Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rút tiền ồ ạt ở Ninh Bình vì một tin đồn thất thiệt

TRONGQUANG| 14/07/2005 08:50

Trung tâm thị trấn Ninh BìnhChỉ vì một tin đồn thất thiệt, mấy ngày vừa qua nhiều người đến rút tiền ra khỏi Ngân hàng TMCP Nông thôn tỉnh Ninh Bình. Số tiền rút ra đã lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Ngân hàng có liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Chi với khoản cho vay lên tới 10 triệu USD và bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Ngân hàng, đã bỏ trốn.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình cho biết, đến chiều nay, số người rút tiền đã giảm, nhưng chưa dừng hẳn.

Trước đó, hôm 11/7, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Bình đã có thông báo số 153/NHNN-NBI để gửi tới các khách hàng của Ngân hàng TMCP Nông thôn tỉnh Ninh Bình với nội dung ghi rõ "hoàn toàn không có chuyện ngân hàng này đã cho Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch (RUS-InvestTur) do Nguyễn Đức Chi làm Giám đốc vay 10 triệu USD để đầu tư dự án Rusalka Nha Trang.

Còn ông Bùi Khắc Sơn - Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - cho biết, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Bình và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam chưa nhận được bất cứ yêu cầu hỗ trợ nào từ phía Ngân hàng TMCP Nông thôn tỉnh Ninh Bình. Với lượng vốn huy động tiết kiệm trong dân cư không lớn (khoảng 80 tỷ đồng) trên tổng nguồn vốn huy động 178 tỷ đồng, nhưng hiện Ngân hàng này vẫn hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu chi trả cho người gửi tiền.

Theo đánh giá của một quan chức ngân hàng Nhà nước, nếu người dân vẫn thiếu hiểu biết và rút tiền thì thiệt hại trước tiên sẽ thuộc về họ. Bởi, do phần lớn tiền gửi của dân cư tại Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình là tiền gửi có kỳ hạn. Nếu rút tiền trước thời hạn thì ngoài việc bị phạt theo quy định còn bị bất lợi do chênh lệch bình quân giữa lãi suất huy động có kỳ hạn ngắn nhất (1 tháng) với lãi suất không kỳ hạn là 0,5%/tháng.

Ông này đưa ra dẫn chứng là bài học của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) đã xảy ra hồi tháng 10/2003. Trong tổng số tiền huy động 3.500 tỷ đồng của Á châu thời điểm đó thì có tới 500 tỷ đồng là tiền lãi do người dân rút tiết kiệm trước hạn mà đáng nhẽ đã thuộc về người gửi tiền.

Ông Sơn cũng khẳng định, Bảo hiểm tiền gửi đã chủ động chuẩn bị đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu chi trả của ngân hàng này nếu có việc bất thường.

Tìm hiểu thêm về nguyên nhân vụ việc trên, hôm 2/7/2005, một số cơ quan báo chí có đưa tin về vụ lừa đảo của Nguyễn Đức Chi với dự án Rusalka Nha Trang. Các bài báo có nói về việc cơ quan chức năng sau khi khám xét nơi làm việc của "siêu lừa" Nguyễn Đức Chi đã thu nhiều dấu giả và dấu chức danh của 3 quan chức. Đó là chủ doanh nghiệp quản lý KCN lớn ở Hải Dương, nhà kinh doanh khu thể thao ở Chí Linh và Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Nông thôn tỉnh Ninh Bình.

Theo cơ quan điều tra vụ án, năm 2005, ba nhà doanh nghiệp trên lập Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp và du lịch Ninh Thuận. Nguyễn Đức Chi đã được mời góp vốn và làm Phó Tổng giám đốc phụ trách du lịch.

Sau đó, Ngân hàng cổ phần thương mại Nông thôn Ninh Bình đã đồng ý cho Nguyễn Đức Chi vay 10 triệu USD, với thế chấp là dự án khu nghỉ mát cao cấp Rusalka. Nhưng do vụ án được phát hiện kịp thời nên việc giải ngân đã không xảy ra (nghĩa là Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình chưa cho Nguyễn Đức Chi vay tiền). Lý do là trước đó Chi đã dùng tài sản trên để vay một ngân hàng khác lấy 30 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP nông thôn Ninh Bình sau đó cũng bị điều tra về nguyên nhân ký duyệt cho Nguyễn Đức Chi vay tiền.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình có vốn điều lệ ban đầu 85 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại phố Lê Hồng Phong-Phường Vân Giang-Thị xã Ninh Bình.

Sự việc trên lại một lần nữa cho thấy, thông tin với doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, đôi khi chính thông tin mới quyết định sự thành bại mang tính bước ngoặt của một doanh nghiệp.

Theo VNN

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rút tiền ồ ạt ở Ninh Bình vì một tin đồn thất thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.