Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những gia đình thể thao nổi tiếng của Hà Nội

ANHTHU| 27/01/2007 09:53

Với nhiều gia đình, thể thao là “nghề gia truyền”. Bao giờ cũng thế, trong gia đình có một cái “đầu tầu”, tạo điều kiện thuận lợi để những thành viên khác đi theo và trở thành gia đình thể thao. Ngày Hà Nội mới giải phóng, những gia đình như thế khá nhiều, nay do có rất nhiều ngành nghề, thanh niên có nhiều lựa chọn, những gia đình thể thao ít dần.

Tiền vệ Thanh Phương (5), một trong những thế hệ cầu thủ xuất sắc của gia đình họ Đặng Ảnh: VT

Với nhiều gia đình, thể thao là “nghề gia truyền”. Bao giờ cũng thế, trong gia đình có một cái “đầu tầu”, tạo điều kiện thuận lợi để những thành viên khác đi theo và trở thành gia đình thể thao. Ngày Hà Nội mới giải phóng, những gia đình như thế khá nhiều, nay do có rất nhiều ngành nghề, thanh niên có nhiều lựa chọn, những gia đình thể thao ít dần.

Đáng kể nhất là gia đình ông Trần Văn Khánh. Một điều độc đáo là cả 4 anh em ruột chỉ “chuyên canh” cái khung cầu môn bóng đá và tất cả đều trở thành thủ môn của ĐTQG. Với chiều cao trên 1m80 và tố chất thể thao, họ trở thành thủ môn như là… bổn phận. Ông Trần Văn Vĩnh đến với cầu môn đội Trường HLTDTTTƯ trước. Ban đầu ông chơi bóng chuyền nhưng sau đó lại rẽ ngang sang bóng đá. Theo chân ông, các em là Trần Văn Khánh, Trần Văn Thành, Trần Văn Trung lần lượt trở thành thủ môn Thể Công, Công an Hải Phòng, Công an Hà Nội. Con ông Vĩnh là Trần Tuấn Anh, thủ môn của Thể Công và cũng là thủ môn ĐTQG tham gia Tiger Cup 1998. Cònvợ ông từng là thành viên ĐTQG môn bóng chuyền. Trong số 5 thủ môn họ Trần, ông Trần Văn Khánh nổi tiếng hơn cả. Ông là VĐV Việt Nam duy nhất được chọn vào đội tuyển các ngôi sao SKDA năm 1984. Chia tay sân cỏ ông trở thành HLV thủ môn của Thể Công. Các thủ môn Thể Công từ Trần Tuấn Anh trở đi đều là học trò của ông. Ông còn là HLV trưởng của ĐTVN tham gia Tiger Cup 2004 (ở trận đấu cuối cùng khi Tavares từ chức).

Nổi tiếng không kém là gia đình cụ Nguyễn Văn Thìn. Cụ Thìn là thành viên của đội Thanh Niên Hoàng Diệu - đội bóng đầu tiên được thành lập sau ngày Hà Nội giải phóng. Các con cụ là Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Cao Cường rất nổi tiếng, là những tiền đạo giỏi nhất của bóng đá Việt Nam kể từ sau năm 1954 đến nay. Họ là thành viên của đội Thể Công và của ĐTQG. Với biệt danh “Ba Đẻn”, “Con sóc đen”, Nguyễn Thế Anh để lại dấu ấn lớn ở vị trí tả biên. Hơn 50 năm trở lại đây, chưa tiền đạo biên nào chơi được như Nguyễn Thế Anh. Nguyễn Cao Cường là trung phong tài hoa nhất, toàn diện nhất của bóng đá Việt Nam, từng 2 lần giành danh hiệu “vua phá lưới” của giải VĐQG, là cầu thủ được Báo Lao Động tôn vinh là “Cầu thủ xuất sắc nhất trong 20 năm sau ngày đất nước thống nhất”. Con trưởng của cụ Nguyễn Văn Thìn là Nguyễn Văn Dũng cũng từng chơi cho Thể Công.

Gia đình bóng đá thứ ba người viết muốn nói đến là gia đình cụ Từ Như Anh. Cụ Anh chỉ là người thích bóng đá nhưng lại là “hướng đạo sinh” bóng đá cho các con. Hồi hương từ Mỹ, cụ đã đưa các con đến với đội Công an Hà Nội và chung thủy với đội bóng này suốt đời. Các con cụ là Từ Như Thành, Từ Như Hiển, Từ Như Sơn đều là thành viên của Công an Hà Nội, trong đó hai người là thành viên ĐTQG. Trong bộ ba họ Từ đó, ông Từ Như Hiển nổi tiếng nhất. Là trung phong luôn tạo ra những trận cuồng phong trước cầu môn đối phương, với lối chơi thực dụng mà không kém phần hào hoa, ông Hiển luôn là nỗi sợ của các thủ môn, là nỗi đau đầu của các HLV đối phương khi thi đấu với Công an Hà Nội. Ông có những bàn thắng thuộc đẳng cấp quốc tế, ông chơi xuất sắc đến nỗi khi đội Công an Hà Nội đi thi đấu ở Bungari, HLV của đội Lô-cô-mô-típ đã đề nghị Ban lãnh đạo đội Công an Hà Nội cho họ thuê ông vài năm. Từ Như Hiển là một trong vài ba trung phong xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam.

Hà Nội còn có rất nhiều gia đình bóng đá như gia đình các danh thủ Quản Trọng Hùng (TC), Quản Quốc Hương, Quản Trọng Bắc (Công an Hà Nội); Đoàn Đức (Đường sắt Việt Nam), Đoàn Sơn (Công an Hà Nội), Đoàn Ngọc (Phòng không không quân); Đỗ Văn Lực (Tổng Cục Bưu Điện) và Đỗ Văn Phúc, Đỗ Mạnh Dũng (Thể Công); Đặng Gia Mẫn (Nam Hà) và Đặng Phương Nam, Đặng Thanh Phương (Thể Công); Lê Khắc Liên, Lê Khắc Chính (Đường sắt Việt Nam), Lê Khắc Hùng (Công an Hà Nội) và thế hệ thứ 2 là Lê Anh Dũng, Lê Đức Tuấn (ACB Hà Nội)…

Cũng rất nổi tiếng là gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, trước kia là VĐV của đội bóng chuyền (BC) Bưu Điện Hà Nội và là cây chuyền hai số 1 của ĐTQG. Giã từ sàn đấu, ông trở thành HLV của đội Bưu điện Hà Nội, ĐTQG. Dưới sự dìu dắt của ông, ĐTQG bóng chuyền nữ 2 lần giành HCB SEA Games. Thấy ĐTBC nam trầy trật nhiều kỳ SEA Games mà không có huy chương, LĐBC Việt Nam bèn đưa ông sang đó. Ông đã đưa ĐTBC nam giành được HCĐ ở SEA Games 22. Con trai ông là Nguyễn Duy Quang, chủ công của đội Thể Công và ĐTQG, con thứ là Nguyễn Quang Vinh là tuyển thủ ĐT trẻ QG, thành viên của đội đương kim VĐQG, đội Ninh Bình.

Hà Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những gia đình thể thao nổi tiếng của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.