Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Yếu thẩm định, xa thực tiễn

An Trân| 29/12/2012 06:13

(HNM) - Việc ban hành thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí có tình trạng văn bản trái với văn bản của cấp trên… Hạn chế trong công tác này được tập trung mổ xẻ, làm rõ tại phiên giải trình vừa được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức…

Chậm và thiếu tính khả thi

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2009, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bước đầu tạo ra những chuyển biến mới trong công tác này, song kết quả chưa đạt như mong muốn. Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng quy định về mặt thời gian, thiếu tính khả thi, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn chi tiết vẫn chưa được khắc phục. Cá biệt, có văn bản còn mâu thuẫn, trái với các quy định của pháp luật hiện hành.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ ngày 1-1-2009 đến 30-6-2012, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 68 luật, pháp lệnh. Trong đó có 61 luật, pháp lệnh đã được ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng quy định chi tiết đối với 760 nội dung. Hiện đã có 391 nội dung đã được ban hành văn bản quy định chi tiết, còn lại đang trong quá trình xây dựng, xem xét. Chưa hết, tính đến ngày 15-10-2012, vẫn còn 24 văn bản quy định chi tiết với 42 nội dung của 15 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được ban hành. Đáng lưu ý, Luật Tố cáo, Luật Lưu trữ, Luật Đo lường và Luật Cơ yếu đã có hiệu lực nhưng đến thời điểm này còn tới 10 văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được ban hành.

Không chỉ chậm trễ trong ban hành, tại phiên giải trình, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ rõ, hiệu quả công tác ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành pháp luật chưa cao dẫn đến tình trạng nhiều văn bản vấp phải sự phản ứng mạnh của dư luận như quy định ghi tên cha mẹ trong chứng minh thư nhân dân, phạt xe chính chủ hay gần đây nhất là chủ trương giao cho chính quyền địa phương thu phí bảo trì đường bộ.

Bất cập trong khâu thẩm định

Thừa nhận những bất cập nêu trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, nguyên nhân của những tồn tại là các bộ, ngành, nhất là người đứng đầu, chưa nhận thức đầy đủ và đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong soạn thảo văn bản chưa thật sự chặt chẽ, khoa học. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của một số cán bộ còn hạn chế.

Ngoài các nguyên nhân trên, những bất cập trong khâu thẩm định đã và đang là nguyên nhân khiến nhiều quy định, hướng dẫn chi tiết thiếu khả thi. Đơn cử, Nghị định 71 của Chính phủ với nội dung về xe chính chủ đã từng trở thành đề tài "nóng" được các đại biểu Quốc hội đề cập tại nghị trường còn người dân quan ngại. Ông Vũ Đức Đam đánh giá, các cơ quan chức năng đã "mắc lỗi" khi áp dụng sai bản chất quy định trong Nghị định 71, chuyển việc buộc làm thủ tục sang tên khi chuyển nhượng phương tiện thành việc truy cứu người điều khiển phương tiện có phải chính chủ hay không. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện và trong thời gian chờ quy định, lực lượng cảnh sát giao thông không được xử phạt người đi xe không chính chủ, đồng thời các bộ chịu trách nhiệm xây dựng quy định về việc sang tên đổi chủ sao cho thuận lợi, mức phí phù hợp.

Thu hẹp khoảng cách từ luật đến cuộc sống vẫn là bài toán nan giải. Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến đề nghị cần công khai, minh bạch quá trình xây dựng pháp luật, tránh "cài cắm" nội dung chỉ có lợi cho quản lý, điều hành, đặc biệt cần chú trọng nâng cao chất lượng của luật, pháp lệnh. Đã đến lúc chấm dứt thực trạng "không nước nào ban hành luật mà vẫn phải có thêm văn bản hướng dẫn thi hành như ở Việt Nam", "cứ thế này thì đến Ủy ban Pháp luật khóa 14 hay khóa 20 có giải trình nữa cũng vẫn có những tồn tại như hiện nay" như nỗi lòng đầy tâm tư của một thành viên Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Yếu thẩm định, xa thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.