Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông: Thách thức lớn với giáo viên

Thống Nhất| 06/12/2013 06:25

(HNM) - Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông đang đặt ra thách thức lớn đối với đội ngũ giáo viên - những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ.

Giờ thực hành của học sinh Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Ảnh: Khánh Nguyên


Sức ỳ và tâm lý ngại thay đổi

Mới đây, tại một hội nghị quốc tế bàn về việc thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau năm 2015 của Việt Nam, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó có ý kiến về thách thức cần phải lưu tâm đến từ đội ngũ GV hiện nay, đó là sức ỳ, tâm lý ngại thay đổi. Trong khi đó, mục tiêu đổi mới giáo dục là chuyển từ cách dạy học nặng về truyền đạt kiến thức sang định hướng cho HS biết tự học và từng bước tập dượt nghiên cứu, có sự tích hợp kiến thức, kỹ năng ở lớp dưới và phân hóa mạnh ở lớp trên. Với mục tiêu đó, sự chủ động, sáng tạo của GV là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả của quá trình đổi mới giáo dục.

GS, TS Mike Horsley (Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dạy học, ĐH Central Queensland, Australia), người có kinh nghiệm giảng dạy ở cả phổ thông và ĐH, 40 năm tham gia viết SGK và từng lập viện nghiên cứu về SGK thẳng thắn cho rằng, việc giảng dạy của GV luôn chứa đựng yếu tố bảo thủ. Thực tế, việc thay đổi phương pháp giảng dạy đối với GV là tương đối khó, thậm chí, có nhiều yếu tố chuyên môn khiến họ có thể phản đối lại sự điều chỉnh về SGK, tài liệu dạy học.

Ý kiến nói trên nhận được sự chia sẻ của nhiều nhà quản lý giáo dục tại Việt Nam. GS Đinh Quang Báo (Thường trực Ban soạn thảo chương trình và SGK mới sau năm 2015) tỏ rõ sự lo lắng vì mục tiêu của việc giảng dạy trong các trường phổ thông đòi hỏi GV phải có sự điều chỉnh về phương pháp dạy học theo hướng linh hoạt, phù hợp với sự tiếp nhận của từng HS. Tuy nhiên, thay đổi tư duy, phương pháp dạy học đã ăn sâu trong GV quả là điều khó, đòi hỏi phải có quá trình.

Thực tế cho thấy thói quen "cầm tay chỉ việc" đã trở thành "mẫu số chung" của GV ở nhiều trường học. Lý do không hẳn vì trình độ, mà phần nhiều là từ thói quen, ý thức, trách nhiệm của người dạy trong việc nâng cao hiệu quả truyền đạt kiến thức cho HS. Tại hội thi dạy giỏi cấp quận cách đây ít lâu, có GV trường nọ đã bị mất điểm bởi quá phụ thuộc vào tài liệu dạy học, sách viết.

Đâu là giải pháp?

Trước băn khoăn từ dư luận về những khó khăn trong quá trình triển khai đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, lần đổi mới này mang tính căn bản, với cách thức, tư duy khác, phương pháp giảng dạy cũng sẽ phải khác… Chúng ta phải từ bỏ cách nghĩ, cách làm vốn đã gắn bó máu thịt đối với chúng ta qua nhiều thế hệ. Không có sự lựa chọn khác, vì đó là con đường mà hầu hết các nước có nền giáo dục phát triển đã trải qua. Bộ GD-ĐT xác định đây là hành trình khó khăn, nhưng hoàn toàn có thể làm được. Thời gian qua, Bộ GD- ĐT đã phối hợp với nhiều địa phương (trong đó có nơi tích hợp điều kiện thuận lợi như Hà Nội, Nam Định, cũng có vùng khó khăn như Lào Cai, Cà Mau) để thí điểm mô hình và phương án đổi mới chương trình, SGK. Thực tế cho thấy, khi được triển khai trong điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, có tổ chức tập huấn, đào tạo lại cho đội ngũ GV, việc thí điểm đã thành công. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, đó là một quá trình liên quan đến chất lượng của công tác tổ chức và quản lý. Bộ GD-ĐT đã tính toán, hình dung ra thách thức này để có thể xác định cách thức tổ chức triển khai phù hợp. Cụ thể, ngoài SGK, Bộ GD-ĐT sẽ biên soạn và phát hành bộ sách hướng dẫn GV. GV ở vùng sâu, vùng xa sẽ được nhận đĩa, băng hình làm tài liệu tham khảo, học tập kinh nghiệm. Bộ GD-ĐT cũng sẽ ứng dụng CNTT để liên lạc trực tuyến với các thầy, cô giáo ở mọi vùng, miền nhằm giải đáp mọi băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Tuy nhiên, đó mới là giải pháp trước mắt đối với đội ngũ GV. Về lâu dài, cần có giải pháp tổng thể. GS, TS Nguyễn Lộc (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) góp ý: Để thực hiện hiệu quả chương trình và SGK mới, cần phải coi trọng việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ GV, bởi một khi đã có chương trình và SGK mới, hiện đại thì người thầy phải có cách tiếp cận nhanh chóng, vì người thầy là "máy cái" trực tiếp tạo ra "sản phẩm" giáo dục. Xác định vai trò quan trọng của chất lượng đội ngũ GV, GS Đinh Quang Báo chỉ rõ: Nhiệm vụ của GV không chỉ là cung cấp kiến thức đã được soạn sẵn trong SGK, mà phải xem thông tin ở sách là "mô hình tri thức tĩnh" để gia công sư phạm, biến nó thành "mô hình hoạt động - tư duy" để HS vừa lĩnh hội tri thức khoa học vừa học được phương pháp sáng tạo.

Tăng cường năng lực của đội ngũ GV, đó rõ ràng là thử thách lớn mà các cấp quản lý cần phải tính tới, cần phải vượt qua trong quá trình thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông: Thách thức lớn với giáo viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.