Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Bài và ảnh: Tuấn Lương| 21/12/2011 07:42

Trên địa bàn Hà Nội có 18 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (trong danh mục quy hoạch các KCN của Việt Nam đến năm 2015), tổng diện tích theo quy hoạch gần 3.941ha, trong đó có 7 KCN thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Việc bảo vệ môi trường (BVMT) tại các KCN đang gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân cơ bản là do ý thức BVMT của các doanh nghiệp (DN) chưa cao. Trong khi đó, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) còn rất chậm.


Các khu công nghiệp cần được đầu tư xử lý nước thải.

TÍNH đến thời điểm này, trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã có 3/7 KCN đi vào hoạt động là KCN Nam Thăng Long (diện tích 30,4ha, tỷ lệ lấp đầy là 92,57%, 22 DN đã hoạt động); KCN Phú Nghĩa (diện tích 170ha, tỷ lệ lấp đầy 75%, 35 DN đã hoạt động); KCN Thạch Thất - Quốc Oai (diện tích 155ha, tỷ lệ lấp đầy 91,46% và 51 DN đã hoạt động). Bốn KCN đang triển khai thủ tục thu hồi đất và GPMB là Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp, KCN công nghệ cao sinh học Từ Liêm và Khu công nghệ cao (KCNC) Láng - Hòa Lạc. KCN Nam Thăng Long đã xây dựng hệ thống XLNTTT công suất 800 m3/ngày đêm; KCN Phú Nghĩa đã xây dựng hệ thống XLNTTT tổng công suất 6.000 m3/ngày đêm, trong đó giai đoạn I là 1.500 m3/ngày đêm. Trạm XLNT của cả 2 KCN này đều đang trong quá trình chạy vận hành thử nghiệm; KCNC Láng - Hòa Lạc đã xây dựng xong hệ thống XLNTTT, công suất là 6.000 m3/ngày đêm. Riêng KCN Thạch Thất - Quốc Oai (Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Tây làm chủ đầu tư) đang xây dựng hệ thống XLNTTT với công suất là 1.500 m3/ngày đêm, nhưng tiến độ triển khai chậm do nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn. Kết quả kiểm tra, quan trắc nước thải công nghiệp do Sở TN&MT Hà Nội thực hiện tại các KCN nói trên cho thấy, nước thải tại KCN Phú Nghĩa (Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ làm chủ đầu tư), KCN Nam Thăng Long (Công ty CP Phát triển hạ tầng Hiệp hội Công thương Hà Nội làm chủ đầu tư) đạt quy chuẩn quốc gia - QCVN 24:2009/BTNMT và được Sở TN&MT cấp giấy phép xả thải. Các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN đã bố trí cán bộ phụ trách về BVMT theo quy định, đồng thời theo dõi, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vào nhà máy XLNTTT theo quy định...

Cùng với quan trắc nước thải, thời gian qua các đoàn kiểm tra của Sở TN&MT đã thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT và tài nguyên nước tại các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đầu tư vào KCN. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại KCN Phú Nghĩa, các DN đang hoạt động đã đấu nối đầu ra của hệ thống thoát nước thải vào nhà máy XLNTTT. Tuy nhiên, tại KCN Thạch Thất - Quốc Oai do chưa hoàn thiện nhà máy XLNTTT nên chưa thể đấu nối. Do đó, nước thải công nghiệp của hầu hết các DN chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường QCVN 24:2009/BTNMT trước khi thải. Các thành viên đoàn kiểm tra cho biết: Đa số DN khi kiểm tra đã thực hiện được một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và trong bản cam kết BVMT, đề án BVMT đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và xác nhận như thực hiện việc giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định, đã đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại (CTNH), bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời CTNH và đã chủ động ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải để thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý theo quy định... Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa thực hiện tốt vấn đề này... Nguyên nhân việc chấp hành chưa nghiêm túc các quy định của pháp luật tại một số DN trong KCN chủ yếu là do ý thức của các chủ đầu tư tuân thủ pháp luật về BVMT còn chưa cao. Không ít DN chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất mà chưa chú trọng đến công tác BVMT, trong khi đó ngân sách nhà nước hỗ trợ cho xây dựng công trình XLNTTT còn hạn chế. Mặt khác, việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng công trình XLNT còn nhiều khó khăn, điều kiện cho vay phức tạp do dự án xây dựng công trình XLNT khó hoàn vốn.

Để thực hiện có hiệu quả công tác BVMT trong các KCN, thời gian tới ngành chức năng cần đẩy mạnh xây dựng và thực hiện quy hoạch KCN; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT; nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước trong công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao năng lực và ý thức BVMT trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển KCN theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.