Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn Sơn Tùng - ông đồ gàn xứ Nghệ

THANHNGA| 17/02/2004 20:10

Ông có nhiều người ưa, nhưng cũng chẳng thiếu gì kẻ ghét. Nhưng dẫu yêu, dẫu ghét, tất cả đều phải thừa nhận rằng ông là người tử tế. “Tính mình thế, sống khác đi không được”- ông chỉ biết cười trừ khi bạn bè trách cứ. Ông là nhà văn Sơn Tùng.

Ông có nhiều người ưa, nhưng cũng chẳng thiếu gì kẻ ghét. Nhưng dẫu yêu, dẫu ghét, tất cả đều phải thừa nhận rằng ông là người tử tế. “Tính mình thế, sống khác đi không được”- ông chỉ biết cười trừ khi bạn bè trách cứ. Ông là nhà văn Sơn Tùng.

Theo tuổi tác thì ông thuộc hàng cha chú, nhưng ông luôn coi tôi như người bạn tâm giao. Không hiểu tự bao giờ, đã thành thói quen, mỗi khi có thời gian rỗi, hoặc có công chuyện qua phố Khâm Thiên (Hà Nội) tôi lại ghé thăm ông. Ngồi với ông trên tấm phản trong căn phòng chật hẹp đầy sách, nơi mà bạn bè đủ mọi thành phần và lứa tuổi thường hay lui tới tụ tập để hàn huyên. Có lúc để hỏi chuyện ông. Cũng có lúc chỉ là để tán gẫu dăm ba câu chuyện phiếm. Cũng có khi ông gọi tôi đến để báo một tin vui, hoặc chẳng lấy gì làm vui cho lắm. Nhưng lần nào cũng vậy, cứ rời khỏi cái ngõ Văn Chương (ở phố Khâm Thiên) tôi lại bất chợt tự hỏi: "Làm sao trong cái thân hình nhỏ bé, thương tật (81%) ấy lại hội tụ đủ những cá tính mạnh mẽ của một con người: nghị lực phi thường, sự táo bạo, lòng đam mê và những khát vọng lớn?

Ngắm nhìn ông, trò chuyện cùng ông, tôi cảm thấy vơi đi nỗi tất bật, tính toán đôi khi rất ích kỷ của những lo toan thường nhật. Không phải tôi không biết, dưới con mắt của không ít người, ông là “kẻ bướng bỉnh”. Công bằng mà nói cái “tính ương ngạnh” này đã cản trở không ít đến sự nghiệp của ông. Nhưng nói cho cùng thì Sơn Tùng có một chỗ đứng trong lòng độc giả, sự kính trọng, cảm phục và tin yêu của bạn bè, của những người quen biết ông là do ý chí không chịu khuất phục đầy “ương ngạnh” này: kể cả khi ông cầm bút cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Có lẽ chính vì thường không chịu chấp nhận cái hiện có mà ông cứ muốn khám phá, tìm tòi. Bởi thế tôi không lấy làm lạ, khi biết có những việc ông đã bỏ ra hàng chục, thậm chí vài chục năm trời, mặc cho thương tật hành hạ, vẫn bước thấp, bước cao vào Nam, ra Bắc để làm cho kỳ được. Gần ông, chẳng cần tinh ý lắm cũng nhận ra rằng, nếu trong công việc ông tinh tường bao nhiêu thì trong cuộc sống đời thường ông “ngờ nghệch” bấy nhiêu.

Có vô khối chuyện về ông ở cái ngõ Văn Chương chật hẹp này. Người ta kể rằng cả cuộc đời viết lách dành dụm được hơn chục cây vàng, nghe anh bạn đồng hương rỉ tai gạ bán rẻ cho miếng đất để “làm căn nhà đàng hoàng mà sáng tác”. Ông đã nghe theo. Giao tiền hôm trước, hôm sau có bà lão ở Bưởi ra, bảo: “Hắn lừa ông rồi, đây là đất của tôi”. Thế là ông trắng tay. Cũng không biết có phải ông thuộc lớp người "ty dĩ tự mục" (lấy cái khổ để chăn giữ mình) hay không mà hàng mấy chục năm nay rồi ông vẫn sống đạm bạc đến thế. Chả nhận về cho mình cái gì. Nhà nước bảo đi kê khai để hưởng chính sách lão thành cách mạng mà lại lắc đầu: "Làm cách mạng mà mà còn đi đòi hưởng công lao thì làm sao nghe cho được”. Thậm chí có tiêu chuẩn phân nhà cũng nhường luôn cho vợ chồng ông cán bộ già về hưu hàng xóm, còn mình vẫn cam chịu trong căn phòng hai chục mét vuông ở tầng 2 trong cái ngõ Văn Chương hễ cứ có trận mưa là lại ngập tới đầu gối ấy. Bạn bè hiểu rõ tính khí ông chỉ còn biết cười: “Ông thật là người tử tế!”. Kẻ không ưa thì lắc đầu: "Cái lão nhà văn gàn ấy tử tế đến mức đáng khinh". Ông có nhiều người ưa, nhưng cũng chẳng thiếu gì kẻ ghét. Nhưng dẫu yêu, dẫu ghét, tất cả đều phải thừa nhận rằng ông là người tử tế. “Tính mình thế, sống khác đi không được”- ông chỉ biết cười trừ khi bạn bè trách cứ.

Sơn Tùng sinh năm 1928, tại làng Hoa Luỹ (nay là Kim Luỹ), Diễn Châu, Nghệ An, một vùng đất ngay bên bờ biển. Sơn Tùng lớn lên trong cộng đồng dân chài lấy thuyền làm nôi và tiếng sóng vỗ bờ làm lời ru của mẹ. Chính cái mênh mông, phóng khoáng của biển cả đã hun đúc nên khí phách phóng túng pha chút ngang tàng của Sơn Tùng. Nhưng “gã thuyền chài” ấy lại được giáo dưỡng trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống "trọng chữ hơn trọng miếng ăn". Lúc qua đời ông đồ nho còn cầm tay con mà dặn: "Nếu sau này chẳng may có gặp chuyện oan ức thì cũng chỉ được nhận là nạn nhân chứ không thể là sát nhân". Còn mẹ, một người đàn bà hát phường vải nổi tiếng xứ Nghệ thì luôn khuyên con cái phải tuân thủ lời thề của họ Bùi là "muốn làm gì thì làm, nhưng dứt khoát không được làm quan!". Có lần ông tâm sự: “Mẹ tôi ít học hơn cha nên không hay dùng chữ, chỉ biết dặn con cái những chuyện đại loại như: “Đi lấy phần thì nhường cho người phần hơn, nhận về mình phần ít”; “Cho người vay gạo thì đong có ngọn, khi người trả thì lấy ngón tay gạt ngang ống bơ mà nhận”... Bảy anh chị em nhà tôi lớn lên trong tinh thần ấy”. Có lẽ sinh ra và lớn lên trong môi trường như thế nên đã hình thành một Sơn Tùng vừa bướng bỉnh, nhưng vị tha; vừa kiên trì, nhưng lại dứt khoát...

Năm 1941, ở tuổi 16, tràn đầy nhiệt huyết, Sơn Tùng đeo ba lô hoà vào dòng chảy của cơn lốc cách mạng. Ban đầu ông hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên thủ đô. Sau khi Hà Nội giải phóng, Sơn Tùng vào học tại trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961 ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong. Năm 1967 ông được điều vào Nam thành lập và phụ trách tờ Thanh niên giải phóng. Năm 1971 ông bị thương nặng và rời chiến trường miền Nam mang trên mình 14 vết thương, 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não. Nửa người bên phải hầu như bị liệt, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, mắt bên phải bị mờ. “Nhưng điều làm tôi lo sợ nhất là sau khi tỉnh dậy tôi quên đi rất nhiều. Mình là Bùi Sơn Tùng ở Diễn Châu, Nghệ An thì nhớ, nhưng thời nhỏ lớn lên như thế nào thì không tài nào nhớ nổi. Mình hoảng quá, tự ôn lại cả quá trình đã sống. Trời ơi, như một cuốn phim mốc, loang lổ..." - Sơn Tùng nhớ lại. Ông được đưa sang Trung Quốc chữa bệnh và được vào viện điều dưỡng 3 năm liền. Sau đó ông xin về nhà và ... luyện khí công. Với nghị lực phi thường, ông khổ luyện từ 2h sáng tới 8h tối, sức khoẻ ông dần dần bình phục. Trí nhớ cũng hồi phục dần. Khi tay phải duỗi ra được, chân tập tễnh bước thấp bước cao, Sơn Tùng đã lao vào công việc. Điều đầu tiên mà ông làm là truy tìm cho được tác giả của lá Quốc kỳ mà trong những năm tháng ở chiến trường miền Nam ông đã dày công tìm kiếm. Hàng chục chuyến đi, hàng ngàn giờ lao tâm khổ tứ, cuối cùng ông đã tìm ra được cho chúng ta tác giả Quốc kỳ: Nguyễn Hữu Tiến.

Với sự cố gắng phi thường, bất chấp bệnh tật, vết thương đau nhói hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, từ năm 1974 đến 1990 ông đã cho ra đời 13 cuốn sách bằng tay phải chỉ còn 3 ngón co quắp. Tuy nhiên, công bằng mà nói, đề tài mà Sơn Tùng thể hiện thành công nhất vẫn là đề tài lãnh tụ, mà đỉnh cao là Búp sen xanh. Đây cũng là công trình mà ông bỏ ra nhiều thời gian và công sức nhất: bắt đầu từ năm 1948 và hoàn thành vào năm 1980. Bằng những chuyến đi không biết mệt mỏi, những cuộc tìm kiếm kiên trì, cuối cùng ông đã gặp được bà Lê Thị Huệ để rồi từ những câu chuyện với bà Huệ ở tuổi 80 ông đã tái dựng lại một trong những quãng đời gian khó, nhưng đẹp đẽ và thơ mộng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát hiện của Sơn Tùng đã mở ra một bước ngoặt, một cách tiếp cận hoàn toàn mới tới cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Năm 1981 Búp sen xanh với 100.000 bản ra đời đã gây một tiếng vang lớn.

Cuốn tiểu thuyết lần lượt nhận đủ các loại giải thưởng và chuẩn bị tái bản lần thứ 2 thì không hiểu từ đâu xuất hiện một lời phán: cuốn sách “có vấn đề”. Ngày 23/6/1983, một tờ báo đã dành cả nửa trang phê phán Sơn Tùng dưới tiêu đề Vài ý kiến về Búp sen xanh: "...Không thể nào có một nhân vật Út Huệ yêu Bác, chờ đợi Bác, theo dõi con đường Bác đi cứu nước suốt hàng chục năm mà trong tư tưởng, hành động lại không có biểu hiện gì trước phong trào chung của cách mạng cả nước đang phát triển...". Bài báo kết luận: "Điều nguy hiểm hơn là tác giả Búp sen xanh đã gắn sự kiện mối tình của Út Huệ và Bác với sự kiện cắm hoa huệ trong nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch, và gắn sự kiện đó với câu nói của Bác năm 1962 khi tiếp đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc: miền Nam luôn trong trái tim tôi". May thay, cuối cùng thì một kết luận chính thức của cơ quan chức năng “Búp sen xanh không có vấn đề gì” đã dẹp bỏ những lời đồn đại và phê phán vô căn cứ đó. Lập tức 100.000 cuốn của lần tái bản thứ 2 đã ra mắt bạn đọc. Rồi mối tình của cô Út Huệ với chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đựơc đưa lên màn ảnh bạc và ngày nay người ta tiếp nhận nó như một lẽ đương nhiên.

Sẽ là không phải khi viết về Sơn Tùng, không nhắc tới một người phụ nữ mà nếu thiếu bà, thì cuộc đời ông chắc gì đã được như ngày hôm nay. Đó là vợ ông, người phụ nữ đã hy sinh mọi lạc thú của cuộc đời để được hầu hạ ông. Bà đã từ chối làm mẹ để nuôi 4 đứa con riêng của ông nên người. Thôi làm y tá ở bệnh viện để về nhà làm hộ lý suốt đời cho ông. Bà vừa là thư ký riêng, vừa là người dìu ông vào Nam ra Bắc đi sưu tầm tài liệu. Một mối tình lãng mạn chẳng kém gì một bài thơ đẹp: Ngày xưa có cô bé Phạm Hồng Mai ở tuổi trăng tròn được anh nhà báo Sơn Tùng biểu dương trên báo Tiền phong. Không ngờ cô gái ấy đang là y tá tại một bệnh viện đã gặp lại tác giả bài báo trong một trường hợp khắc nghiệt đến vậy. Cô gái ấy đã tự nguyện đến với ông và Sơn Tùng có lại một cuộc đời...

Vào một ngày cuối tuần ông lại gọi điện cho tôi, dặn tôi qua nhà ông để ông biếu cuốn Búp sen xanh vừa tái bản. Tôi lại tới. Ông vui lắm. Lại vẫn trên tấm phản cũ kỹ ấy trong căn phòng chật hẹp đầy sách, ông kể cho tôi nghe về cuốn sách ông đang dự định viết...

Theo VietNamNet
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Sơn Tùng - ông đồ gàn xứ Nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.