Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây xanh Hà Nội dưới con mắt một kiến trúc sư trẻ

ANHTHU| 12/02/2006 08:54

Lâm nghiệp Đô thị - một thuật ngữ nghe lạ tai và mới mẻ. Đầu năm mới, chúng tôi gặp một giảng viên trẻ khoa Lâm nghiệp Đô thị trường ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai. Đó là kiến trúc sư TS. Phó Đức Tùng - một người có nhiều đề tài nghiên cứu khá lý thú về cây xanh Hà Nội.

Cây xanh trên đường Hoàng Diệu Ảnh: VT

Lâm nghiệp Đô thị - một thuật ngữ nghe lạ tai và mới mẻ. Đầu năm mới, chúng tôi gặp một giảng viên trẻ khoa Lâm nghiệp Đô thị trường ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai. Đó là kiến trúc sư TS. Phó Đức Tùng - một người có nhiều đề tài nghiên cứu khá lý thú về cây xanh Hà Nội.

Cùng với sự tham gia của 10 sinh viên ĐH Lâm nghiệp, TS Phó Đức Tùng đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu cây xanh trên 5 quận nội thành HN (Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình), trên tổng số 76 đường phố, với hơn 11000 cây xanh thuộc hơn 60 loài cây bóng mát. TS Phó Đức Tùng đã đưa ra những đề xuất mới mà hầu như từ trước tới nay chưa ai đề cập tới.

- Được biết anh từng học tại Đức. Anh có thể kể qua về việc học tập của anh trước đây ? Vì sao là một kiến trúc sư,anh lại có mối quan tâm đặc biệt tới cây xanh và quyết định dành sự nghiệp của mình cho cây xanh ?

- Mình sang Đông Đức năm 1986, học đại học theo dạng được Nhà nước cử đi sau khi thiđại học được điểm cao. Đầu tiên mình học Kinh tế văn hóatại Đại học Kinh tế Đông Berlin. Đến năm 1990 nước Đức thống nhất, nước Đức mới không công nhận bằng kinh tế của Đông Đức, do đó mình phải sang Tây Berlin học lại ngành kinh tế, chuyên về ngân hàng, ngoại thương và tốt nghiệp thạc sĩ năm 1994. Sau đó mình học tiếp ngành kiến trúc và làm luận án tiến sĩ về kiến trúc tới năm 2000. Trong thời gian học, mình làm thêm việc trợ giảng ở trường và làm tư vấn thương mại điện tử. Năm 2001 mình về nước, từ đó mình dạy ở trường Đại học Lâm nghiệp (ĐHLN). Thực ra mình cũng không hẳn là dành sự nghiệp vào cây xanh đâu. Đó chỉ là một trong nhiều lĩnh vực mà mình thích thôi. Chẳng qua ở trường Lâm nghiệp thì mình không thể dạy kiến trúc, mà dạy thiết kế cảnh quan, do đó mà mình phải quan tâm.

- Bộ môn Lâm nghiệp Đô thị là một môn mới ở Việt Nam phải không? Anh có thể kể qua về bộ môn này ở trường ĐHLN Xuân Mai ?

- Bộ môn Lâm nghiệp Đô thị là ngành mới ở VN. Từ khi mình về nước mới có. Trường ĐHLN Xuân Mai hiện có 7 giảng viên bộ môn này. Mỗi năm có một lớpkhoảng50 sinh viên. Lớp đầu tiên đã tốt nghiệp năm ngoái. Thực ra mình muốn thành lập ngành thiết kế cảnh quan, nhưng vì mã ngành của trường LN thời đó không cho phép mở ngành này, mà phải có dính dáng trực tiếp đến lâm nghiệp, do đó mới gọi là Lâm nghiệp Đô thị. Bây giờ chính sách của Nhà nước thay đổi, cho phép các trường được đa dạng hóa ngành học, do vậy mình tính trong vài năm tới sẽ đổi lại tên là Thiết kế, quy hoạch cảnh quan cho đúng. Sinh viên vừa học thiết kế, vừa học về cây cỏ trong đô thị. Khi ra trường, họ có thể làm việc thiết kế, quy hoạch cảnh quan từ một nhà dân, nội ngoại thất cho đến những công viên, vườn hoa, đường phố, khu du lịch, danh lam thắng cảnh. Mặt khác, sinh viên tốt nghiệp cũng có thể làm trong ngạch cây xanh đô thị như vườn ươm, trồng cây, buôn bán, sản xuất cây cảnh, hoa, cây bóng mát...

Cây xanh cần được cham sóc và quản lý tốt Ảnh: PV

- Anh đánh giá thế nào về tình trạng cây xanh hiện nay tại Hà Nội ?

- Hà Nội có tiếng là nhiều cây xanh nhưng qua khảo sát của chúng tôi thì tình hình cây xanh Hà Nội có thể tóm tắt vài nét chính sau: Phân bốcây xanh không đều, khu vực nội thành có tỉ lệ cây xanh thấp. Những diện tích xanh chính đã khai thác hết, trong tương lai sẽ khó lòng tăng thêm, chỉ giảm đi. Cây đường phố không được khỏe mạnh. Trong những năm tới, nhiều cây to sẽ chết dần, trong khi những cây mới trồng không đủ kỹ thuật nên khó phát triển được thành cây lớn. Tóm lại, tình trạng cây xanh trong nội thành có chiều hướng xấu đi trong những năm tới.

Tính từ thời Pháp thuộc đến nay, cây xanh đường phố Hà Nội trải qua 3 thời kỳ chính: thời kỳ Pháp thuộc chủ yếu là cây xanh bóng mát, là những loại đại thụ, lớn chậm, giá trị cao như Sao đen, Nhội, Sấu, Trám, Sến. Thời kỳ sau giải phóng chuyển sang các loại cây có hoa đẹp như Bằng lăng, Phượng, Muồng. Những năm gần đây trồng nhiều cây giá trị thấp, lớn nhanh như Bông gòn, Dâu da xoan, Keo. Như vậy hệ thống cây xanh đường phố có xu hướng tầm thường hóa rõ rệt.

- Theo anh,có những giải pháp khắc phục nào ?

- Trước tiên phải tìm ra nguyên nhân. Chúng tôi thấy rằng không gian dành cho cây xanh không đủ, kể cả không gian nổi trên mặt đất lẫn không gian chìm dành cho bộ rễ cây, do đó cây không phát triển được khỏe mạnh. Thiết kế cây xanh trong các khu đô thị chưa được hợp lý, dẫn dến ảnh hưởng tới nhà cửa, hạ tầng, sinh hoạt, mỹ quan. Cũng phải nói thêm là kỹ thuật trồng, ươm cây xanh đường phố chưa được đảm bảo. Vấn đề quản lý chưa tốt, ý thức người dân về bảo vệ cây xanh đô thị còn thấp.

Theo tôi một số giải pháp chính là nên thay đổi nguyên lý thiết kế từ dạng avenue, allee là những hàng cây kiểu Pháp sang dạng nhân từng điểm cây cổ thụ như truyền thống Cây đa, bến nước, sân đình của Việt Nam. Khi đó sẽ giải quyết vấn đề không gian cho cây hơn. ở một số tuyến phố, có thể thay thế cây thân gỗ đường phố bằng những dạng dây leo, bám tường, phủ xanh mái, vẫn đảm bảo yếu tố mỹ quan, sinh thái, mà không có vấn đề về hạ tầng. Nếu trồng cây đường phố theo kiểu hàng cây như hiện nay thì phải hiểu rằng môi trường đô thị là một môi trường hoàn toàn nhân tạo, do đó cây xanh không thể được trồng một cách tự nhiên, mà cũng phải nhân tạo. Cụ thể là không thể trồng cây bằng đất, mà phải trồng trên những giá thể công nghiệp, với những không gian nhân tạo, gây nấm và vi khuẩn cộng sinh nhân tạo... Tất cả những vấn đề này là công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cây xanh đường phố, không phải như lối trồng cây thủ công hiện nay. Có thể nói cây xanh đường phố là cả một lĩnh vực công nghệ cao, từ khâu thiết kế đến khâu ươm cây, chuẩn bị hạ tầng, trồng và chăm sóc, quản lý, nhưng ở VN chúng ta lại làm hoàn toàn theo kiểu nông dân trồng cây nông nghiệp, do đó cây không phát triển được bình thường và thiệt hại gây ra cho đô thị rất lớn. Theo chúng tôi, các cơ quan ban ngành cần ý thức được điều này và cần có sự cải tiến kỹ thuật trong những năm tới.

- Xin cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây xanh Hà Nội dưới con mắt một kiến trúc sư trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.