Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Bài toán" tạo nền

Dục Tú| 19/03/2017 07:08

(HNM) - Năm 2015, Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho 617 nghệ nhân thuộc 56 tỉnh, thành phố. Cũng trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.


Đó không chỉ là sự tôn vinh, ghi nhận cống hiến của các nghệ nhân trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, mà còn tạo cơ sở để các địa phương chăm lo tốt hơn đời sống của các nghệ nhân, cổ vũ nhân tài tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Khỏi phải nói về sự phấn khởi của các nghệ nhân lớn đến nhường nào trước sự quan tâm hết sức đặc biệt này. Bởi từ nhiều năm trước, thực tế đã cho thấy không ít bất cập. Những đội cồng chiêng trong đội hình đơn vị nghệ thuật cấp tỉnh, những đoàn nghệ thuật quan họ hay nhã nhạc cung đình của thành phố có thể được đầu tư cẩn thận, có đủ nhạc cụ, phương tiện trình diễn và các thành viên được trả lương đầy đủ. Nghĩa là, dù còn chưa như ý nhưng đa số họ đã có thể sống được bằng nghề.

Tuy nhiên, với các nghệ nhân, kể cả những người “gần đất xa trời” và được tôn xưng là “đệ nhất” trong lĩnh vực của mình thì khác: Phần lớn, họ phải tự xoay xở trong cuộc sống, ngay cả phần kinh phí hỗ trợ truyền dạy vốn quý cho lớp trẻ cũng không đáng là bao. Các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống ở làng, bản có rất nhiều, nhưng hoạt động theo phương thức “tự biên tự diễn, tự trang trải”, sự còn - mất, tan - hợp phụ thuộc vào lòng nhiệt tình của các thành viên…

Bởi thế, cần nhắc lại rằng, những chuyển động tích cực nói trên mang ý nghĩa đột phá, giúp cho các nghệ nhân thêm gắn bó với di sản, thêm cố gắng truyền dạy kỹ năng, bí quyết trình diễn cũng như giữ nghề.

Tuy vậy, cũng như nhiều lĩnh vực khác cần có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, chế độ đãi ngộ và sự ghi nhận xứng đáng đối với các nghệ nhân chỉ là một trong nhiều yếu tố dẫn đến thành công trong phần việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói chung. Như với các bộ môn nghệ thuật truyền thống - phần quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, các nghệ nhân hàng đầu đều trưởng thành từ phong trào ca hát ở làng quê, trải qua nhiều thập kỷ rèn luyện tại địa phương.

Những đoàn, đội nghệ thuật truyền thống cấp tỉnh, thành phố là đỉnh cao được hình thành nhờ sự tồn tại của hàng ngàn, hàng vạn câu lạc bộ làng, xã. Nói cách khác, nền tảng, chân đế là cơ sở quan trọng hàng đầu để nuôi dưỡng nhân tài, tạo sức sống và cơ sở cho sự tồn tại bền vững của nghệ thuật truyền thống. Bởi vậy, việc giữ “lửa” cho phong trào nghệ thuật truyền thống tại cơ sở là điều tối quan trọng.

Có thể làm gì để cho nền móng ngày một vững chắc?

Trong điều kiện ngân sách dành cho các hoạt động văn hóa còn hạn chế, việc cần làm sớm là khảo sát cụ thể về di sản văn hóa phi vật thể một cách kỹ lưỡng - như cách mà Hà Nội đã thực hiện trong thời gian gần đây, nhằm xác định những loại hình di sản cần được ưu tiên, những câu lạc bộ, tổ, nhóm nghệ thuật cần được đầu tư khẩn cấp nhằm tránh khả năng tan rã.

Các địa phương cần đưa nghệ thuật truyền thống vào các sự kiện văn hóa lớn được tổ chức định kỳ; kêu gọi xã hội hóa việc tổ chức liên hoan, hội diễn nghệ thuật truyền thống cấp huyện, tỉnh thường niên hoặc 2-3 năm/lần nhằm tạo sân chơi thường xuyên cho các nghệ nhân, ca nương, kép đàn…, tạo động lực theo đuổi tập luyện các bộ môn nghệ thuật truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Bài toán" tạo nền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.