm Phó tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào. Tháng 12-1973 ông lại được tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên làm Phó tư lệnh...

Ông kể: - Trận đầu tôi chỉ huy chiến đấu ở chiến trường miền Nam là trận Bình Giã. Anh Xu làm Tư lệnh, tôi làm Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng, chỉ huy một trung đoàn chủ lực Miền cùng với bộ đội địa phương Bà Rịa - Long Khánh và du kích Long Thành đảm nhiệm. Ta bắt đầu tổ chức tấn công đánh địch từ ngày 5-10-1964 và sau hơn một tháng chiến đấu thông minh, quả cảm, quân và dân ta phá tan “ấp chiến lược” Bình Giã. Tiêu diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, thu và phá hủy 45 xe bọc thép M113, thu 611 súng các loại, bắn rơi 51 máy bay... Thắng lợi Bình Giã khẳng định trình độ chỉ huy tác chiến tập trung của bộ đội Miền - lần đầu tiên giải phóng quân mở một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày đánh vào vùng được coi là căn cứ an toàn của địch. Nó cũng đánh dấu sự thất bại của chiến thuật “trực thăng vận” “chiến xa vận” của Mỹ - ngụy, khẳng định sự thất bại tất yếu của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch...

Sau hội nghị Pari tình hình trên chiến trường miền Nam diễn ra hết sức phức tạp. Quân Mỹ buộc phải rút nhưng vẫn ồ ạt tuôn vũ khí, đạn dược, các phương tiện chiến tranh cho chính quyền Sài Gòn. Quân đội Sài Gòn ra sức bắt lính, bổ sung quân lấn chiếm vùng giải phóng. Để có những quả đấm thép trên chiến trường, Trung ương quyết định thành lập các binh đoàn chủ lực cơ động. Quân đoàn I “Quyết thắng” được chính thức thành lập ngày 24-10-1973 tại Tam Điệp, Ninh Bình. Nơi Quang Trung Nguyễn Huệ, năm 1789 hội quân, tổ chức đội hình trước ngày tiến ra Thăng Long quét sạch 20 vạn quân Thanh, giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Quân đoàn I là Quân đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta gồm các sư đoàn chủ lực mạnh: 308, 312, 320B. Ngoài ba sư đoàn còn có sư đoàn 367 cao xạ - tên lửa, lữ đoàn xe tăng 202, đơn vị thông tin 140 và lữ đoàn công binh 299. Ngày đầu thành lập, trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng lúc bấy giờ làm Tư lệnh, Nguyễn Hòa làm Phó tư lệnh, trung tướng Lê Quang Hòa làm Chính ủy. Sau sáu tháng huấn luyện, hai đồng chí Tư lệnh và Chính ủy về Bộ Quốc phòng, tháng 4-1974 Nguyễn Hòa làm Tư lệnh Quân đoàn, Hoàng Minh Thi làm Chính ủy.

Cuối tháng 1-1975 Quân đoàn mở hội nghị quân chính, Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng về thăm, cổ vũ thêm quyết tâm cán bộ chiến sĩ đang náo nức bước vào trận chiến đấu mới. Ngày 1-4-1975 nhận được mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Toàn Binh đoàn Quyết thắng thiếu Sư đoàn Quân tiên phong (308) được tăng cường trung đoàn ô tô vận tải số 10 cơ động thần tốc vào tập kết ở Đồng Xoài trước ngày 15-4-1975”. Nhận mệnh lệnh là binh đoàn triển khai hành quân với khẩu hiệu hành động: “Đi xa tiến sâu, đánh thắng trận đầu, đánh thắng liên tục đến thắng lợi hoàn toàn”. Nhiệm vụ của Quân đoàn trong trận tiến về Sài Gòn là tiến công tiêu diệt sư đoàn 5 ở Lai Khê cùng toàn bộ các lực lượng bảo an và sở chỉ huy của chúng ở Bình Dương sau đó đột phá nhanh đánh chiếm dinh Độc lập - dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, khu liên hợp bộ tư lệnh các binh chủng ngụy ở Gò Vấp và Gia Định. Nhưng ngày 23-4-1975, nhiệm vụ của Quân đoàn có thay đổi: Giao việc đánh chiếm dinh Độc lập cho Quân đoàn 4 ở phía đông, thay vào đó Quân đoàn 1 phải đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Các nhiệm vụ khác không thay đổi. Cùng với lãnh đạo Quân đoàn, tướng Nguyễn Hòa đã chỉ huy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Ngày 14-4-1975 toàn bộ các đơn vị quân đoàn đã vượt trên 1.700 km từ miền Bắc vào miền Đông Nam bộ trước thời hạn quy định, tập kết tại Đồng Xoài. Theo mệnh lệnh của Tư lệnh Quân đoàn, các mũi triển khai đánh địch, ngày 30-4 tiêu diệt hoàn toàn sư đoàn 5 ngụy (khiến Chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ, Tư lệnh sư đoàn phải tự sát bằng chính khẩu súng lục của y), giải phóng tỉnh Bình Dương và tiến về đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy vào trưa ngày 30-4-1975.

Nói về “Thời khắc lịch sử của binh đoàn quyết thắng anh hùng”, Trung tướng xúc động, kể lại câu chuyện về bà má miền Nam giúp bộ đội tiến về Sài Gòn: “4h30 phút ngày 30-4, trung đoàn 27 được lệnh đánh chiếm Lái Thiêu. Ta có được tấm bản đồ là do một bà má Nam bộ đưa đến. Má tên là Sáu Ngẫu. Tấm bản đồ khu vực Lái Thiêu, Sài Gòn là do bác Hai Nhương, chồng má vẽ từ thời Ngô Đình Diệm. Bác Hai bị địch bắt đày ra Côn Đảo, hy sinh năm 1968, nhưng tấm bản đồ thì gửi lại cho vợ và má luôn cất giữ. Nó đã ngả màu vàng. Ngoài những nét mực đen đã phai màu, còn có những nét đỏ mới vẽ thêm và những con số ghi vào bên góc. Má Sáu Ngẫu đã âm thầm làm việc này với một niềm tin sắt đá sẽ có ngày nhất định quân đằng mình sẽ về, cần tấm bản đồ này sáp vô thành phố. Má đưa tấm bản đồ quý giá ấy cho các đồng chí ở trung đoàn 27 và nói như căn dặn với các con mình: “Má già rồi không đủ sức dẫn đường cho các con được. Chỉ có tấm bản đồ này má cất giấu từ lâu, chờ đợi các con hoài ! Bây giờ các con đã về, má trao lại cho các con, cứ theo con đường má ghi trên bản đồ mà đi là gần nhứt”.

Năm 1980 Trung tướng Nguyễn Hòa được cử làm Tổng cục trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Tổng cục Dầu khí (sau này là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam). Ông là ủy viên Trung ương Đảng (khóa V, khóa VI) và là đại biểu Quốc hội (khóa VII, VIII) đóng góp vào việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nguyễn Hòa là vị tướng luôn có mặt trên những chiến trường ác liệt. ở ông, tài tổ chức, chỉ huy kết hợp với trí thông minh và biết chọn thời cơ ra mệnh lệnh đúng lúc khiến ông bình tĩnh, quyết đoán, tự tin tạo nên tinh thần lạc quan cho bộ đội khi bước vào cuộc chiến. Đại tá Nguyễn Duy Tụ, nguyên Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân đoàn 1 nhớ lại: “Ngày 24-4, tại sở chỉ huy Quân đoàn 1 ở Rạch Bé, Tư lệnh Nguyễn Hòa giao nhiệm vụ cho các đơn vị trên bản đồ chiến dịch... Sau khi kết luận, đồng chí Tư lệnh dừng lại một khoảnh khắc - trong tư thế ung dung, mạnh mẽ, nói tiếp: Các đồng chí, bây giờ quân ta chỉ còn một việc nữa là: “Hãy trói quân ngụy lại mà đánh”. Tất cả mọi người vui cười. Thật là một câu nói lạc quan tự tin của một cán bộ có đầy đủ sức mạnh, đang ở thế thượng phong trước khi bước vào trận đánh”. Thương yêu cán bộ chiến sĩ, ông tâm sự: “Trong chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ có sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 1 mà trước đó là Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, bộ đội địa phương Bình Dương và các cán bộ quân dân chính Đảng của tỉnh cũng như trong Nam ngoài Bắc, có nhiều đồng chí chiến đấu và hy sinh oanh liệt trên mảnh đất này. Bây giờ họ nằm cả trong nghĩa trang đó, không theo cấp bậc mà theo địa phương quê quán của anh em. Từ năm 1980 đến 1988, khi còn công tác ở ngành dầu khí, tôi thường rẽ qua đây vào thắp hương cho anh em...”.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Hòa - Một trong những vị tướng Hà Nội chỉ huy hiệp đồng binh chủng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.