Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về một tấm văn bia

ANHTHU| 03/02/2006 07:27

Ở căn nhà số 34 Hàn Thuyên, người đi đường qua lại ít ai để ý đến hai tấm văn bia nom xù xì, bụi bặm treo ngay trên vỉa hè. Trên tấm văn bia ghi vắn tắt  lịch sử khai sinh trung tâm Thăng Long (tiền thân của trường ĐH Dân lập Thăng Long bây giờ).

"Căn nhà số 34 Hàn Thuyên nom xù xì và bụi bặm như đã từng có mặt ở đây suốt từ những năm đầu thế kỷ 20".
Ảnh: Lê Anh Dũng

Ở căn nhà số 34 Hàn Thuyên, người đi đường qua lại ít ai để ý đến hai tấm văn bia nom xù xì, bụi bặm treo ngay trên vỉa hè. Trên tấm văn bia ghi vắn tắt  lịch sử khai sinh trung tâm Thăng Long (tiền thân của trường ĐH Dân lập Thăng Long bây giờ).

Sau khi bài viết về "Ngôi trường không thích lên ti vi" được đăng tải, nhiều cựu SV Thăng Long khóa đầu tiên và không ít GV dạy ở Thăng Long những ngày đầu, đã gửi thư giới thiệu về tấm văn bia ấy cho chúng tôi. Tìm đến đây, chúng tôi đã khám phá thêm những chuyện ít biết về Trung tâm Thăng Long xưa.

Từ chuyện một tấm văn bia

"Chị hỏi nhà bác Tuyết, Lựu hả? Đấy, nhà, có 2 tấm văn bia cũ kỹ ấy", chị bán rau ngồi trên vỉa hè vừa mau mắn giới thiệu vừa xởi lởi đứng ra nhận trông xe giúp chúng tôi.

Lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng, căn nhà số 34 Hàn Thuyên nom xù xì và bụi bặm như đã từng có mặt ở đây suốt từ những năm đầu thế kỷ 20. Đập vào mắt chúng tôi là hai tấm văn bia khắc chạm cẩn thận, một bằng chữ Nôm, một bằng chữ Quốc ngữ. Tấm văn bia ghi lại lịch sử khai sinh trung tâm Thăng Long (Tiền thân của trường ĐH Dân lập Thăng Long) do GS.TS Bùi Trọng Liễu, Việt kiều Pháp, một trong những người đồng sáng lập ra trung tâm ĐH Thăng Long ghi lại.

"SV Thăng Long, ít ai biết 2 tấm văn bia này cũng như chuyện căn nhà 34 Hàn Thuyên đã từng là văn phòng đầu tiên của trường ĐH Dân lập Thăng Long ngày nay", cô Tuyết, quả phụ thầy Bùi Trọng Lựu, hiệu phó đầu tiên của nhà trường cho biết. Những lứa SV khóa 1,  2,  của Thăng Long đã thực hành máy tính ở chính nơi đây, để cho ra đời những cử nhân Toán - Tin "chất lượng cao" đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mới mở cửa những năm 94,95.

Tấm văn bia khổ 50cm x 80cm, hai bên trang trí hai con rồng chầu gác Khuê văn của Văn Miếu, ghi lại tên tuổi những người đã đồng tâm hợp lực khai sinh ra trung tâm Thăng Long và nêu rõ mục tiêu phấn đấu của trung tâm thửo ban đầu. Trên tấm bia có đoạn: " Việc thành lập trường đã truyền bá sự hiểu biết, nâng cao trí tuệ và độc lập suy nghĩ, hợp tác quốc tế và hòa nhập vào sự tiến triển chung của thế giới".

Đến "Hội tương trợ Pháp - Việt"

Bác Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Giám đốc Sở TDTT HN, một trong những người chứng kiến quá trình vật lộn để Thăng Long ra đời đã cắt nghĩa: "Nói đến cái tên Thăng Long, phải chia làm hai giai đoạn, giai đoạn trung tâm và giai đoạn trường ĐH. Mỗi giai đoạn đều có tính lịch sử của nó. Nên tấm văn bia ở 34 Hàn Thuyên đánh dấu giai đoạn chuyển từ Trung tâm sang trường ĐH".

Tấm văn bia này có nhiều liên hệ với trường ĐH Dân lập Thăng long.

Vào đầu năm 1988, GS.TS Bùi Trọng Liễu, từ bên Pháp, đã gửi thư về cho 5 trí thức trong nước: Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Xuân Sính, Bùi Trọng Lựu, Hoàng Tụy, kêu gọi cùng hợp tác để mở một trung tâm ĐH chất lượng quốc tế phục vụ nhu cầu đi du học tự túc của SV trong nước. Lời kêu gọi kèm theo cam kết: "Sẽ có tài trợ của Việt kiều" đã thúc đẩy những trí thức yêu nước và trăn trở với giáo dục nước nhà cùng bắt tay vào bàn thảo kế hoạch thành lập trung tâm ĐH, tiền thân của ĐH Thăng Long bây giờ. Do quá bận rộn với công việc giảng dạy ở các trường ĐH nên sau đó, ba GS Tụy, Diệu, Trí chỉ tham gia trong Hội đồng KH. Công việc chính do cô Sính (Giám đốc) và thầy Lựu (Phó giám đốc) đảm nhận.

Đến tận bây giờ, cô Sính vẫn còn nhớ rõ, vào những ngày đầu tiên ấy, khi học phí 10kg gạo chỉ đủ thuê phòng học, toàn bộ nguồn sống của trường trông chờ vào số tiền tài trợ từ Pháp gửi về. GS.TS Bùi Trọng Liễu cùng với vợ mình là Colette đã tiến hành thành lập hội Tương trợ Pháp - Việt (Amitié Universitaire France-Vietnam) để quyên góp tiền từ các cá nhân, đoàn thể bên Pháp gửi về.

Tuy SV phải luân chuyển từ các phòng học tạm đi thuê được nhưng nhờ nguồn tài trợ, Thăng Long đã trang bị được dàn máy tính có thể nói là "sang trọng" nhất thời bấy giờ.

Thầy Thái Thanh Sơn, một trong những GV đầu tiên ở Thăng Long và sau này là trưởng khoa Công nghệ của Viện ĐH Mở HN nhớ lại: "Với các trường ĐH thời đó, máy tính là thứ cực kỳ thiêng liêng mà trong hoàn cảnh đất nước như vậy, không ai dám tin là có được nó và tận dụng được để hỗ trợ đào tạo". Ngay cả trường ĐH Bách khoa nơi thầy Sơn công tác, nhà trường cũng chỉ có bộ bốn chiếc máy vi tính do một số GV làm dự án  "kéo" được về.

5 khóa SV Thăng Long đầu tiên được học Tin và Ngoại ngữ trong những điều kiện ưu đãi đặc biệt như vậy, lại ra trường đúng thời điểm công nghệ tin học bắt đầu phổ biến nên đã nhanh chóng trở thành "hàng" độc.

Phòng học máy tính đầu tiên

Những năm đó, hàng xóm nhà thầy Lựu, cô Tuyết rất đỗi ngạc nhiên, khi  thấy ngày ngày, lũ lượt từng nhóm SV ra vào trong ngôi nhà cũ kỹ vốn im ắng và tĩnh lặng. Thì ra, không có trường sở cố định nên thầy Lựu dành toàn bộ dãy nhà phía sau làm phòng thực hành máy tính. Ngoài giờ học, những SV nào muốn thực hành thêm đều có thể ở lại. Và họ được vợ chồng thầy Lựu yêu quý coi như con cái trong nhà.

Những năm thiếu thốn, có lần cô Tuyết gom được một số  báo chí, giấy vở cũ, đã gọi SV của mình lại giao đi bán, để "bác cháu có bữa bún chả cải thiện".

Với mục tiêu không phân biệt lý lịch, hồ sơ, Thăng Long còn đón nhận cả những SV đi du học nhưng bị kỷ luật về nước vì một số lý do nào đó. Rất nhiều trong số họ đã thành đạt và có vị trí xã hội cao.

Cuối năm 1992, kết thúc tài trợ cho lứa SV đầu tiên, trung tâm Thăng Long cũng tìm được một hướng đi mới so với mục tiêu ban đầu. Thầy Lựu đã về nghỉ hưu, bàn giao lại trung tâm cho cô Sính để cô tiếp tục chèo lái theo định hướng phát triển thành một trường ĐH Dân lập lớn. Trung tâm Thăng Long đã hoàn thành sứ mạng tiên phong của nó. Từ Pháp, GS.TS Bùi Trọng Liễu đã viết một bài ký nhờ khắc lên tấm bia treo ở số 34 Hàn Thuyên, nhằm "ghi lại một công việc có tính cách lợi ích chung, không những trong quá khứ mà còn nhắc nhở tương lai về sứ mạng của ĐH".

Theo VNN

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một tấm văn bia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.