Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống tham nhũng tại TP Hồ Chí Minh: Khả năng tự phát hiện còn yếu

Nguyễn Lê| 25/12/2015 07:14

(HNM) - Thừa nhận thực trạng tham nhũng tồn tại ngay chính ở cơ quan chống tham nhũng, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24-12, các cơ quan chức năng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập.

Thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã xét xử nhiều vụ án tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng.


Ăn sâu, khó xử lý

Giai đoạn 2006-2015, Công an TP Hồ Chí Minh đã thụ lý điều tra 152 vụ án tham nhũng chức vụ với tổng số 463 bị can. Cũng trong thời gian này, Viện KSND thành phố đã thụ lý 151 vụ án tham nhũng với 396 bị can; TAND thành phố cũng thụ lý 199 vụ với 636 bị cáo. Theo các cơ quan phòng, chống tham nhũng, đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ, nhân viên thừa hành nhiệm vụ.

Đặc biệt, có một số bị can là cán bộ lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp như phó giám đốc sở, chủ tịch UBND quận, kế toán trưởng... Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tội phạm tham nhũng trên địa bàn thành phố xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất ở các lĩnh vực được xem là nhạy cảm như quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư công trong các dự án sử dụng ngân sách, lĩnh vực tài chính - ngân hàng, lĩnh vực về công tác cán bộ... Về thu hồi tài sản tham nhũng, thời gian qua, TAND thành phố đã xét xử nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng và số tiền tịch thu từ các vụ án này lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh cho biết, các cán bộ tham nhũng thường có trình độ, kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định. Do đó, khi phạm tội họ đã chuẩn bị trước khả năng đối phó nên việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử rất khó khăn. Án tham nhũng thường có tính chất phức tạp, đông bị can, xảy ra trên nhiều địa bàn.

Trong nhiều vụ, ngoài tội tham nhũng, các bị can có chức vụ, quyền hạn còn móc nối với nhiều đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội khác. Chính vì vậy, công tác phát hiện tham nhũng thời gian qua còn hạn chế, chưa phản ánh đúng thực chất tình hình tham nhũng thực tế xảy ra. Nhiều vụ tham nhũng chậm phát hiện hoặc kéo dài quá trình điều tra, xử lý. Không ít vụ phải phụ thuộc vào kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, tuy nhiên công tác giám định hiện nay chưa thật sự hiệu quả, đôi khi kết quả giám định trái ngược, phải trả hồ sơ nhiều lần để điều tra lại.

Còn nhiều tồn tại

Theo các cơ quan phòng, chống tham nhũng, việc chứng minh, truy tìm, thu giữ và quản lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có được xem là một trong những khâu khó khăn nhất hiện nay. Nguyên nhân được cho là do xuất phát từ việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch nên nhiều tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Bên cạnh đó, một số vụ việc không thể xử lý tội phạm tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc tội phạm khác. Do vậy, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong nhiều vụ án không thể thực hiện được.

Trong khi đó, các đối tượng tham nhũng rất tinh vi trong việc chuyển giao tài sản cho người khác, hoặc tẩu tán tài sản bằng nhiều thủ đoạn khó lường. Nhiều vụ án tòa tuyên thu hồi hàng trăm tỷ đồng nhưng kết quả thi hành án thu hồi không đáng kể. Riêng trong năm 2014, TP Hồ Chí Minh chỉ thu hồi khoảng 1.500 tỷ đồng trên tổng số 6.740 tỷ đồng thiệt hại, chỉ đạt tỷ lệ 22%.

Trao đổi với Báo Hànộimới bên lề hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại TP Hồ Chí Minh ngày 24-12, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, hạn chế của TP Hồ Chí Minh là khâu triển khai một số giải pháp phòng ngừa, hiệu quả phòng ngừa chưa cao, cần phải chấn chỉnh. Thứ hai là trách nhiệm người đứng đầu và khả năng tự phát hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là điểm yếu chung của cả nước, riêng TP Hồ Chí Minh khâu xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong thời gian qua chỉ ở mức độ chừng mực.

Theo ông Huỳnh Phong Tranh, hiện đã xuất hiện hành vi lợi ích nhóm trong vấn đề tham nhũng, biểu hiện rõ nhất là các lực lượng này liên kết với nhau thành một khối để tư lợi. Đáng lo ngại, lợi ích nhóm còn xuất hiện trong việc xây dựng cơ chế, chính sách. Những đối tượng này cố ý ban hành chính sách để có lợi cho nhóm, cho ngành, cho địa phương mình.

Liên quan đến vấn đề có hiện tượng tham nhũng xuất hiện ngay chính cơ quan phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, công tác chống tham nhũng thời gian qua đã chứng minh thực trạng này là có thật. Ngay tại các cơ quan thực thi chống tham nhũng như thanh tra, kiểm sát, tòa án, công an đều tồn tại tội phạm tham nhũng trong nội bộ. Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường thanh tra, xử lý nhóm đối tượng này để làm trong sạch bộ máy chống tham nhũng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ ra những mặt hạn chế của TP Hồ Chí Minh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng như khả năng tự phát hiện, phối hợp sức mạnh còn yếu, chưa biết dựa vào dân. Phó Thủ tướng đề nghị, TP Hồ Chí Minh cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện cơ chế, đội ngũ nhằm lấp đầy những khiếm khuyết, đặc biệt là công tác phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tham nhũng tại TP Hồ Chí Minh: Khả năng tự phát hiện còn yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.