Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không khuất phục số phận

Ngọc Quỳnh| 13/08/2017 07:27

(HNM) - Từ nghị lực cùng sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền và cộng đồng, những người khuyết tật ở huyện Quốc Oai đang vươn lên khẳng định giá trị bản thân. Họ đã cho thấy điều đáng trân trọng: Tuy chịu thiệt thòi về thể chất nhưng với ý chí, quyết tâm khắc phục thì không những chủ động được cuộc sống mà còn giúp ích cho xã hội.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà hướng dẫn công nhân may túi.


Trong căn nhà tầng khang trang ở xã Cấn Hữu, chị Nguyễn Thị Thu Hà đon đả đón chúng tôi vào thăm cơ sở sản xuất may gia công túi xuất khẩu - một “điểm sáng” vươn lên làm giàu của người khuyết tật huyện Quốc Oai. Theo lời kể của chị Hà, dù không được lành lặn như các bạn cùng trang lứa ngay từ lúc sinh ra, nhưng chị đã phấn đấu tốt nghiệp THPT và sau đó đi học nghề may ở tỉnh Bắc Ninh.

Học xong, chị Hà làm thuê cho một số công ty ở Bắc Ninh nhưng lương chỉ được 3-4 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống, nhất là sau khi lập gia đình, sinh con. Năm 2009, với số vốn ít ỏi dành dụm từ trước đó cùng sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè... chị Hà mạnh dạn đầu tư 5 đầu máy sản xuất túi để bán cho cửa hàng trong các chợ, từ đó, cuộc sống dần được cải thiện.

Suy nghĩ nhiều từ thiệt thòi của bản thân, chị Nguyễn Thị Thu Hà có tâm nguyện muốn tạo việc làm cho một số người khuyết tật nên năm 2010, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội Người khuyết tật huyện Quốc Oai, chị đã quyết định mở rộng quy mô xưởng may... Đến nay, cơ sở của chị Hà có 25 máy khâu, tạo việc làm ổn định cho 30 người, trong đó có 10 người khuyết tật, với thu nhập 3-6 triệu đồng/ người/tháng. Do chất lượng khá, mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh nên cơ sở may túi của chị Hà thu hút được nhiều đơn đặt hàng, trong đó đã ký hợp đồng gia công cho Công ty TNHH Đầu tư Nét Á (quận Long Biên) với số lượng ổn định hằng tháng.

Cùng cảnh ngộ, anh Cấn Hữu Tân ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), khi sinh ra đã bị khuyết tật, nhưng anh không chịu an phận mà quyết chí vượt qua hoàn cảnh vươn lên làm giàu. Năm 2008, với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quốc Oai và được người thân, bạn bè giúp đỡ, anh Tân đã cải tạo 3.500m2 đất xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng. Hiện nay, trang trại của anh Tân nuôi 4.000 gà đẻ trứng cho thu nhập 450 triệu đồng/năm.

Bước chân tập tễnh vì khuyết tật cùng với tuổi tác cao nhưng ông Cấn Văn Các, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Quốc Oai vẫn hằng ngày cần mẫn đến từng nhà hội viên động viên họ vượt qua số phận. Ông Cấn Văn Các chia sẻ: Chị Nguyễn Thị Thu Hà, anh Cấn Hữu Tân… là những người biết vượt lên hoàn cảnh, là tấm gương cho người khuyết tật trên địa bàn học tập, noi theo.

Theo ông Cấn Văn Các, hiện nay, được sự ủy thác của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ tới hội viên là 1,1 tỷ đồng, đây thực sự là "phao cứu sinh” cho nhiều gia đình người khuyết tật vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, với số vốn vay còn nhỏ nên đa số các mô hình sản xuất dừng lại ở quy mô nhỏ, lẻ... Bởi vậy, người khuyết tật huyện Quốc Oai mong muốn được tạo điều kiện cho vay mức tối đa 50 triệu đồng một trường hợp để có điều kiện mở rộng sản xuất.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Lai Luật cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật có cuộc sống ổn định, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; đồng thời, thông qua các tổ chức hội đoàn thể hướng dẫn người khuyết tật sử dụng nguồn vốn hiệu quả, phát triển các mô hình kinh tế ổn định, giá trị cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không khuất phục số phận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.