Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bữa ăn tình nghĩa

ANHTHU| 20/03/2007 08:31

(HNM) - Dự án từ thiện “Sympa - meals bữa ăn miễn phí tại bệnh viện”ra đời từ ý tưởng hỗ trợ bệnh nhân ung thư nghèo tại Bệnh viện K Hà Nội của vợ chồng Luật sư Đặng Xuân Hợp - Phan Nguyệt Anh đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-2005. Đến nay, đã có khoảng 50 bệnh nhân được tặng phiếu ăn hằng ngày trong suốt thời gian điều trị.

Nhân viên của Dự án phát phiếu ăn cho bệnh nhân nghèo Khoa Tia xạ tổng hợp.

(HNM) - Dự án từ thiện “Sympa - meals bữa ăn miễn phí tại bệnh viện”ra đời từ ý tưởng hỗ trợ bệnh nhân ung thư nghèo tại Bệnh viện K Hà Nội của vợ chồng Luật sư Đặng Xuân Hợp - Phan Nguyệt Anh đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-2005. Đến nay, đã có khoảng 50 bệnh nhân được tặng phiếu ăn hằng ngày trong suốt thời gian điều trị.

Cảm thông vàchia sẻ

6h tối, trong căn phòng điều trị nội trú ở Khoa Tia xạ tổng hợp (Bệnh viện K Hà Nội), gương mặt xanh xao ủ dột của những người bệnh chợt bừng lên niềm vui. Họ niềm nở đón chào anh Bình - nhân viên phát phiếu ăn miễn phí của Dự án. Bà Nguyễn Thị Tằm, 64 tuổi, người dân tộc Mán, bộc bạch nỗi lòng: “Quê tôi (thôn Núi Độc, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) là vùng núi nghèo. Chồng chết từ lâu, một mình tôi nuôi 8 con ăn học. Nay các con đã dựng vợ gả chồng, nhưng đứa nào cũng nghèo khổ. Hai năm nay, tôi điều trị bệnh ung thư tử cung, các cháu phải thay nhau nuôi mẹ. Nhiều khi đau đớn, tôi chỉ muốn chết để mình và các con đỡ khổ. Nhưng bệnh nhân trong phòng động viên, lại được Dự án quan tâm phát phiếu ăn miễn phí, tôi cũng thấy được an ủi rất nhiều”. Anh Chu Thế Hòa, 29 tuổi, người dân tộc Mường (ở thôn Nè, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) giãi bày: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, 2 năm nay mẹ tôi phải đi viện chữa bệnh ung thư nên cuộc sống rất khó khăn. Tiền thì ít, thuốc và chi phí thì nhiều, để mẹ kham khổ quá tôi không đành lòng nhưng chẳng biết làm sao. Rất may là mẹ tôi được phát phiếu ăn miễn phí, nên gia đình tôi cũng yên tâm. Nông dân chúng tôi khổ lắm, nhiều người ở đây dần dà phải bán cả nhà cửa mà vẫn không đủ tiền chữa bệnh…”. Anh Phạm Lê Dương, 36 tuổi, gắng gượng ngồi dậy ký phiếu ăn thay cho 6 người trong phòng. Là nông dân (ở thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), anh đi làm thợ hồ lúc nông nhàn, chẳng may bị tường đổ dẫn đến tàn tật hai chân. Hai năm nay, phát bệnh u tinh hoàn, anh phải điều trị dài ngày tại viện. Anh cho biết: Để có thêm tiền mua thuốc, bệnh nhân thường cố gắng tiết kiệm các khoản chi về ăn uống. Nhiều bệnh nhân trong khi rất cần bồi bổ, lại chỉ đủ tiền ăn suất 1 ngàn đồng. Sau mỗi buổi xạ trị, mất sức nhiều, lại không có tiền bồi dưỡng, bệnh nhân nghèo rất khó hồi phục. Bữa ăn miễn phí đã giúp những người nghèo bệnh hiểm như anh Dươngrất nhiều.

Những người thực hiện

“Sympa - meals” hiện có 4 thành viên chính thức. Họ là thế hệ 7x, 3 là luật sư, 1 là kiểm toán viên. Hiện Đặng Xuân Hợp đang theo học Tiến sĩ luật tại Đại học Oxford, vợ là Phan Nguyệt Anh và hai con đi cùng chồng, để lại Dự án cho Lê Thanh Thúy và Đỗ Thị Thu Hà điều hành. Dù mới ở quy mô nhỏ, Dự án từ thiện “Sympa - meals bữa ăn miễn phí tại bệnh viện” mang tính thiết thực và bảo đảm sự đóng góp của nhà hảo tâm đến tận tay bệnh nhân nghèo. Hàng tháng Dự án tổ chức cho các nhà tài trợ có điều kiện vào bệnh viện trực tiếp phát phiếu ăn cùng nhân viên của Dự án. Đây cũng là dịp để các nhà tài trợ được trao đổi tâm sự, chia sẻ hoàn cảnh cùng bệnh nhân, các y, bác sĩ để tìm cách hỗ trợ tốt hơn. Điều quan trọng là đằng sau những bữa ăn thanh đạm 5 ngàn đồng ấy, những bạn trẻ mong mỏi được sẻ chia để bệnh nhân nghèo được tiếp sức chống chọi với bệnh tật. Thấu hiểu những hoàn cảnh, khó khăn mà bệnh nhân nghèo phải đối mặt: chi phí điều trị, thuốc men, chỗ ở, tiền ăn uống… đắt đỏ, mục đích của “Sympa - meals” rất khiêm tốn và thiết thực. Phiếu ăn có thể dùng để mua cơm, cháo, sữa, đường… tại nhà ăn của Bệnh viện K Hà Nội.

Đặng Xuân Hợp tâm sự: “Cái khó nhất với chúng tôi khi thực hiện Dự án là làm thế nào để bữa ăn đến đúng đối tượng cần giúp đỡ nhất. Bệnh nhân nghèo quá đông. Những người khó khăn nhấtlà những người không đủ tiền nằm viện, phải lang thang ngoài vỉa hè, chỉ vào viện để lấy thuốc điều trị rồi đi. Tìm được họ rất khó”. Đỗ Thị Thu Hà, người mẹ của hai con nhỏ mong mỏi: “Bốnchúng tôi đều rất bận rộn với sự nghiệp, cuộc sống riêng tư, con cái… Dù rất cố gắng nhưng chúng tôi chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của người bệnh nghèo. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn để mở rộng Dự án, phát triển nhân lực. Không lâu nữa, website www.sympameals.net sẽ được hoàn chỉnh. Hy vọng rằng, Dự án sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, để có thể giúp đỡ được nhiều người nghèo gặp bệnh hiểm, không chỉ riêng ở Bệnh viện K Hà Nội mà sẽ mở rộng ra nhiều bệnh viện khác”.

Linh Chi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bữa ăn tình nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.