Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo dựng "thiên đường ẩm thực" đúng nghĩa

Lâm Vũ| 12/05/2017 07:31

(HNM) - “Để ẩm thực Việt Nam trở thành một sản phẩm du lịch ấn tượng thì không cần quá trau chuốt hay làm mới các món ngon, hãy giữ gìn đặc trưng riêng và để nó phát triển tự nhiên cho du khách thỏa sức khám phá và trải nghiệm”...



Thế mạnh chưa được khai thác đầy đủ

Từ rất lâu, nhiều món ăn Việt Nam đã được báo chí nước ngoài xếp vào danh sách những món ngon nhất thế giới như phở, bánh mì, nem rán... Ông Christian Le Squer, một trong những đầu bếp danh tiếng của thế giới nhận xét: "Ẩm thực Việt Nam rất nhiều tiềm năng, xứng tầm thế giới. Đặc biệt, các bạn có rất nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn nhỏ với đầu bếp có tay nghề chất lượng cao". Tổng lãnh sự Malaysia tại TP Hồ Chí Minh, ông Sofian Akmal Abd. Krim cho biết, ông thích rất nhiều món ăn của Việt Nam, đặc biệt là phở. “Tôi đã từng ăn phở ở nhiều nước nhưng phở ở Việt Nam vẫn là ngon nhất”, ông Krim nói. Trong khi đó, ông Justin Wermers, Giám đốc F&B khách sạn New World cho rằng mình “thực sự may mắn khi được sống ở Việt Nam và có cơ hội thưởng thức những món ăn địa phương tươi ngon”.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, Trưởng ban Vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, 82% trong tổng số khách du lịch của công ty ông cho rằng ẩm thực giúp định vị du lịch nhanh nhất. Thế nhưng ẩm thực Việt Nam mới chỉ được biết đến qua một số món ăn đường phố như phở, gỏi cuốn, bánh mỳ..., chủ yếu do chúng có tên trong các bảng xếp hạng của cơ quan truyền thông lớn của thế giới như BBC Travel, CNN.

Thực tế cho thấy, mặc dù văn hóa ẩm thực được đánh giá là yếu tố quan trọng để hút khách du lịch nhưng ngành Du lịch Việt Nam chưa làm gì đáng kể để khai thác thế mạnh này. Việc khảo sát các chương trình tour dành cho khách nước ngoài cho thấy, phần lớn các công ty lữ hành khi chào tour thường chỉ nhấn mạnh đến các điểm du lịch chứ không giới thiệu các món ăn. Cho tới hiện tại, chưa có cơ quan, tổ chức nào quan tâm, đứng ra liên kết để quảng bá cho các thương hiệu ẩm thực nên du khách nước ngoài chỉ biết đến ẩm thực Việt Nam qua lời kể của bạn bè, người thân hoặc các cuốn sách viết về du lịch do tác giả nước ngoài biên soạn. Thời gian qua, một số công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng như Fiditour, Saigontourist, Sofitel Metropol, Highway 4... đã tổ chức một số tour du lịch ẩm thực dành cho du khách nước ngoài. Tuy nhiên, việc tổ chức những tour này mang tính tự phát, tùy thuộc vào sự quan tâm của từng đơn vị mà thôi.

Đẩy mạnh quảng bá, tăng cơ hội trải nghiệm

Bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Nam Hương cho rằng, việc quảng bá ẩm thực Việt Nam chưa được thực hiện một cách đồng bộ và bởi vậy, chưa thể giới thiệu một bức tranh tổng thể. Các công ty vẫn hoạt động theo kiểu "mạnh ai nấy làm" nên chưa tạo được sự cộng hưởng đủ sức làm lan tỏa giá trị ẩm thực Việt Nam ra thế giới mạnh mẽ. "Trong khi thế giới sử dụng truyền thông 360O - áp dụng tất cả các kênh - thì tại Việt Nam còn thiếu hai kênh đặc biệt quan trọng trong thời đại bùng nổ internet hiện nay, đó là mạng xã hội và hot blogger", bà Nguyễn Thu Hương nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết thêm, qua nhiều cuộc khảo sát, có đến hơn 80% du khách cho rằng ẩm thực là một trong những thứ tạo ấn tượng mạnh nhất trong hành trình. Đặc biệt, có đến 30-50% tổng chi phí cho chuyến đi được du khách dành để chi trả cho việc ăn uống tại các điểm đến.

"Trong khu vực, Thái Lan là nước khai thác rất tốt yếu tố ẩm thực để phát triển du lịch và đã tạo được ấn tượng mạnh đối với du khách toàn thế giới. Việt Nam không hề thua kém về tiềm năng nhưng trong bao năm qua, điều được du khách nhắc tới và nhớ mãi chỉ là vài món quen thuộc… Chúng ta có nhiều món ngon khác nhưng do cách quảng bá còn yếu nên chưa tạo được ấn tượng, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp về ẩm thực để cạnh tranh với các nước khác. Do đó, cần có chính sách, sự định hướng nhằm xác định rõ vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch Việt Nam", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Theo các chuyên gia, cần có các chiến lược để quảng bá hình ảnh ngành Du lịch gắn liền với ẩm thực, cụ thể là cần lồng ghép việc quảng bá ẩm thực khi thực hiện các bộ phim truyền hình, tác phẩm điện ảnh, như Hàn Quốc, Nhật Bản… đã làm, từ đó kích thích du khách tìm đến món ăn Việt thông qua con đường du lịch. Đồng thời, để tạo được doanh thu cao từ ẩm thực, cần phải biết “nâng cấp” và đưa các món ngon vào khách sạn cao cấp nhiều hơn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên về ẩm thực Việt để sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều dòng khách - từ nhóm có mức chi tiêu "bình dân" cho tới khách siêu sang.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dã ngoại Lửa Việt, để Việt Nam trở thành "thiên đường ẩm thực", chúng ta cần nhanh chóng chọn lọc các món ăn tiêu biểu kèm theo thông tin liên quan và xây dựng các điểm cung cấp dịch vụ trình diễn văn hóa ẩm thực, trải nghiệm ẩm thực... dành cho du khách, góp phần đa dạng hóa cách thức quảng bá ẩm thực Việt.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng "thiên đường ẩm thực" đúng nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.