Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ lấp “lỗ hổng” an ninh bệnh viện?

Thu Trang| 19/04/2017 06:56

(HNM) - Vụ việc bố của một bệnh nhi hành hung trọng thương một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đang khiến dư luận hết sức bức xúc.

Nhân viên bảo vệ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tuyên truyền, nhắc nhở công tác an ninh trật tự.
Ảnh: Thái Hiền


Môi trường nhiều bất ổn...

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội, công tác bảo đảm an ninh, trật tự từ bệnh viện (BV) tuyến trung ương đến tuyến huyện đang gặp không ít khó khăn. Ngay tại BV Thanh Nhàn, với việc tiếp nhận hơn 1.400 bệnh nhân/ ngày, lượng người ra vào BV tương đối đông, tạo điều kiện cho các đối tượng trộm cắp, côn đồ, cò mồi trà trộn vào hoạt động. Trong năm 2016, tại BV này đã xảy ra 12 vụ bệnh nhân và người nhà gây rối, làm mất trật tự, đe dọa nhân viên y tế, trộm cắp tài sản…

Tương tự, tại BV Hữu nghị Việt - Đức, một BV ngoại khoa đầu ngành của cả nước, nơi tập trung nhiều ca bệnh khó, phức tạp từ tuyến dưới chuyển lên, trong đó có cả những bệnh nhân bị đâm chém từ các vụ xung đột, mâu thuẫn của các nhóm đối tượng xã hội đen…, khiến công tác bảo đảm an ninh gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, BV Hữu nghị Việt - Đức chia sẻ, có những lúc, bệnh nhân là xã hội đen vừa vào viện, hàng chục đối tượng khác kèm vũ khí “nóng” cũng vào theo để thanh trừng lẫn nhau. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng của BV chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu cấp cứu, phẫu thuật, nhiều người bệnh còn phải chờ đợi cũng dẫn đến những bức xúc…

Theo quy định của BV, mỗi bệnh nhân chỉ có một người nhà được vào chăm sóc (trừ trường hợp đặc biệt), việc thăm nom cũng phải theo giờ quy định. Thế nhưng, các BV tuyến huyện lại quản lý “lỏng lẻo” vấn đề này.

Sớm lập lại trật tự an ninh

Thời gian qua, nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề an ninh tại các BV đã được tổ chức, nhiều giải pháp cũng được đưa ra. Tuy nhiên, các biện pháp như: Sử dụng thiết bị camera giám sát, nâng cao khả năng ứng trực của nhân viên an ninh, tăng cường phối hợp với công an phường và cảnh sát trật tự 113, thiết lập đường dây nóng… chỉ được xem là giải pháp tình thế, chưa giải quyết “tận gốc” vấn đề.

Tại hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự BV bảo vệ nhân viên y tế” diễn ra đầu tháng 4-2017, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng mất an ninh tại BV đến từ hai phía. Đâu đó, cán bộ y tế còn thiếu kỹ năng giao tiếp, thậm chí còn hách dịch, chậm trễ cấp cứu nên đã gây ra bức xúc từ phía người bệnh. Mặt khác, người bệnh và người nhà nhiều khi không hiểu được tính chất của bệnh, không thông cảm với hạn chế về cơ sở hạ tầng và sự quá tải của BV. Lãnh đạo nhiều BV chưa coi trọng vấn đề an ninh nên việc người nhà bệnh nhân ra, vào phòng cấp cứu còn khá dễ dàng. Đội ngũ bảo vệ của BV hiện chỉ đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, trông ô tô, xe máy...

Một nguyên nhân sâu xa là do pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế khi xảy ra sự việc, trong khi BV là môi trường có tính đặc thù cao.

Để giải quyết triệt để tình trạng mất an ninh tại các cơ sở y tế, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, các BV cần xây dựng và củng cố đội an ninh phản ứng nhanh, sẵn sàng đối phó với các sự cố bất thường xảy ra. Ngoài trách nhiệm, nhiệm vụ chính thuộc về lãnh đạo các BV cũng cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, chính quyền địa phương nơi BV đóng trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ lấp “lỗ hổng” an ninh bệnh viện?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.