Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa sản phẩm xanh, sạch ra thị trường: Đâu là giải pháp hiệu quả?

Thanh Hiền| 09/05/2017 07:09

(HNM) - Sản xuất xanh đã, đang tạo ra giá trị thương mại cho doanh nghiệp khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để được sử dụng sản phẩm an toàn.

Sản phẩm an toàn hút người tiêu dùng

Nhu cầu sử dụng nguồn hàng an toàn, không sử dụng thuốc bảo quản trong quá vận chuyển, thực phẩm chế biến ngày càng cao. Hiện có khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm có thương hiệu, “xanh, sạch”. Khảo sát tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch như: Sói biển, Bác Tôm, BigGreen... trên địa bàn Hà Nội có thể thấy, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống khá cao so với mặt bằng chung tại chợ dân sinh. Đơn cử, như sản phẩm thịt lợn Bảo Châu Organic Farm tại hệ thống cửa hàng Bác Tôm cao gấp 2-3 lần so với thịt lợn ở chợ dân sinh: thịt ba chỉ giá 253.000 đồng/kg, nạc mông: 247.000 đồng/kg, nạc vai: 245.000 đồng/kg…; thịt gà là 247.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều người tiêu dùng chấp nhận mức giá này. Chị Nguyễn Kim Liên (trú tại phố Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng) cho biết, thường mua các loại rau xanh, trái cây, thịt lợn tại hệ thống cửa hàng Sói biển để bảo đảm an toàn. Dù giá đắt hơn so với chợ dân sinh, nhưng thực phẩm tươi sống tại đây thơm ngon hơn hẳn. Được biết, sở dĩ sản phẩm có mức giá cao như vậy là do thịt lợn hữu cơ Bảo Châu được chăn nuôi theo công nghệ của Nhật Bản. Quá trình chăn nuôi, từ khâu chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn tới khâu xử lý chuồng trại đều được kiểm soát chặt chẽ. Lợn được nuôi và chăm sóc an toàn, không dùng chất kích thích tăng trưởng và các hóa chất gây độc hại đến sức khỏe con người.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, chất lượng cuộc sống và nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao đã kéo theo sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng. Trong đó, các sản phẩm xanh, sạch, chất lượng tốt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Thậm chí, nhiều sản phẩm như rau sạch, trái cây sạch, thịt sạch… không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp (DN) đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, DN chỉ có thể phát triển bền vững khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng cũng như sự an toàn của sản phẩm.


Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn của VinEco bày bán tại hệ thống Vinmart.


Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Công ty Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc cho rằng, để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Vì vậy, DN cần xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua việc đặt sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của chiến lược phát triển sản phẩm, cùng các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường.

Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, khó khăn lớn nhất của DN, đặc biệt đối với DN nhỏ và vừa là mâu thuẫn giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Công nghệ xanh trên thế giới có rất nhiều, nhưng thực tế áp dụng tại Việt Nam còn hạn chế do phần lớn là DN nhỏ và vừa, thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Vì vậy, trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng cần có sự liên kết chặt chẽ. Sự liên kết này không chỉ tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng, mà còn gia tăng hiệu quả kinh tế, mang lại lợi nhuận cho nông dân. Điển hình như Tập đoàn Vingroup trong năm 2016 đã khởi động chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” thông qua việc liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân để cung ứng nông sản sạch và an toàn cho thị trường. Theo đó, các hợp tác xã và hộ nông dân có quy mô sản xuất tối thiểu 1ha đăng ký tham gia chương trình sẽ được Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) trực tiếp đào tạo, hướng dẫn về quy trình sản xuất sạch, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống. VinEco sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch; thu mua sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu. Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình đã cắt giảm tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.

Bà Nguyễn Thị Minh Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Tây Bắc Việt Nam cho rằng, để thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng, rất cần có những chính sách hỗ trợ DN để hạ giá thành sản phẩm; xử phạt nghiêm các DN kinh doanh thực phẩm không an toàn, hoặc các DN mượn danh nghĩa sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, nhưng sản phẩm cung cấp không đạt tiêu chí về chất lượng, không an toàn đối với người tiêu dùng. Để thúc đẩy các DN phát triển sản xuất xanh để tạo một nền kinh tế xanh, thì vai trò của nhà quản lý đặc biệt quan trọng. Bởi khâu quản lý, giám sát được thực hiện tốt, tạo sự minh bạch, mới xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa sản phẩm xanh, sạch ra thị trường: Đâu là giải pháp hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.