Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nếu không xảy ra tai nạn thảm khốc...

ANHTHU| 23/03/2005 09:15

Vụ tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra ngày 12-3 tại khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đã được cơ quan chức năng kết luận: nguyên nhân do lái tàu đã chạy quá tốc độ quy định. Tuy nhiên sau vụ tai nạn này, hàng loạt vấn đề về an toàn chạy tàu đã được đặt ra.

Công nhân Cty quản lý đường sắt Hà Thái thi công bảo dưỡng tuyến đường sắt đoạn Giáp Bát - Thường Tín

Vụ tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra ngày 12-3 tại khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đã được cơ quan chức năng kết luận: nguyên nhân do lái tàu đã chạy quá tốc độ quy định. Tuy nhiên sau vụ tai nạn này, hàng loạt vấn đề về an toàn chạy tàu đã được đặt ra.

Trước hết là việc chưa thống nhất giữa quản lý Nhà nước và kinh doanh khi rút ngắn hành trình chạy tàu, cụ thể là đoàn tàu SE 1/2 hành trình 29 giờ. Theo Bộ GTVT, tháng 6-2004, Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình đã có công thư gửi về Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam yêu cầu TCty Đường sắt Việt Nam có đề án làm rõ việc rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc - Nam (lúc đó dự kiến xuống còn 28 giờ). Đề án này cần phân tích rõ việc bố trí nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách bố trí nâng cấp, bảo đảm an toàn giao thông còn thiếu, nhiều cầu yếu, nhiều đoạn đường chưa được nâng cấp, nhiều đường ngang chưa được đầu tư... Ngay sau đó, Cục Đường sắt Việt Nam có công văn số 341 gửi Tổng giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam để cùng phối hợp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh cũng chỉ đạo Cục Đường sắt yêu cầu TCty Đường sắt Việt Nam báo cáo chủ trương, dự án rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc - Nam; sớm gửi đề án lên Bộ GTVT để thẩm định vào tháng 7-2004. Tuy nhiên, đề án này đã không được gửi đến Bộ GTVT thì 1-12-2004, TCty Đường sắt Việt Nam đã chính thức đưa đoàn tàu SE 1/2 hành trình 29 giờ vào hoạt động.

Sau khi vụ tai nạn tàu E1 xảy ra, trả lời phỏng vấn của báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức một lần nữa khẳng định, TCty Đường sắt Việt Nam chưa có đề án báo cáo Bộ GTVT về việc rút ngắn hành trình tàu Bắc - Nam còn 29 giờ. Theo Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức, trước đó việc rút hành trình tàu Bắc - Nam xuống còn 30 giờ được thực hiện theo quy trình: TCty Đường sắt Việt Nam lập đề án, lấy ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan trước khi trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt. Đây là quy trình đúng, vì vậy các kế hoạch rút ngắn thời gian chạy tàu phải thực hiện theo quy trình này. Trước mắt, TCty Đường sắt Việt Nam cần báo cáo lại đề án rút hành trình chạy tàu xuống 29 giờ.

Lý giải cho quyết định rút hành trình chạy tàu Bắc - Nam xuống 29 giờ, TCty Đường sắt Việt Nam cho rằng TCty được Chính phủ giao cơ sở hạ tầng, công bố lệnh tải trọng, lệnh chạy tàu. Khi rút ngắn hành trình chạy tàu, TCty đã nghiên cứu kỹ khả năng hạ tầng đường sắt.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc rút hành trình chạy tàu là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của TCty Đường sắt Việt Nam. Từ chỗ tàu Bắc - Nam chạy hành trình 72 giờ được rút xuống còn 30 giờ, rồi 29 giờ là một nỗ lực to lớn của ngành Đường sắt trong đổi mới phương tiện, công nghệ, chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên ở khía cạnh khác, rút hành trình chạy tàu phải được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nó liên quan đến yếu tố an toàn khi chạy tàu. Điều này cũng được lãnh đạo TCty Đường sắt Việt Nam nhiều lần khẳng định. Đáng tiếc, sau gần 4 tháng hoạt động, khi tai nạn đã xảy ra, việc TCty Đường sắt chưa thực hiện đúng quy trình rút ngắn hành trình mới được đưa ra. Phải chăng nếu không xảy ra vụ tai nạn thảm khốc trên, mọi việc sẽ không được nhắc tới ?

Vụ lật tàu E1 được cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân do vượt tốc độ quy định, là bài học đắt giá trong công tác quản lý nhân viên lái tàu, tốc độ chạy tàu và công tác bảo đảm an toàn chạy tàu. Ông Nguyễn Đạt Tường, Phó Tổng giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam thừa nhận, hiện nay ngành Đường sắt chưa có biện pháp quản lý, kiểm soát tốc độ chạy tàu hữu hiệu. Việc giám sát bảo đảm tốc độ chạy tàu theo quy định chủ yếu dựa vào thời gian tàu đi - đến trên từng chặng. Còn băng ghi tốc độ chỉ được mở sau khi tàu đã hoàn thành hành trình, vì vậy nếu có phát hiện ra lái tàu chạy quá tốc độ quy định cũng là chuyện đã rồi.

Trong khi đó hạ tầng đường sắt cơ bản vẫn bám theo hướng tuyến từ thời Pháp thuộc, còn nhiều điểm yếu, hiểm trở, chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Hằng năm, ngành Đường sắt phải tổ chức đoàn tàu kỹ thuật để khảo sát và ban hành công lệnh quy định tốc độ, tải trọng trên từng đoạn để bảo đảm an toàn chạy tàu.

Về quản lý Nhà nước, trước đây Thanh tra Đường sắt trực thuộc TCty Đường sắt, hiện nay được tách chuyển về Cục Đường sắt Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn ổn định tổ chức. Lực lượng Thanh tra mới chỉ tập trung ở những khu vực nguy hiểm... còn trên các đoàn tàu vẫn chưa có lực lượng giám sát, nhất là về bảo đảm tốc độ chạy tàu.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếu không xảy ra tai nạn thảm khốc...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.