Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ: Cân nhắc để tránh "trượt oan"

Thống Nhất| 06/04/2017 07:20

(HNM) - Điểm mới trong quy định của Bộ GD-ĐT năm nay là không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển, song thí sinh phải cân nhắc thật kỹ khi đăng ký...

Nguyện vọng phải phù hợp với sở thích và năng lực

Thời điểm này, ghi nhận tại các trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố cho thấy, ngoài việc tập trung tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12, các thầy, cô giáo đang dồn sức hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Dù đây là công việc hằng năm, song năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có nhiều điều chỉnh về phương thức, nên các thầy, cô cũng phải nắm vững quy chế.

Tư vấn cho thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Ảnh: Bá Hoạt


Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cho biết, nhà trường có thuận lợi là tổ chức cho học sinh học theo ban từ lớp 10, nên việc “khoanh vùng”, định hướng cho các em trong việc chọn ngành, trường không quá vất vả. Ước tính, khoảng 2/3 trong số hơn 300 học sinh của trường sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc ban khoa học tự nhiên, số còn lại theo ban khoa học xã hội. Để học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi, vai trò của thầy, cô giáo trong việc hỗ trợ, định hướng lựa chọn nguyện vọng (NV) dự thi rất quan trọng, để các em không chỉ khai chính xác, mà còn là chọn NV phù hợp với sở thích và năng lực. Vì vậy, nhà trường tổ chức tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm rất kỹ. Để “chốt” được NV cho từng học sinh, giáo viên chủ nhiệm tổ chức gặp gỡ phụ huynh trong lớp hai lần, lần một là vào cuối tuần này để cô giáo và bố, mẹ trao đổi về tình hình học tập của con, những cơ hội mà các em có thể đạt được; lần hai sẽ có mặt học sinh.

Dự kiến, khoảng ngày 15-4, nhà trường sẽ bắt đầu thu phiếu đăng ký dự thi của học sinh.

Em Trần Thu Trang, lớp 12C1, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cho biết, ngoài sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, em còn có thể nhờ sự hỗ trợ của các bạn cán sự lớp, vì các bạn cũng đã được nhà trường tập huấn làm Phiếu đăng ký dự thi. Về cơ bản, các nội dung trong phiếu năm nay dễ hiểu, dễ nhầm nhất là phần khai mã trường, mã ngành trong phần đăng ký NV xét tuyển ĐH, CĐ.

Ghi nhận tại Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân ngày 3-4 cho thấy, đơn vị đã bố trí một phòng để thu nhận Phiếu đăng ký dự thi cho thí sinh tự do trên địa bàn. Theo bà Trần Minh Thủy, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận, như mọi năm thí sinh thường tập trung đến nộp trước thời hạn cuối một tuần, tuy nhiên, từ ngày 1-4, Phòng đã bố trí cán bộ trực và hỗ trợ thí sinh như niêm yết các quy định, quy chế, hướng dẫn liên quan, có máy tính để thí sinh tra cứu… Ước chừng có khoảng 300 thí sinh đến nộp hồ sơ tại đơn vị. Nếu có quá đông thí sinh cùng đến nộp hồ sơ, Phòng đã sẵn sàng cán bộ để hỗ trợ, tránh tình trạng lộn xộn khiến cho việc khai, nộp hồ sơ của thí sinh bị nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi của các em.

Cẩn trọng khi đăng ký

Làm thế nào để chọn NV đăng ký chuẩn xác, phù hợp với sở thích, với năng lực học tập là câu hỏi được thí sinh quan tâm nhất thời điểm này. Điểm khác biệt năm nay là thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đồng thời trên một phiếu, đòi hỏi thí sinh phải cẩn trọng khi đăng ký. Cơ hội đỗ ĐH, CĐ của thí sinh năm nay cao hơn, bởi quy định không giới hạn số lượng NV của mỗi thí sinh như các năm trước, tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, thí sinh không nên vì thế mà thiếu cẩn trọng.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định nếu thí sinh biết lượng sức mình, nắm vững các quy định, quy chế của kỳ thi thì khả năng đỗ theo đúng NV đăng ký xét tuyển là 100%. Quy chế tuyển sinh không giới hạn số NV, nhưng thí sinh cũng không nên đăng ký nhiều, vừa tốn kinh phí mà lại không hiệu quả, bởi các NV này phải được xếp theo thứ tự ưu tiên, nếu thí sinh đã đỗ NV một rồi thì phần mềm không xét tiếp nữa. Rõ ràng, NV một là NV quan trọng nhất ghi trong phiếu. Từ quy định này, ông Trần Văn Nghĩa chia sẻ, nguyên tắc để chọn NV là chọn ngành, trường yêu thích nhất, có khả năng học nhất là NV một; NV tiếp theo là những ngành, trường có cơ hội trúng tuyển nhất nếu trượt NV một. Theo ông Trần Văn Nghĩa, thực tế những năm trước cho thấy nhiều thí sinh bị trượt oan không phải do bị điểm thấp, mà ngược lại, điểm rất cao nhưng do cách chọn NV không chuẩn.

Việc cân nhắc để lựa chọn chính xác NV phù hợp ngay khi khai Phiếu đăng ký xét tuyển là rất cần thiết với thí sinh, bởi theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh NV một lần sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức để điều chỉnh NV là trực tuyến hoặc bằng Phiếu điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, khi các em khai vào Phiếu đăng ký xét tuyển, các em phải lưu ý để xác nhận. Cụ thể, tại “Phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ”, mục “Thí sinh có dùng kết quả thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng”, thí sinh cần trả lời “Có”. Nếu các em trả lời “Không” hoặc để trống, thì sau khi có kết quả thi, thí sinh sẽ không được điều chỉnh NV đăng ký

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ: Cân nhắc để tránh "trượt oan"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.