Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương hiệu của “Chắp cánh thương hiệu”

ANHTHU| 30/10/2007 09:06

(HNM) - Khi mới ra đời (tháng 4-2007), nhiều người nghi ngại về thành công của chương trình “Chắp cánh thương hiệu” trên kênh VTV3, bởi đây là gameshow made in Việt Nam đích thực...

(HNM) - Khi mới ra đời (tháng 4-2007), nhiều người nghi ngại về thành công của chương trình “Chắp cánh thương hiệu” trên kênh VTV3, bởi đây là gameshow made in Việt Nam đích thực...

Chỉ sau nửa năm phát sóng, “Chắp cánh thương hiệu” (CCTH) đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp (DN) và khán giả truyền hình. Đó đã là một gameshow hấp dẫn của kênh giải trí VTV3.

CCTH đáp ứng nhu cầu quảng bá, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các DN, đồng thời phổ biến kiến thức về Luật Sở hữu trí tuệ đến DN và người tiêu dùng. Với tiêu chí ấy, người làm không khéo thì chương trình khô khan, dễ đi vào lối mòn quảng cáo. Thế nhưng, với sự tổ chức khéo léo, dàn dựng công phu của những người làm chương trình, CCTH đã đến với khán giả truyền hình trước hết như một gameshow hấp dẫn, kiến thức về thương hiệu và Luật Sở hữu trí tuệ được truyền tải nhẹ nhàng qua 3 phần chơi bổ ích: đoán phim quảng cáo, nhận diện logo và đoán phim tình huống.

Đoán phim quảng cáo gợi sự tò mò, kích thích trí nhớ và sự khám phá của người chơi. Đoạn phim quảng cáo về sản phẩm đã được bộ phận kỹ thuật xóa nhòa khá nhiều chi tiết để người chơi khó nhận biết. Tuy nhiên, với những người thường xuyên xem quảng cáo trên truyền hình thì đây là phần thi không khó, rất dễ dàng “ăn” điểm.

Nhận diện logo là phần thi sôi động, giúp ích cho quảng bá thương hiệu. Người chơi phải nhanh tay nhanh mắt để có thể ghép đúng logo thương hiệu bằng cách chọn ra những miếng ghép cần thiết từ 32 miếng ghép được đặt lộn xộn. Trong quá trình người chơi ghép hình logo, hình ảnh thương hiệu dần hình thành, định vị trong tâm trí khán giả đồng thời là người tiêu dùng. Nhận diện logo tạo sự thoải mái cho người chơi, giúp họ giải tỏa căng thẳng để bước vào phần thi Đoán phim tình huống, một sự thử thách thật sự đối với kiến thức về Luật Sở hữu trí tuệ của người chơi. Tuy vậy, phần thi không quá căng thẳng bởi các tình huống được tải bằng tiểu phẩm hài vừa vui nhộn vừa gần gũi với cuộc sống. Giám khảo, những người thuộc cơ quan xác lập và thực thi Luật Sở hữu trí tuệ sẽ giải đáp tình huống, giúp người xem hiểu rõ nguyên nhân của việc phạm luật.

Theo ông Đoàn Hồng Sơn, luật sư về sở hữu trí tuệ, thì CCTH đã góp phần phổ biến thành công Luật Sở hữu trí tuệ đến DN và người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thêm kiến thức để phân biệt được hànggiả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Với 3 đội chơi đại diện cho khối sinh viên, khối người tiêu dùng và khối DN, chương trình đã tạo được sự đa dạng về đối tượng, thành phần người chơi. Bước vào sân chơi, ngoài việc giao lưu, giải trí, mỗi nhóm đối tượng đều có thể học hỏi, thu lượm kiến thức cho mình: Với sinh viên, đây là dịp để học hỏi, cập nhật kiến thức về thương hiệu và sở hữu trí tuệ. Người tiêu dùng có dịp tiếp cận, tìm hiểu và nhận biết những sản phẩm yêu thích đích thực. Với các DN, CCTH là cơ hội để tự giới thiệu, hoặc tìm hiểu sâu sắc hơn các vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển và bảo vệ thương hiệu.

Ông Lê Văn Kiều, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Chắp cánh thương hiệuđem lại lợi ích quảng bá và bảo vệ thương hiệu cho DN. Đây là cầu nối giữa DN với các cơ quan chức năng trong việc tư vấn, giải đáp thắc mắc khi áp dụng các vấn đề liên quan tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chương trình vừa học, vừa chơi này cũng là cơ hội để DN và người tiêu dùng gặp nhau, có tác dụng giúp người tiêu dùng cập nhật kiến thức về thương hiệu sản phẩm, nhận biết và lựa chọn hàng hóa. Chương trình có ý nghĩa xã hội to lớn trong thời hội nhập”.

Sau một thời gian phát sóng, CCTH không chỉ giúp nhiều DN định vị thương hiệu trong lòng khán giả mà bản thân chương trình cũng đã là một thương hiệu đáng kể đối với cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Quang Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương hiệu của “Chắp cánh thương hiệu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.