Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế chính sách cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn

Thế Dũng| 27/10/2013 05:45

(HNM) - Các kết quả khảo sát gần đây cho thấy, tổn thất sau thu hoạch các sản phẩm nông - thủy sản ở nước ta hiện nay chiếm tỷ lệ rất lớn và đối tượng thiệt thòi chính là người nông dân.



Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) vào sản xuất còn nhiều hạn chế; do người nông dân thiếu kinh nghiệm và do cán bộ quản lý thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về công nghệ sau thu hoạch... Xung quanh câu chuyện này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Đức Mạnh - Chủ nhiệm Chương trình KHCN cấp Nhà nước KC07/11-15, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm.

Mỗi năm thiệt hại tới 4 triệu tấn lúa

- Đề nghị ông giới thiệu đôi nét về kết quả nổi bật của Chương trình KHCN cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch - CNSTH” giai đoạn 2011-2015 (mã số KC07/11-15) thời gian qua?

- Chương trình KC07/11-15 gồm ba nội dung chính: Nghiên cứu bảo quản nông - lâm - thủy - hải sản; nghiên cứu chế biến nông - lâm - thủy - hải sản; nghiên cứu nâng cao chất lượng các sản phẩm thực phẩm truyền thống. Hơn 2 năm qua, Chương trình KC07/11-15 đã có được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Có thể kể đến các đề tài sau: “Nghiên cứu các giải pháp KHCN phát triển các sản phẩm thương mại từ đà điểu nuôi tại Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) chủ trì với kết quả nghiên cứu mở ra khả năng phát triển mạnh ngành chăn nuôi đà điểu tại Việt Nam; Dự án “Hoàn thiện quy trình bảo quản sau thu hoạch cá tạp và công nghệ sản xuất surimi (giò cá) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm surimi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản” do Công ty TNHH Hòa Thắng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì thực hiện; Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi nang để bao gói dầu gấc tinh chế đạt tiêu chuẩn thực phẩm” do Trường Đại học Nha Trang chủ trì thực hiện. Ngoài ra còn có đề tài “Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt” do Viện Cơ điện nông nghiệp và CNSTH chủ trì thực hiện. Đề tài đã nghiên cứu thành công công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè đen CTC bảo đảm chất lượng sau 9 tháng, có khả năng nhân rộng mô hình ứng dụng cho các cơ sở sản xuất chè đen ở Việt Nam.

PGS-TS Lê Đức Mạnh.


- Như vậy, nội dung nghiên cứu của KC07/11-15 rất rộng, kết quả nào theo ông là ấn tượng nhất và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống?

- Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Tuy nhiên, tôi chọn kết quả ấn tượng nhất là quy trình bảo quản sau thu hoạch cá tạp và công nghệ sản xuất surimi (giò cá), vì ở đây các nhà khoa học đã phải giải quyết một vấn đề rất khó. Đó là vừa phải làm cho surimi trắng hơn vừa phải bảo đảm chất lượng sản phẩm. Với kết quả này, trước hết là Công ty TNHH Hòa Thắng sẽ phát triển sản xuất, sau đó nhân rộng cho các DN chế biến cá tạp khác. Việc nhân rộng kết quả của dự án này là hoàn toàn có thể vì chúng ta biết rằng, với bờ biển rất dài, Việt Nam có nguồn tài nguyên biển rất lớn trong đó có cá. Hiện nay, lượng cá tạp rất lớn nhưng việc sử dụng còn kém hiệu quả, chủ yếu là phơi khô, bán với giá thành thấp hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Việc phát triển mạnh sản phẩm surimi sẽ góp phần nâng cao giá trị của cá tạp, hiệu quả của việc đánh bắt cá được nâng lên. Tôi được biết, sản phẩm surimi hiện đã có chỗ đứng tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

- Có thực tế là trong nhiều năm qua, tình trạng sản phẩm nông nghiệp (cụ thể là lúa) khi thu hoạch và bảo quản hao hụt rất lớn, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?

- Việc thất thoát sau thu hoạch có nhiều nguyên nhân: Giống, thời tiết, vận chuyển, cách thức bảo quản, quá trình chế biến sản phẩm... Với riêng lĩnh vực lúa gạo, tổn thất sau thu hoạch ở nước ta hiện là khoảng 10-12%. Như vậy, với tổng sản lượng khoảng 40 triệu tấn như hiện nay, mỗi năm chúng ta đã thiệt hại hơn 4 triệu tấn, một con số cực kỳ lớn.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; do người nông dân thiếu kinh nghiệm và do cán bộ quản lý thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về CNSTH. Ngoài ra, việc phổ biến cơ chế chính sách của Nhà nước hỗ trợ khâu sau thu hoạch đến với người dân cũng chưa kịp thời. Chúng tôi cho rằng, để giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, chúng ta cần phải có giải pháp tổng thể, trước hết, cơ chế chính sách của Nhà nước phải được kịp thời cụ thể hóa và phổ biển đến người nông dân, cần phải đẩy mạnh hoạt động khuyến nông. KHCN có vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề giảm thất thoát sau thu hoạch, từ khâu chọn giống, kỹ thuật canh tác đến khâu thu gom, phơi sấy, tồn trữ và xay xát. Việc đào tạo chuyên môn về CNSTH cho người sản xuất và người quản lý là rất cần thiết, đặc biệt, người quản lý phải đi sâu, đi sát thực tiễn và phải học hỏi kinh nghiệm tốt từ các nơi khác.

Cơ khí nông nghiệp chưa ngang tầm!

- Nước ta có nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, vậy trách nhiệm của các cơ quan này đến đâu khi tổn thất nông sản quá lớn như đã nêu ở trên?

- Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta có nhiều viện nghiên cứu chuyên sâu, mỗi viện có chức năng và nhiệm vụ riêng. Việc giảm tổn thất sau thu hoạch có trách nhiệm của tất cả các viện có liên quan, tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình các viện này phải giải quyết từ khâu giống đến khâu canh tác, bảo vệ thực vật, thu gom, tồn trữ…

Thời gian qua, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã thu được rất nhiều thành tựu, chúng ta đã phấn đấu trở thành nước xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới, nhiều sản phẩm khác cũng có mặt trên thị trường thế giới ngày càng tăng như cà phê, chè… Để có được kết quả nói trên, bên cạnh cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp, sự cố gắng của các cấp chính quyền và của người nông dân thì vai trò của các nhà khoa học là rất lớn và cần phải được ghi nhận một cách thỏa đáng. Việc giảm tổn thất sau thu hoạch đã có những kết quả rõ nét từ thực tiễn. Tuy vậy, thất thoát còn lớn, đòi hỏi các viện nghiên cứu cần được nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày một tốt hơn. Để các nhà khoa học yên tâm công tác, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chúng tôi đề nghị Nhà nước quan tâm đến đời sống của các nhà khoa học, quan tâm đến việc đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm ở các viện nghiên cứu đầu ngành và cơ chế, chính sách tài chính liên quan đến hoạt động KHCN.

- Nhìn nhận một cách khách quan, theo ông, trình độ CNSTH của nước ta đang đứng ở vị trí nào trong khu vực Đông Nam Á?

- Chúng ta chỉ hơn được các nước Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines mà thôi. Ở một vài lĩnh vực, chúng ta ngang hàng với Indonesia và Malaysia.

- Được biết, tại Đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân không mặn mà với máy gặt đập liên hợp (GĐLH) mang thương hiệu Việt. Phía sau sự “tẩy chay” này nói lên điều gì, thưa ông?

- Tôi cũng biết thông tin này. Hiện nay, máy GĐLH Kobuta của Nhật Bản đang được người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tin dùng hơn máy cùng chủng loại do Việt Nam sản xuất, mặc dù giá máy của Nhật Bản đắt hơn nhiều (580 triệu đồng so với 400 triệu đồng). Tôi cho rằng, sự lựa chọn của người dân là hoàn toàn chính xác vì máy của Nhật Bản tốt, hoạt động hiệu quả còn máy do Việt Nam sản xuất hoạt động hiệu quả không được như mong muốn, vài ngày lại phải sửa và cuối cùng là bỏ đi.

- Tôi ngạc nhiên khi ông có nhận xét như vậy?

- Theo tôi, trong lĩnh vực CNSTH lúa, máy GĐLH của Việt Nam chất lượng chưa tốt nhưng về máy sấy thì sản phẩm của Công ty TNHH Bùi Văn Ngọ (Tiền Giang) có khả năng đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Ở đây, chúng ta phải thừa nhận rằng, ngành cơ khí trong đó có cơ khí nông nghiệp của Việt Nam chưa ngang tầm với đòi hỏi của ngành nông nghiệp. Thời gian tới, ngành cơ khí, trong đó đặc biệt là cơ khí nông nghiệp cần phải được đầu tư hợp lý để tạo bứt phá mới có thể ngang tầm với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Dưới góc độ là một nhà khoa học, ông thấy gì khi dường như cộng đồng chỉ được giới thiệu về thành tựu của các nhà sáng chế nông dân trong ứng dụng sản xuất mà không mấy biết rằng công sức của các nhà khoa học bỏ ra để chế tạo máy móc, ứng dụng CNSTH cũng rất quan trọng?

- Tôi khẳng định, nếu không có những đóng góp của các nhà khoa học thì chắc chắn ngành nông nghiệp Việt Nam không thể có được những thành tựu như hiện nay. Điều đó được chứng minh khi sản phẩm lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản... của nước ta đã có chỗ đứng và uy tín trên thị trường thế giới trong khoảng 15 năm trở lại đây. Thiết nghĩ điều đó không cần phải nói thêm về vai trò của KHCN trong đó.

Tôi cũng rất trân trọng những người nông dân đã sản xuất ra những thiết bị phục vụ tốt cho hoạt động của mình và cộng đồng. Ở đây, tôi chỉ muốn nói một điều là các nhà khoa học chưa biết làm cho xã hội hiểu về hoạt động của mình. Tôi đã nói vấn đề này tại nhiều hội nghị bàn về KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi mong rằng, thời gian tới, các nhà khoa học và các nhà quản lý khoa học cần phải làm cho xã hội hiểu được đặc thù của nghiên cứu khoa học là gì; khó khăn các nhà khoa học Việt Nam gặp phải là gì; sản phẩm của nghiên cứu KHCN là gì; đóng góp của các nhà khoa học vào việc phát triển kinh tế - xã hội như thế nào; ở những đâu và hiệu quả ra sao? Chúng ta làm tốt việc này, tôi tin các nhà lãnh đạo đất nước cũng như người dân sẽ ghi nhận những đóng góp của KHCN và ủng hộ mạnh mẽ hoạt động KHCN. Tôi cũng đề nghị các cơ quan truyền thông giúp các nhà khoa học làm tốt việc này.

Người làm chính sách cần thực tiễn hơn!

- Gần đây, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, yêu cầu đặt ra là phải mua các loại máy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo phản ánh, máy móc của chúng ta chất lượng không cao, khi sử dụng thường hay hỏng hóc nên đến nay việc cho vay ưu đãi mua máy móc hầu như không thể triển khai? Đó phải chăng là một điều đáng tiếc?

- Tôi cho rằng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc để thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp là rất đúng, không thể thực hiện được chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nếu không cơ giới hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước yêu cầu nông dân phải mua máy móc do Việt Nam sản xuất thì hoàn toàn không nên, phải để cho người nông dân tự lựa chọn. Đây là một sự áp đặt của những người làm chính sách, tôi cho rằng những người làm chính sách cần phải thực tiễn hơn nữa.

- Nông nghiệp, nông thôn, nông dân thời gian gần đây được Nhà nước đầu tư khá mạnh thông qua việc xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Theo ông, vai trò của công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trong đó có CNSTH cần phải thay đổi những gì cho phù hợp với tình hình hiện nay?

- Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: “Cùng với giáo dục và đào tạo, KHCN là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Như vậy, KHCN đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Về CNSTH, các nhà khoa học phải tập trung nghiên cứu làm giảm tổn thất sau thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Đây là công việc mà tất cả các nhà khoa học thuộc lĩnh vực này đều đã biết, vấn đề còn lại là làm thế nào để hiện thực hóa việc giảm tổn thất sau thu hoạch?

Tôi cho rằng, trước hết, Nhà nước cần phải điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Đối với nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp một cách thiết thực. Ví dụ, như hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn để đầu tư cho phát triển nông nghiệp, áp dụng chính sách thuế linh hoạt hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, củng cố và phát huy vai trò của Hội Khuyến nông, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo… phải thực hiện việc nhân rộng cánh đồng mẫu lớn để ứng dụng KHCN được thuận lợi, phải đẩy mạnh liên kết 4 nhà để hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đối với các nhà khoa học, Nhà nước cần quan tâm đến đời sống của các nhà khoa học, tạo điều kiện cho họ yên tâm nghiên cứu sáng tạo. Nhà nước cần đầu tư có trọng điểm cho các cơ sở nghiên cứu có uy tín để nâng cao năng lực nghiên cứu chuyển giao cho các đơn vị này. Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề sở hữu trí tuệ để hiện tượng đánh cắp bản quyền không xảy ra. Cơ chế tuyển chọn, xét chọn các nhiệm vụ nghiên cứu và cơ chế tài chính áp dụng cho KHCN cũng cần phải được thay đổi cho phù hợp hơn với thực tế.

- Xin cảm ơn ông về những vấn đề trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế chính sách cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.