Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em dịp hè

Ngân - Khánh| 30/05/2013 06:33

(HNM) - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước ở nhiều nơi trên địa bàn cả nước khiến các bậc phụ huynh lo lắng, xã hội băn khoăn.


Những con số báo động

Thống kê từ Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, tại Việt Nam mỗi năm có 7.000 trẻ tử vong, trong đó 1/2 trong số này chết do đuối nước khiến nước ta được xếp là một trong những quốc gia có nạn nhân chết đuối cao nhất thế giới. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước, trong đó đa số các tai nạn chủ yếu xảy ra trong kỳ nghỉ hè.

Chống đuối nước cho trẻ em rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp. Ảnh: Quốc Ân



Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH Hà Nội, số lượng trẻ em bị tai nạn đuối nước trên địa bàn không nhiều hơn các loại tai nạn thương tích khác nhưng số ca tử vong do đuối nước xếp hàng đầu. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ từ các địa phương trên địa bàn Hà Nội cho thấy, chỉ riêng hai tháng trở lại đây đã xảy ra gần 20 trường hợp trẻ từ 3 đến 14 tuổi bị tử vong do đuối nước. Các tai nạn chủ yếu xảy ra ở địa bàn ngoại thành: Mê Linh, Thanh Oai, Gia Lâm, Ba Vì, Ứng Hòa... những nơi có địa hình nhiều sông hồ, đời sống kinh tế xã hội còn khó khăn.

Một năm học sắp kết thúc cũng là lúc học sinh các bậc học chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè. Đây cũng là khoảng thời gian khiến nhiều phụ huynh lo lắng khi sự quản lý từ trường học không còn, bố mẹ chỉ cần sơ sảy, không để mắt đến trẻ đã có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc. Được biết, trong kế hoạch phòng, chống đuối nước trẻ em đến năm 2015, Sở VH,TT&DL, Sở GD-ĐT đảm nhận nhiệm vụ phổ cập bơi cho học sinh để giúp các em phòng tránh tai nạn đuối nước có thể xảy ra. Tuy nhiên, ngoài các trung tâm thể dục thể thao có truyền thống từ nhiều năm nay như: Trường 10-10, một số nhà thi đấu các quận, huyện, thì hiện chưa thấy xuất hiện những mô hình phổ cập bơi cộng đồng nổi trội. Số trường học có bể bơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các mô hình xây dựng môi trường an toàn cho trẻ như: Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, khu du lịch an toàn phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ… mới dừng ở bước triển khai thí điểm tại một số địa phương. Việc phổ cập bơi cho trẻ khu vực ngoại thành cũng khá hạn chế bởi cơ sở vật chất thiếu thốn trong khi trên địa bàn lại có nhiều ao, hồ, kênh rạch liền sát nơi trẻ sinh sống.

Tăng cường mô hình quản lý, đào tạo kỹ năng sống cho trẻ

Để phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng thì việc tăng cường quản lý học sinh dịp hè từ gia đình, nhà trường, xã hội là hết sức cần thiết. Mặc dù hằng năm, Sở LĐ,TB&XH Hà Nội đã phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt phòng, chống đuối nước trẻ em ở các địa phương, song theo chúng tôi, việc tuyên truyền "suông" như hiện nay là không đủ. Cái mà các bậc phụ huynh và trẻ em cần là có nhiều hơn các sân chơi bổ ích cho trẻ, đặc biệt là các sân chơi có tính chất, "học mà chơi, vui để học". Thời gian gần đây, các sân chơi như thế này đã bắt đầu được một số tổ chức, đơn vị chú trọng, triển khai như Trung tâm Thanh thiếu niên trung ương với chương trình "Học kỳ trong quân đội" rèn luyện kỹ năng sống, trải nghiệm và xây dựng nhân cách trẻ; Trung tâm Anh ngữ Apollo với chương trình vui học ngoại ngữ hè kết hợp dã ngoại... Một trong các địa chỉ thu hút trẻ trong dịp hè nhất vẫn là Cung Thiếu nhi Hà Nội. Bà Dương Việt Hà - Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp hè là số lượng các em thanh, thiếu nhi đến tham gia học tập, giải trí tại đây lại tăng cao. Trung bình cả năm Cung tiếp nhận, giảng dạy 25.000-30.000 lượt em, thì riêng dịp hè con số này đã chiếm tới 20.000 lượt, song cơ sở vật chất của Cung vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Hè năm nay, bên cạnh các bộ môn thuộc 6 lĩnh vực truyền thống: Ngoại ngữ, nghệ thuật, mỹ thuật, thể dục thể thao, giáo dục tổng hợp, kỹ thuật công nghệ, Cung Thiếu nhi còn mở thêm một số bộ môn mới, đào tạo kiến thức, kỹ năng sống như: "Kỳ học bán trú" dành cho học sinh tiểu học sẽ tiếp nhận, giảng dạy các em đến theo học từ sáng đến chiều; "Trại hè kỹ năng" giúp các em học sinh học cách sống tự lập khi xa bố mẹ...

Trong khi đó, ghi nhận tại các trường học trên địa bàn, hiện mới chỉ có một số trường dân lập tổ chức tiếp nhận, giảng dạy bán trú các em trong dịp hè. Bên cạnh mục đích quản lý học sinh là chính, thì việc giảng dạy, ôn tập kiến thức, đào tạo các kỹ năng sống, dạy bơi, múa... cũng được nhà trường chú trọng.

Ðể kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn, việc cần có nhiều hơn các sân chơi thiết thực, rèn luyện thể chất, kỹ năng sống cho các em là hết sức cần thiết. Đó cũng là giải pháp thiết thực nhất nhằm giảm tối đa tình trạng trẻ tử vong do tai nạn đuối nước mỗi khi hè về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em dịp hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.