Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp xướng "Đất nước": Sự dồn nén của nhiều tầng cảm xúc

VANCHIEN| 02/09/2009 08:06

Dàn nhạc biểu diễn bản hợp xướng “Đất nước”. Ảnh: Đàm Duy

(HNM) - Tối qua (1-9), tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, Dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, tác giả của những bản nhạc viết cho piano, đã mang đến bất ngờ cho khán giả với bản hợp xướng "Đất nước".

“Đất nước” từ những trang nhật ký

Đặng Hữu Phúc nảy ý tưởng viết hợp xướng “Đất nước” khi nghe bài thơ nổi tiếng cùng tên của Nguyễn Đình Thi, khi anh mới 19 tuổi, là học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Những trang nhật ký ngả màu thời gian của anh đã ghi lại nguyên vẹn bối cảnh ra đời của hợp xướng “Đất nước” - ngay sau khi bản “Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam” được ký (ngày 27-1-1973). Nhật ký viết: “22h ngày 20-3-1973: nghe tiếng loa hàng xóm phát bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi do Châu Loan ngâm trong buổi “Tiếng thơ”. Rất xúc động, bỗng nghĩ bài thơ có thể phổ thành hợp xướng. Thế là cả đêm không ngủ được”. Thứ tư 21-3-1973: “Sáng ra thư viện chép bài thơ. Chuẩn bị một số cơ sở vật chất (đèn dầu, bảng gỗ, bút chì, tẩy, giấy nhạc), định tối vào trường viết nhưng chiều đã chín muồi cảm xúc viết được đoạn đầu rất nhanh. Tối vào trường từ sớm. Làm tiếp (từ Mùa thu nay khác rồi… đến Dây thép gai đâm nát trời chiều). Trong phòng đầy muỗi và ánh đèn bão. Làm khuya, rất cảm xúc, mãi 12h đêm mới về”. Thứ năm 22-3-1973: “Tối vào làm tiếp cho tới hết…”.

36 năm sau, cầm bản nhạc viết trên khổ giấy lớn của Liên Xô cũ, Đặng Hữu Phúc xúc động: “Cả tòa nhà 4 tầng lúc ấy tối đen, đêm về khuya chỉ còn mỗi phòng của tôi với ánh đèn dầu. Trường nhạc nằm bên nhánh sông Tô Lịch, “muỗi nhiều như trấu”… Đến giờ tôi vẫn còn thấy bồi hồi, xúc động khi mỗi lời thơ về đất nước cất lên thành nhạc”.

Những trang nhật ký còn lưu giữ kỷ niệm thú vị khác. Sau 12 ngày đêm cuối năm 1972, B52 Mỹ trút bom xuống Hà Nội và miền Bắc, Đặng Hữu Phúc đèo ca sĩ Ái Vân từ nơi sơ tán về Hà Nội bằng xe đạp. Chàng Phúc của 36 năm trước giờ tóc đã “muối tiêu”, cười: “Đạp xe 50 cây số mà không mệt. Vân, lúc đó 18 tuổi, dịu dàng, mảnh khảnh, tóc xõa ngang vai, đi dép cao su. Đó là một hình ảnh đẹp, nguồn cảm hứng cho “Đất nước”. Lúc dựng hợp xướng để thi, Ái Vân hát phần nữ cao soprano, Trần Tiến hát bè, tôi đệm piano…”. Năm 1976, “Đất nước” được dàn hợp xướng học sinh, sinh viên của Trường Âm nhạc Việt Nam biểu diễn nhân kỷ niệm 20 năm thành lập trường.

Sau lần ra mắt đó, “Đất nước”… nằm im cho đến tối qua, 1-9-2009, dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Quốc khánh, mới lại được vang lên tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Dàn nhạc của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã cùng chơi “Đất nước”,do chính tác giả chỉ huy. Những ca từ trữ tình vang lên cùng giai điệu đậm chất symphonic (giao hưởng) mang âm hưởng của lòng tự hào dân tộc, thì với riêng Đặng Hữu Phúc, đó còn là khúc tri ân tưởng nhớ ông nội và ông ngoại - hai liệt sĩ Đặng Hữu Hiệu và Phan Cao Kiên, cùng tham gia khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 và hy sinh sau đó.

“Đất nước” mang trong nó cả niềm vui riêng nhỏ bé và sự chung vui lớn lao của cả dân tộc; có cả nỗi đau riêng và niềm tự hào chung về sự đóng góp xương máu của mỗi gia đình cho nền độc lập dân tộc. Bởi vậy, như Đặng Hữu Phúc tự tin khẳng định: “Bản nhạc này mang đến cảm xúc lớn lao và thiêng liêng cho bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào”.

Tấm tình dâng tặng Thăng Long ngàn tuổi

Trong ngôi nhà trên phố Lò Đúc, nơi 36 năm trước Đặng Hữu Phúc trăn trở sau khi nghe tiếng ngâm “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ ngồi trầm ngâm trước trang nhật ký ố vàng: “Lâu nay, dòng cảm xúc mạnh mẽ, hoành tráng về Tổ quốc không phải lúc nào cũng xuất hiện mạnh mẽ trong âm nhạc. Chúng ta cần ghi nhớ thông điệp mà Nguyễn Đình Thi đã viết “Trời xanh đây là của chúng ta/Núi rừng đây là của chúng ta” và niềm hy vọng, niềm tin mãnh liệt rằng “Nước Việt Nam từ máu lửa/Giũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Ngẫm ngợi, một chút gì đó bùi ngùi, rồi anh cũng nói thêm: “Phần lời của Nguyễn Đình Thi thật tuyệt vời, chắc chắn sẽ vượt thời gian. Còn phần nhạc thì phải đợi mọi người đánh giá. Song, tôi chắc chắn “Đất nước” được viết không phải với tầm tư duy ca khúc, mà đó là sự dồn nén của nhiều tầng lớp cảm xúc, đậm chất giao hưởng lớn”.

Tháng 10 năm nay là mốc một năm trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong chương trình kỷ niệm 50 năm thành lập Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, bản nhạc này sẽ trở lại với dàn hợp xướng quốc tế hàng trăm người. Đặng Hữu Phúc bày tỏ: Một lần nữa, “Đất nước” sẽ cất cánh với tấm tình của người viết, của các nghệ sĩ đã dàn dựng, thể hiện tác phẩm này với Thủ đô, đất nước.

Bài, ảnh:Mai Thi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp xướng "Đất nước": Sự dồn nén của nhiều tầng cảm xúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.