Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học lịch sử từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Vũ Duy Thông| 24/12/2012 07:08

(HNM) - Mọi trận chiến ở thủ đô của nước bị xâm lược đều có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến, lịch sử từ cổ chí kim trên thế giới ghi nhận như vậy và lịch sử Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Đúc rút được quy luật đó, sau khi nghiên cứu rất kỹ nhiều cuộc chiến tranh, từ chiến tranh thời cổ đại tới hiện đại, từ năm 1968, Bác Hồ đã nhận định: Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã chứng tỏ phán đoán thiên tài của Người. Nhận định đó của Bác Hồ cũng chứng tỏ trận thắng B-52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972 là kết quả của rất nhiều năm nghiên cứu kẻ địch, nghiên cứu cách đánh, khổ luyện lập công của hàng nghìn con người, hình thành một thế trận giăng sẵn, đưa giặc vào thế chắc thua, như trận chiến sông Bạch Đằng, trận Chi Lăng, trận Ngọc Hồi - Đống Đa, trận Điện Biên Phủ… và vài năm sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chỉ có Chính phủ Mỹ lúc đó là không thể ngờ rằng sẽ nhận được một kết cục như vậy. Họ bị bất ngờ vì đánh giá quá thấp đối phương. Vì quá tự tin vào ưu thế quân sự của mình. Và sau cùng, điều này tuy lặn sâu vào bên trong nhưng lại mang ý nghĩa quyết định, vì cuộc chiến tranh Việt Nam của đế quốc Mỹ là cuộc chiến tranh phi nghĩa, bị nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới phản đối. Tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự hơn hẳn nhưng những kẻ xâm lược Mỹ đã chịu thất bại trước một dân tộc có truyền thống ngàn đời "Không có gì quý hơn độc lập tự do". "Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ". Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là biểu trưng của bản lĩnh, phẩm giá Việt Nam.

Sau gần 10 năm trực tiếp mang quân xâm lược, đế quốc Mỹ đã bị sa lầy ở chiến trường miền Nam. Các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên toàn miền Bắc hoặc giới hạn ở vùng Khu 4 cũ thất bại thảm hại vì đã không ngăn chặn được hoạt động chi viện của miền Bắc cho miền Nam, sau 3 năm vừa đánh vừa đàm, bản dự thảo Hiệp định Pari đã để sẵn trên bàn. Cần một nước đi cuối cùng để hoặc là lật lại thế cờ, hoặc phải đặt bút ký vào bản hiệp định thừa nhận thất bại. Nước cờ đó là kế hoạch tuyệt mật Linebacker II được Tổng thống Mỹ Ních sơn trực tiếp phê chuẩn. Tiến hành cuộc tập kích Hà Nội bằng con át chủ bài B-52, Chính phủ Mỹ lúc đó muốn gì? Muốn nhân dân Hà Nội và cả nhân dân Việt Nam hoảng sợ cúi đầu, Chính phủ Việt Nam phải ký Hiệp định Pari với những điều khoản có lợi cho Mỹ, để nước Mỹ có thể rút chân ra khỏi cuộc chiến trong danh dự… Bước vào cuộc đọ sức chiến lược, phía Mỹ có gì? Trước hết Mỹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt ngoại giao, quân sự và nhiều mặt khác. Thứ hai, nhưng lại quan trọng nhất là ưu thế về lực lượng không quân chiến lược với hàng loạt máy bay cường kích, tiêm kích, không người lái, tàng hình… hiện đại. Hạt nhân của các hung thần trên không ấy là siêu pháo đài bay B-52 đã được bố trí dày đặc trên các sân bay bao quanh Việt Nam. B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất, tích hợp hầu hết các thành tựu kỹ thuật quân sự của Mỹ lúc bấy giờ. Máy bay B-52 chỉ trong một lần dàn đội hình oanh tạc có thể tạo ra một bãi bom rộng 400 mét, dài 1.000 mét. Mọi thứ bên trong hình chữ nhật chết này sẽ là bình địa. Trên chiến trường Việt Nam, máy bay B-52 đã được thử nghiệm nhiều lần, ở nhiều địa bàn khác nhau, cả miền Bắc và miền Nam. Để tiến hành chiến dịch này, Mỹ huy động hầu hết máy bay chiến lược B-52 hiện có (197/207 chiếc) và 1.077 máy bay các loại từ 3 căn cứ không quân và 6 tàu sân bay bố trí ở ngoài khơi Việt Nam. Một sức mạnh quân sự vượt trội với khả năng hủy diệt cao.

Tất cả những dữ liệu đó đều đã được đặt trên bàn tổng thống và mạng lưới máy tính của giới chóp bu quân đội Mỹ. Với những tính toán chi li và chắc thắng, không quân Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội.

Nhưng những bộ óc chiến lược cũng như các máy tính hiện đại của quân đội Mỹ đều không tính đến một dữ liệu quan trọng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là yếu tố tinh thần của đối phương. Hà Nội là thành phố đông dân. Hà Nội còn thiếu thốn trăm bề, nhưng người Hà Nội có truyền thống yêu nước nồng nàn "thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước". Cần phải nói là, trước khi Tổng thống Mỹ đặt bút ký vào bản kế hoạch tấn công Hà Nội hàng tháng, một tài liệu tuyệt mật được gọi là cẩm nang đỏ "Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa" đã được phổ biến trong toàn quân. Trước đó hàng năm, đã có sự hợp tác khoa học tuyệt mật để cải tiến tính năng kỹ thuật của tên lửa SAM-2 và nhất là hệ thống ra đa phá nhiễu giữa ta và các chuyên gia quân sự Xô viết. Khi B-52 cất cánh từ các sân bay quân sự cách Việt Nam 6 giờ bay, các chiến sĩ pháo cao xạ, tên lửa, ra đa, lái máy bay đã biết và ngồi vào vị trí sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Nhưng quan trọng không kém, đó là trước những âm mưu tàn độc của xâm lược Mỹ, Hà Nội và cả nước đã sẵn sàng quyết đánh và quyết thắng. Chỉ trong một đêm, hơn nửa triệu người Hà Nội đã sơ tán, hàng vạn người khác lên các vị trí chiến đấu bằng tất cả vũ khí có trong tay. Hà Nội vẫn sáng đèn. Các điểm vui chơi vẫn mở cửa. Đài phát thanh vẫn phát nhạc. Nhiều hoạt động đón năm mới vẫn diễn ra… Nhưng Hà Nội từ đêm  17-12-1972 đã trở thành thiên la địa võng, thành lưới lửa của lòng căm thù, thành tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong thời cả nước chống Mỹ.

Và cái gì phải đến đã đến.

Trong cơn giãy giụa điên cuồng và tuyệt vọng từng đàn máy bay B-52 của Lầu Năm góc cay cú trút bom xuống đầu dân cư phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Giáp Bát, Văn Điển rồi Uy Nỗ, Cổ Loa, Yên Viên huyện Đông Anh của Hà Nội và nhiều thành phố khác. Trong số 100.000 tấn bom ném xuống miền Bắc trong chiến dịch này, Mỹ đã rải xuống Hà Nội trên 40.000 tấn bom. 1.318 người dân Hà Nội đã chết, 2.000 ngôi nhà bị tàn phá. Riêng khu phố Khâm Thiên đã có 278 người chết (40 cụ già, 55 em nhỏ, 91 phụ nữ). Ở Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân và bác sĩ chết bên nhau trong phòng cấp cứu. Đau thương ngất trời. Căm thù ngất trời! Và Hà Nội cùng cả nước đã cất tiếng trả lời. Cùng với tên lửa, bộ đội pháo cao xạ, dân quân tự vệ phòng không và nhân dân Hà Nội, Hải Phòng đã huy động gần như tất cả hỏa lực mình có của 2 thành phố, khiến đội hình của địch rối loạn để tiếp cận, bắn rụng B-52. Trong 12 ngày đêm chiến đấu gan dạ, dũng cảm đó, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 pháo đài bay B-52, 16 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống nhiều giặc lái. Trong những máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ, có chiếc đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp, ngẫu nhiên làm đẹp thêm truyền thống làng hoa Ngọc Hà của Hà Nội.

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã buộc Mỹ bỏ rơi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, buộc phải ký Hiệp định Pari công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút quân khỏi Việt Nam. Với hiệp định này, ta đã hoàn thành mục tiêu "đánh cho Mỹ cút" để hơn 2 năm sau, "đánh cho Ngụy nhào" hoàn thành ước nguyện của Bác Hồ, hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thoắt đấy, trận thắng lịch sử đã lùi xa 40 năm. Quan hệ Việt - Mỹ đã khác trước. Nhiều phi công B-52 bị bắn rơi và bị bắt sống đã trở thành những chính trị gia, góp tiếng nói quan trọng nhằm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Nhiều cựu chiến binh Mỹ đã làm những việc thiết thực để hàn gắn vết thương một thời.

Nhắc đến trận "Điện Biên Phủ trên không" vào dịp này là để thêm một lần khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam cùng truyền thống đánh giặc hào hùng và niềm tin vào chiến thắng. Chúng ta nhắc chiến thắng Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972 không phải để khoét sâu hơn nữa lòng thù hận, mà để cùng nhau rút ra những kinh nghiệm lịch sử, tránh lặp lại những bài học đau xót trong tương lai để sánh bước lâu dài trên con đường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Qua dịp kỷ niệm này, tôi cũng nghiệm ra rằng: Người Việt Nam luôn lấy chữ "tình" làm trọng, mọi căm thù đều có thể được tha thứ, được gác lại một bên, chỉ tình nghĩa, sự thông cảm, đồng cảm là bền vững. Căm thù nào bằng lòng căm thù trước những tội ác chồng chất của thực dân Pháp, của đế quốc Mỹ với nhân dân ta mấy chục năm qua cũng như những thế kỷ đồng hóa, diệt chủng trước đó. Nhưng nhân dân ta chưa bao giờ lẫn lộn giữa kẻ xâm lược và nhân dân tiến bộ ở những nước đó và sẵn sàng tha thứ, ngay với kẻ xâm lược, nếu chúng biết hối hận. Và mỗi lần nhắc đến trận "Điện Biên Phủ trên không" hay rất nhiều chiến thắng khác, tôi vẫn cứ ngạc nhiên rằng sao những bài học nhãn tiền ấy không đủ thức tỉnh những kẻ còn ôm mộng xâm lược. Đâu chỉ tiền nhiều, người đông, vũ khí mạnh là thắng. Chiến thắng B-52 40 năm trước, chiến thắng Điện Biên Phủ 58 năm trước, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa 223 năm trước… và rất nhiều mốc son khác trong lịch sử đã chứng minh điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học lịch sử từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.