Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viện kiểm sát đề nghị mức bồi thường từ 60 đến 80 triệu đồng

HONGVAN| 18/09/2003 18:09

10h30’ ngày 25-4-2002, do không được phát hiện kịp thời việc nhiễm trùng huyết, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, 28 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội, người đã ký kết với Bệnh viện Việt - Pháp “Thoả thuận sử dụng dịch vụ thai sản trọn gói”, đã mất hai đứa con. Đây là nguyên nhân khiến gia đình chị Quỳnh quyết định kiện Bệnh viện Việt Pháp. Hôm qua (18-9), hai bên đã cùng đưa nhau ra Toà án dân sự để nhờ giải quyết vụ việc.

Mọi chuyện bắt đầu xảy ra từ lúc 10h30’ ngày 25-4-2002. Do không được phát hiện kịp thời việc nhiễm trùng huyết, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, 28 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội, người đã ký kết với Bệnh viện Việt - Pháp “Thoả thuận sử dụng dịch vụ thai sản trọn gói”, đã mất hai đứa con. Đây là nguyên nhân khiến gia đình chị Quỳnh quyết định kiện Bệnh viện Việt Pháp, yêu cầu xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Sau 2 lần hoà giải không thành, hôm nay, 18-9, hai bên đã cùng đưa nhau ra Toà án dân sự để nhờ giải quyết vụ việc.

Ngày 12-10-2001, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, 28 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội có ký kết với Bệnh viện Việt - Pháp “Thoả thuận sử dụng dịch vụ thai sản trọn gói” với giá 750 USD. Thực hiện hợp đồng, chị đến bệnh viện khám thai 9 lần và cùng có kết quả: “sức khỏe mẹ và thai bình thường”. Mọi chuyện đều tốt cho đến đêm 24-4-2002, khi thai được hơn 37 tuần, chị bị sốt 38,5 độ C, nên gọi điện đến Bệnh viện ViệtPháp để hẹn khám.


10h30’ sáng hôm sau, 25-4, gia đình đưa chị Quỳnh đến khám theo lịch hẹn và có thông báo với bác sĩ Thường về triệu chứng sốt đêm qua. Tuy nhiên, sau khi khám lâm sàng cho chị Quỳnh và tiến hành đo tim thai bằng máy Dopble, bác sĩ Thường cho biết sản phụ không sốt, không có hiện tượng nhiễm trùng, tim thai vẫn rõ. Bác sĩ cho chị Quỳnh về, để phòng sốt, bác sĩ có ghi đơn cho uống thuốc giảm sốt và hẹn quay lại lúc 12h30’ cùng ngày nếu thấy sốt.

Chị Quỳnh đã không quay lại bệnh viện như chỉ dẫn của bác sĩ mà thay vào đó là uống thuốc và 18h cùng ngày, khi gia đình không yên tâm, đưa chị đi kiểm tra bằng siêu âm ở ngoài thì phát hiện một tim thai đã mất. Bác sĩ khuyên cho sản phụ nhập viện ngay. Khoảng 19h00’, tại Bệnh viện Việt - Pháp, chị được bác sĩ Thường kiểm tra lần nữa, thấy chỉ còn tín hiệu của một tim thai. Ngay lập tức, bác sĩ Thường quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân. 20h, ca mổ bắt đầu với tình trạng sức khỏe bệnh nhân tốt. Sau 30 phút, các bác sĩ đã lấy được hai thai nhi: Bé gái thứ nhất, đã chết, nặng 3,2 kg; bé gái thứ hai, nặng 2,6 kg, chào đời với tình trạng sức khoẻ rất yếu và chỉ sống được 5 ngày...


Sau khi sự việc xảy ra, ngày 8-5-2002, Giám đốc y tế của bệnh viện khi đó là ông Jacque Tartulier đã có buổi họp với anh Nguyễn Trường Sơn-chồng của chị Quỳnh. Phía bệnh viện khẳng định tất cả chỉ là rủi ro nghề nghiệp, đồng thời theo đề nghị của gia đình anh Sơn, Bệnh viện sẽ miễn toàn bộ chi phí chăm sóc cấp cứu sau mổ cho chị Quỳnh, chi phí chăm sóc đứa trẻ thứ hai tổng cộng là hơn 2.600 USD, đồng thời “hỗ trợ dịch vụ theo dõi sản phụ khoa và tư vấn tâm lý cho sản phụ trong thời gian 1 năm”.

Lần họp thứ hai vào ngày 18-5, thời gian này được nâng lên thành 2 năm, bổ sung thêm một số hình thức chăm sóc. Tuy nhiên, ngày 19-5, anh Sơn đã từ chối thoả thuận này và đưa ra yêu cầu đòi bệnh viện bồi thường các mặt từ chi phí hợp đồng đã ký giữa hai bên, chi phí bồi dưỡng chuẩn bị mang thai, bồi dưỡng cho chị Quỳnh thời kỳ mang thai, thuê người giúp việc, chi phí đi lại, bồi dưỡng chăm sóc sau mổ, thu nhập gia đình bị giảm sút do hai vợ chồng nghỉ làm, tổn thương về tinh thần... tổng cộng là 312.000 USD.


Tại Toà, khi được yêu cầu giải trình về các khoản tiền trên, anh Nguyễn Trường Sơn-đại diện cho gia đình bị hại cũng không đưa ra được các chứng cứ thuyết phục để chứng minh mức bồi thường mà gia đình yêu cầu là hợp lý và có cơ sở. Tất cả chỉ được anh giải thích là hai vợ chồng có thu nhập cao do làm việc lâu năm cho công ty nước ngoài, có tích luỹ... Với khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần, anh Sơn giải thích, mức đó được đưa ra nhằm cho Bệnh viện Việt Pháp một bài học về công tác khám chữa bệnh, cảnh báo về chất lượng phục vụ của bệnh viện này, và như vậy sẽ có lợi cho các bệnh nhân khác.


Đại diện cho Bệnh viện Việt Pháp, ông Phó giám đốc Võ Văn Bản khẳng định: Chị Quỳnh đã được hưởng mọi quyền lợi quy định trong hợp đồng, thậm chí còn vượt hơn so với hợp đồng. Chị Quỳnh vào khám không phải là trường hợp cấp cứu mà là khám định kỳ. Bác sĩ Thường đã khám đúng quy trình, có sử dụng máy nghe tim thai Dopble, chứ không phải là ống nghe gỗ như anh Sơn nói. Kiểm tra sáng 25-4, sản phụ không sốt. Còn diễn biến sau đó có thể xảy ra rất nhanh. Thai nhi được mổ ra còn hồng hào, chứng tỏ cháu vừa chết.

Nhận lỗi về trách nhiệm của Bệnh viện trong vụ việc này, ông Bản chỉ thừa nhận: Bác sĩ Thường đã có một chút sơ xuất trong quá trình khám cho bệnh nhân. Nhưng điều này, đúng như kết luận của Bộ Y tế là do không tiên liệu được diễn biến của sản phụ, chứ không phải là nguyên nhân dẫn tới tử vong cả hai thai nhi. Bệnh viện không có lỗi trong việc gây ra cái chết của hai thai nhi và không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường quá phi lý của gia đình. Khoản duy nhất Bệnh viện đồng ý chia sẻ là hoàn trả 300USD mà gia đình anh Sơn đã nộp theo hợp đồng, cũng như không yêu cầu gia đình trả hơn 2600USD cho chi phí chăm sóc sản phụ và đứa trẻ thứ hai. Ông Bản cũng khẳng định, Bệnh viện hoàn toàn nhất trí với kết luận của Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế.


Trong biên bản làm việc của Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập với các chuyên gia đầu ngành, sau khi nghiên cứu hồ sơ của cả hai bên, gặp các nhân viên y tế tham gia điều trị cho chị Quỳnh cũng như gặp gỡ gia đình chị Quỳnh để làm rõ vấn đề, Hội đồng chuyên môn cho rằng việc khám, theo dõi, chăm sóc thai phụ Nguyễn Ngọc Quỳnh, khách hàng tham gia dịch vụ thai sản trọn gói của Bệnh viện Việt - Pháp trong thời kỳ mang thai, là “đầy đủ” như thỏa thuận giữa bệnh viện với sản phụ. Việc xử lý thai và chăm sóc sản phụ và trẻ sau mổ là phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Với trẻ thứ hai, chết 5 ngày sau khi chào đời, Hội đồng cho rằng nguyên nhân là “nhiễm khuẩn huyết từ trong tử cung”. Còn nguyên nhân tử vong của thai nhi thứ nhất (chết trước khi sinh) có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, “khó xác định chính xác”, nhưng dựa vào cái chết của trẻ thứ hai, thai nhi thứ nhất có thể bị chết do cùng nguyên nhân: “nhiễm khuẩn huyết trong tử cung”.


Về trách nhiệm của bác sĩ Nguyễn Thị Thường khi khám cho chị Quỳnh sáng
25-4-2002, Hội đồng của Bộ Y tế cho rằng: “Do không tiên lượng được những diễn biến bất thường có thể xảy ra, bác sĩ đã cho sản phụ về. Trong trường hợp này, đáng lẽ bác sĩ phải cho sản phụ nhập viện để theo dõi và làm các xét nghiệm cần thiết khác để có hướng xử trí kịp thời. Tuy nhiên, nếu sản phụ nhập viện và được phẫu thuật lấy thai ngay từ khi đến khám thì cũng khó có khả năng cứu sống được 2 con của sản phụ”. Hội đồng cũng đề nghị Bệnh viện phải kiểm điểm bác sĩ Thường.


Phần sôi nổi nhất của phiên toà có lẽ là phần tranh luận của các luật sư và đương sự. Luật sư của gia đình anh Sơn cũng như anh Sơn đều không đồng ý với kết luận của Hội đồng chuyên môn và cho rằng nó còn vượt quá thẩm quyền của Hội đồng; Hợp đồng mà Bệnh viện Việt Pháp đã lập ra và hai bên đã ký kết là mang tính áp đặt; Không thể coi cái chết của hai thai nhi là “rủi ro”, mà là do bác sĩ thiếu tinh thần trách nhiệm... Còn luật sư phía Bệnh viện Việt Pháp và ông Bản vẫn hoàn toàn nhất trí, “tin tưởng” với kết luận này, đồng thời dẫn ra một số chứng cứ về sự không khớp trong các lời khai của gia đình anh Sơn, cho rằng gia đình anh kiện chỉ vì tiền do biết Bệnh viện Việt Pháp là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài...


Chủ toạ phiên toà đã phải chấm dứt phần tranh luận và đề nghị Viện kiểm sát đưa ra ý kiến của mình. Trên cơ sở các tài liệu, nghe thẩm vấn, chất vấn tại phiên toà, Viện kiểm sát cho rằng, những yêu cầu đòi bồi thường của gia đình anh Sơn là phù hợp và có thể chấp nhận 1 phần các yêu cầu bồi thường đó. Mức bồi thường được Viện kiểm sát đề nghị là 60-80 triệu đồng.


Kết thúc phiên toà chiều nay, Hội đồng xét xử đã quyết định nghỉ để nghị án và 8h30’ sáng mai, 19-9, Toà sẽ ra phán quyết cuối cùng.


H.V

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện kiểm sát đề nghị mức bồi thường từ 60 đến 80 triệu đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.