Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Thúy Hiền “Cô gái vàng”

ANHTHU| 17/06/2007 08:38

(HNM) - Nếu nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang có công đầu trong việc gây dựng, phát triển môn Wushu ở Việt Nam thì Nguyễn Thúy Hiền đã khiến cho nhiều người biết đến môn này. Đơn giản, Hiền là VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt HCV Wushu thế giới.

Nguyễn Thúy Hiền khi còn là VĐV.

(HNM) - Nếu nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang có công đầu trong việc gây dựng, phát triển môn Wushu ở Việt Nam thì Nguyễn Thúy Hiền đã khiến cho nhiều người biết đến môn này. Đơn giản, Hiền là VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt HCV Wushu thế giới.

10 năm theo đuổi nghiệp VĐV của Hiền là quãng thời gian chứa cả vinh quang lẫn mặt trái của nó để rồi câu nói “cô gái vàng” luôn là câu cửa miệng của nhiều người khi nói về nữvõ sĩ Taolu (biểu diễn) này, giờ là HLV của Sở TDTT Hà Nội, đội tuyển trẻ quốc gia.

Từ lớp võ cổ truyền ngày ấy

12 tuổi (Hiền sinh năm 1979), Thúy Hiền đã cùng chị gái Thúy Vinh (sau này nổi danh ở môn cầu mây, hiện là người mẫu) theo học một lớp võ cổ truyền gần ga Gia Lâm. Khi Sở TDTT Hà Nội tuyển sinh lớp Wushu vào năm 1992, Thúy Hiền được HLV Xuân Thi chọn ngay. Từ ngày ấy ông đã nhận thấy sự đặc biệt toát ra từ cô bé, nhất là ở ánh mắt không lẫn vào đầu được. Sự cảm nhận của HLV Xuân Thi đã không nhầm. Ngay ở giải vô địch thế giới năm 1993 tại Malaixia, HLV Xuân Thi quyết định chọn Thúy Hiền tham dự giải này trong sự nghi ngại của nhiềungười. Cuối cùng cô bé đoạt HCV thế giới mở đầu cho một sự nghiệp đầy thành công. Khi ấy còn bé nên Thúy Hiền cũng không nhận biết được rằng tấm HCV ấy có ý nghĩa thế nào với thể thao Việt Nam khi đó. Đấy là giai đoạn thể thao Việt Nam mới hòa nhập với thể thao thế giới, mới có những tấm HCV SEA Games mà chưa có tấm HCV thế giới nào. Tấm HCV thế giới tại Malaixia năm 1993 của Nguyễn Thúy Hiền không chỉ tạo ra sự lạc quan trong làng thể thao nước nhà mà còn là động lực để phát triển môn Wushu. Từ sau giải đó, Wushu mới được nhiều người biết đến và cho con em theo tập. Cũng sau giải ấy, những tờ báo thường, báo Tết liên tục có ảnh của nhà vô địch thế giới Nguyễn Thúy Hiền. Còn Hiền có lẽ cũng chỉ lờ mờ cảm nhận được ý nghĩa chiến thắng của mình khi thấy đông đảo quan chức thể thao, phóng viên, người thân tới sân bay đón mình. Vinh quang ban đầu là vậy. áp lực huy chương bắt đầu nhắm tới cô bé mỗi khi Wushu Việt Nam chuẩn bị tham gia một giải quốc tế.

“Cô gái vàng”

Cả sự nghiệp 10 năm làm VĐV, Nguyễn Thúy Hiền đã đoạt đủ cả HCV SEA Games, châu Á, thế giới (6 lần), chỉ thiếu HCV ASIAD. Thúy Hiền đã 6 lần đoạt danh hiệu VĐV tiêu biểu Việt Nam- thành tích trong mơ với nhiều VĐV, được trao cả Huân chương Lao động nhất, nhì, ba. Giới chuyên môn đánh giá cao Thúy Hiền ở khả năng thể hiện thần thái trong mỗi bài biểu diễn: ánh mắt, nét mặt, động tác dứt khoát không lẫn vào đâu được là lý do khiến Hiền liên tục là trụ cột của đội Taolu trong 10 năm liền. Một phần cái cách thể hiện thần thái ấy là do trời sinh nhưng rõ ràng mồ hôi, công sức và sự chịu đựng nỗi đau thể xác từ những chấn thương đến độ được ví như quả chanh vắt kiệt vỏ mới có thể đem về cho Thúy Hiền ngần ấy vinh quang. Mấy ai biết rằng để giành được vỏn vẹn 1 tấm HCV tại SEA Games 22 năm 2003, để được thi đấu trước đông đảo khán giả nhà Thúy Hiền đã phải thi đấu với cái đầu gối bó chặt băng. Năm ấy, nhiều đồng nghiệp cũng có tâm trạng như Hiền rằng đã đi thi đấu nước ngoài nhiều lần nhưng chưa lần nào thi đấu SEA Games trước khán giả nhà nên phải cố gắng tham dự để thỏa lòng. Nếu không sự nghiệp VĐV của Thúy Hiền đã chẳng kéo dài đến 10 năm bởi 1 năm trước đó Hiền đã lập gia đình với Anh Tú, một ca sĩ có tiếng. Họ đành chấp nhận để Hiền thỏa mong ước được thi đấu ở SEA Games trên sân nhà, lùi ngày làm thiên chức của bao người phụ nữ - làm mẹ.

Nhưng với Hiền, thể thao đã mang lại nhiều thứ cho cô: danh hiệu, tiền bạc, một suất biên chế ở Sở TDTT Hà Nội và cả một căn nhà nhỏ trong một khu tập thể ở đường Huỳnh Thúc Kháng do thành phố Hà Nội trao tặng vì những đóng góp cho thể thao Hà Nội, cả nước. Kết thúc SEA Games 22, Hiền chia tay nghiệp VĐV mà không nuối tiếc.

Một sự nghiệp mới

Người ta không chỉ biết đếnmộtNguyễn Thúy Hiền - VĐV mà còn biết đến Thúy Hiền trong vai trò một diễn viên (thủ vai chính cùng chồng), một ca sĩ (trong đĩa “Bốn mùa trong anh” của Anh Tú) và trong vai một bà chủ cửa hàng thời trang. Người ta còn biết đến Thúy Hiền như một người biết ăn mặc, có gu. Nhưng cuối cùng Wushu vẫn sẽ là nơi để cô bé Thúy Hiền ngày nào thể hiện tất cả những phẩm chất của mình khi gánh vác trách nhiệm HLV đội trẻ.

Minh Quang 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Thúy Hiền “Cô gái vàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.