Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống buôn lậu ở Lạng Sơn: Bao giờ đến hồi kết?

Nhóm PV Điều tra| 07/01/2013 06:38

LTS: Những ngày cuối năm 2012 vừa qua, nhóm PV Hànộimới đã nhiều đêm trắng cùng các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn mật phục bắt hàng lậu tuồn qua biên giới. Vất vả, cực kỳ nguy hiểm và kém hiệu quả.

LTS: Những ngày cuối năm 2012 vừa qua, nhóm PV Hànộimới đã nhiều đêm trắng cùng các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn mật phục bắt hàng lậu tuồn qua biên giới. Vất vả, cực kỳ nguy hiểm và kém hiệu quả. Đó không chỉ là nhận xét của chúng tôi mà còn là sự thừa nhận của những người trực tiếp "đánh án". Bên ngoài có biên phòng, bên trong có công an, hải quan, quản lý thị trường… vậy mà hàng lậu vẫn ùn ùn về xuôi.


Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị lập biên bản, kiểm kê hàng lậu vô chủ bị bắt giữ.

Để từng bước ổn định và nâng cao mức sống cho cư dân biên giới, ngày 7-11-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 254/QĐ-TTg cho phép cư dân sống trong vùng biên giới của Việt Nam được trao đổi hàng hóa với cư dân nước bạn, số tiền hàng hóa trao đổi không quá 2 triệu đồng/ngày/người. Có thể nói, đây là chủ trương đúng đắn được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cũng từ kẽ hở trong chính sách ưu đãi, hoạt động buôn lậu không ngừng gia tăng.

Cả làng đi vác hàng lậu

Đêm đã khuya. Đường vào thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn sương mù ken đặc. Cách đây chừng hai tháng, đêm nào nơi này cũng rầm rập người, xe bởi đây là một trong những điểm trung chuyển hàng lậu lớn và nóng bỏng nhất của tỉnh Lạng Sơn. Nói đến các địa danh Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, Dốc Đầu Lâu, Thác Ném... người ta nhớ ngay đến hình ảnh đội xe "Min Khù khờ" cả trăm chiếc đứng chờ "ăn hàng". Mỗi lần có bao hàng từ trên núi bên kia biên giới thả xuống, nhóm người này sẽ lao đến, chất lên xe rồi phóng bạt mạng, mất hút.

Đêm nay, các địa danh im ắng lạ thường. Đường vắng tanh, thi thoảng có vài ba người đi xe máy cầm theo đèn pin, và mấy chiếc "su cóc" (loại xe ô tô Suzuki chuyên chở hàng lậu) lượn lờ. Ngồi trong xe, Trung tá Khuất Duy Phúc, Đồn phó nghiệp vụ Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh nói với chúng tôi: "Chim lợn" đấy. Anh em mình đi xe biển xanh vào đây là bất lợi rồi. Giờ dân buôn không ném hàng như trước nhưng đây vẫn là tụ điểm tập kết hàng lậu, an ninh trật tự rất lộn xộn.

Trung tá Phúc giải thích: Từ cuối tháng 11-2012, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị lập chốt dã chiến, túc trực 24/24h tại các đường mòn trọng điểm biên giới, có sự phối hợp của các lực lượng như đội chống buôn lậu, hải quan, công an, dân phòng... Bị "đánh" mạnh, các chủ nậu đã chuyển phương thức hoạt động, đó là lợi dụng kẽ hở của Quyết định 254/QĐ-TTg về chính sách ưu đãi đối với cư dân biên giới trong việc trao đổi hàng hóa để buôn lậu.

Tìm hiểu thực tế, nhóm phóng viên Hànộimới nhận thấy Quyết định 254 đem lại lợi ích cho cư dân biên giới nhưng vô hình trung lại trở thành phương tiện "tiếp tay" cho hoạt động buôn lậu. Theo quyết định này, mỗi ngày, một cư dân biên giới xuất cảnh có thể mang về lượng hàng hóa không vượt quá 2 triệu đồng. Để lách luật, chủ đầu nậu đã xây dựng đội quân cửu vạn là cư dân thuộc các xã vùng biên. Sau khi hàng hóa đã được tập kết bên nước bạn, các chủ nậu làm thủ tục xuất cảnh cho đội quân cửu vạn này, có đội lên tới vài trăm người. Nghiễm nhiên, hàng lậu được đưa về Việt Nam qua cửa khẩu hợp pháp và chính thống. Vì tiền công từ việc cõng hàng cao (khoảng 300-600 nghìn/kiện hàng) nên có hàng nghìn người đầu quân cho các chủ nậu. Điển hình như thôn Cốc Nam (xã Tân Mỹ) có 7.000 nhân khẩu, qua kiểm tra xuất nhập cảnh, cơ quan chức năng phát hiện có đến vài trăm người tại thôn này, ngày nào cũng dùng sổ thông hành để mang hàng qua lại khu vực biên giới.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đã thành quy luật, gần Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu lại nóng lên từng ngày. Tại hai cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam, chỉ trong tuần đầu tháng 12 đã có hơn 4.000 lượt cửu vạn mang hàng qua biên giới. Vì cuộc sống, cơm áo, tiền công chủ nậu trả cho việc vác hàng khá cao nên nhiều bà già, ông già cũng tham gia vào đội quân này...

Quyết định 254 gây khó cho cơ quan thực thi?

Như đã nói ở trên, để hợp thức hóa việc buôn lậu, chủ hàng sử dụng cư dân biên giới làm "cửu vạn" vác hàng thuê. Số người làm thủ tục xuất nhập cảnh lớn, số lượng hàng mang về quá nhiều khiến các cơ quan chức năng như biên phòng, hải quan tại khu vực cửa khẩu không thể bao quát. Thượng tá Ninh Văn Hợp, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị than phiền: Có thời điểm đội cửu vạn mang hàng lên tới nghìn người. Để giải quyết việc xuất nhập cảnh cho nhóm người này, lực lượng biên phòng đã phải gồng mình lên mà chạy chứ đừng nói làm những việc khác. Chỉ cần chậm trễ một chút, khu vực cửa khẩu tắc nghẽn vì lượng người tập trung quá đông.

Theo quy định tại Thông tư số 10/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính thì cư dân biên giới chỉ được trao đổi 30 mặt hàng thiết yếu. Vì lượng người quá đông nên kiểm tra, kiểm soát không xuể, nhiều mặt hàng không nằm trong danh mục cho phép vẫn lọt vào thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, ngay khi phát hiện tình trạng hàng lậu núp bóng danh nghĩa "hàng 254", Cục Hải quan Lạng Sơn đã tăng cường tối đa lực lượng nhằm kiểm soát hàng hóa nhưng không bao quát hết. Chỉ tính thời gian kê khai, kiểm hóa cho một người đã mất 10 phút, nay có vài trăm người tập trung tại khu vực cửa khẩu thì sẽ mất bao nhiêu thời gian? Một khi công tác kiểm hóa không chặt chẽ, ắt sẽ có tình trạng hàng nằm ngoài danh mục, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị trà trộn, đưa vào nội địa.

Không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu, Quyết định 254 còn tạo kẽ hở để chủ nậu gian lận về hóa đơn thông qua việc kê khai giá trị hàng hóa. Đơn cử như ngày 22-11-2012, Đội Quản lý thị trường số 2 (thị trấn Đồng Đăng) kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát 98K-0677 chở một lô hàng do Trung Quốc sản xuất. Lô hàng này được chủ nậu thu gom, phát hành hóa đơn theo Quyết định 254. Toàn bộ số hàng khoảng 100 kiện với hơn 30 chủng loại. Theo kê khai, tổng giá trị hàng hóa trên xe theo hóa đơn chỉ 200 triệu đồng. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng ngỡ ngàng vì giá trị kê khai của lô hàng chỉ bằng 1/10 giá trị thực tế (khoảng 2 tỷ đồng). Một chiếc nồi cơm điện cùng chủng loại bán trên thị trường khoảng 300-500 nghìn đồng/chiếc nhưng khi kê khai hóa đơn chỉ có giá 40 nghìn đồng. Một bộ ấm chén giá trung bình khoảng 50-70 nghìn đồng thì chỉ kê khai 10 nghìn đồng. Về hình thức, toàn bộ số hàng thu gom đã phát hành hóa đơn (dù giá kê khai rất thấp) vẫn được coi là hợp pháp khi đưa vào tiêu thụ tại thị trường nội địa. Theo ông Chu Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 thì đa phần xe chở hàng đều vi phạm về hóa đơn và kê khai hàng hóa. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ xử lý được các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, còn các vi phạm khác rất khó xử lý. Nếu tính 10 nghìn đồng một bộ ấm chén, một ngày một cư dân biên giới có thể mang 200 bộ ấm chén về tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Khi áp giá theo quy định, không phải mặt hàng nào cũng có biểu giá. Hơn thế, hàng Trung Quốc sản xuất đa dạng chủng loại, có nhiều loại hàng tồn kho họ bán tháo, bán rẻ một cách bất ngờ. Chính cán bộ làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu cũng không xác định được giá trị thực của hàng hóa. Nếu áp giá quá cao sẽ gây thiệt thòi cho cư dân, thấp quá thì thiệt hại cho Nhà nước và đây chính là kẽ hở làm gia tăng tình trạng buôn lậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống buôn lậu ở Lạng Sơn: Bao giờ đến hồi kết?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.