Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Không phải để kể chuyện ly kỳ!”

Hải Giang| 29/04/2012 07:07

(HNM) - Một nhà văn từng nói: có ba cây bút nữ đương đại tiêu biểu cho ba vùng miền, phía bắc là Đỗ Bích Thúy, phía nam có Nguyễn Ngọc Tư và Trần Thùy Mai là đại diện của miền Trung nắng gió.


Hơn 30 năm cầm bút, nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai đã và đang tạo lập một giọng điệu riêng đằm thắm, đầy nữ tính. Gần đây, chị dành nhiều thời gian hơn cho những trang viết mang hơi thở lịch sử. Hànộimới có cuộc trò chuyện với chị quanh chủ đề này.


Nhà văn Trần Thùy Mai nhận giải văn chương của Hội Hữu nghị San Francisco - TP Hồ Chí Minh.

- Gần đây trong chùm ba truyện ngắn của chị giới thiệu trên Văn nghệ và website của Hội Nhà văn Việt Nam, thì hai truyện có nhân vật, bối cảnh từ lịch sử là “Thần nữ đi chân không”, “Nơi có những cây tùng xanh biếc”. Hình như những câu chuyện lịch sử đã gợi nhiều cảm hứng để một cây bút ưa sự chiêm nghiệm nhẹ nhàng, sâu sắc như chị thỏa sức sáng tạo?

- Từ mấy năm nay tôi dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu lịch sử, trong đó có lịch sử triều Nguyễn và đã thấy ở đó những gợi ý thú vị cho sáng tác của mình. Vì vậy tôi dành phần lớn không gian mà trang web Hội Nhà văn dành cho tôi để giới thiệu hai truyện ngắn, một lấy cảm hứng từ cuộc tình của vua Gia Long, truyện kia là chuyện đời Ando Chie, người phụ nữ Nhật Bản đã gắn bó và thương yêu một nhà chí sĩ Việt Nam lưu lạc hơn 40 năm trên đất Nhật - Hoàng thân Cường Để.

- Trong các tác phẩm của chị, dù đề tài lịch sử hay đương đại, nhân vật nữ thường là trung tâm và để lại những ám ảnh lớn?

- Tôi là phụ nữ nên trang viết tất nhiên cũng mang ảnh hưởng giới tính của mình, tôi viết nhiều về nhân vật nữ. Vả lại, cứ đọc những pho sử thì thấy, từ sử Trung Hoa đến sử Việt Nam, đa số câu chữ là nói về sự nghiệp của đàn ông và chỉ là sử thôi, chỉ những chỗ nào có bóng dáng phụ nữ xuất hiện thì lúc đó sử bỗng hóa thành truyện… Còn nếu đã nói đến ám ảnh thì truyện không thể chỉ dừng ở sự ly kỳ mà còn phải dựng lại được nội tâm và số phận của nhân vật, phải chạm vào chiều sâu muôn thuở của số phận con người.

- Gần đây, gia đình tác giả Nguyễn Triệu Luật - (một tiểu thuyết gia có vị trí trong văn học sử nước nhà giai đoạn 1930-1945, bị lãng quên lâu nay) đã tập hợp giới thiệu cuốn “Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật”. Dễ thấy, tác phẩm của ông rất rung cảm, nhưng cũng lại chứa đựng khá nhiều sử liệu. Theo chị, viết một tác phẩm văn học đề tài lịch sử, quan trọng nhất là gì?


- Tôi cũng là người rất hâm mộ nhà văn Nguyễn Triệu Luật, thuở còn đi học đã từng say mê đọc bộ ba tiểu thuyết của ông về thời Lê mạt: “Bà chúa chè”, “Chúa Trịnh Khải” và “Loạn kiêu binh”. Nguyễn Triệu Luật tái hiện rất sinh động bối cảnh lịch sử của một thời đã qua, nhờ có trong tay rất nhiều sử liệu hết sức chi tiết. Nét đặc biệt trong truyện ông là phần sử nhiều khi lấn át phần văn nhưng không vì vậy mà khô khan, trái lại còn tạo được nét hấp dẫn riêng cho tác phẩm.

Cái quan trọng nhất trong một tác phẩm văn học đề tài lịch sử? Theo tôi điều này tùy thuộc cách viết của tác giả. Như Alexandre Dumas, nhà văn Pháp, tác giả của “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”, lại có quan điểm ngược lại: “Lịch sử chỉ là những cái đinh để tôi treo những bức tranh của tôi”.

Quan điểm của riêng tôi nằm giữa hai cách nhìn trên, tôi viết theo sát lịch sử, còn những chỗ lịch sử không nói tới thì tôi mới dùng đến trí tưởng tượng.

- Văn học dịch Trung Quốc gần đây giới thiệu khá nhiều cây bút trẻ thế hệ 8X với những cuốn tiểu thuyết xuyên không (nhân vật chính từ thế giới đương đại, vì lý do nào đó đột ngột trở về sống trong xã hội cách nay cả trăm năm). Dường như cảm hứng từ những câu chuyện lịch sử đã chắp cánh cho những sáng tạo và góp phần “làm mới” sáng tác của họ?


- Xuyên không gian và thời gian, lấy cảm hứng từ truyện trong sử là một thủ pháp từng xuất hiện trong văn học, cũng như phim ảnh nước ngoài hiện nay. Đó là một cách dựng truyện rất thú vị nhưng cũng không phải là quá mới mẻ. Tuy vậy loại tiểu thuyết này đang có sức hấp dẫn với tuổi trẻ do tính chất hài hước dí dỏm và sự phóng khoáng vô bờ bến trong tưởng tượng. Bên cạnh tác dụng giải trí, những câu chuyện này, trong khi đặt những nhân vật thuộc nhiều thời đại bên nhau, đã làm người đọc nhận thức được cái gì là vĩnh cửu và cái gì là phù du trong cuộc sống con người.

- Chị nghĩ thế nào về văn học khai thác đề tài lịch sử hiện nay của chúng ta?

- Ở Việt Nam, đề tài lịch sử từ sau thời tiền chiến (với Nguyễn Triệu Luật và Lan Khai) đến nay vẫn luôn thu hút các nhà văn đương đại. Có thể kể đến các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Văn Chinh, Quỳnh Cư, Vũ Ngọc Tiến, Hoàng Quốc Hải, Phạm Thế Quỳnh…

Nhà văn Việt Nam quay về với lịch sử vì rất nhiều lý do, trong đó theo tôi, lý do thường thấy nhất là vì lịch sử luôn ẩn chứa những kinh nghiệm mà chúng ta có thể dùng để soi chiếu cho chính thời ta đang sống. Vì thế, với nhà văn, văn chương đề tài lịch sử không phải là đem lại những câu chuyện ly kỳ. Mục đích lớn nhất của nó là ghi lại những kinh nghiệm lịch sử và nhân văn, đôi khi không dễ viết ra bằng những câu chuyện của thời hiện đại.

- Xin chân thành cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Không phải để kể chuyện ly kỳ!”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.