Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tứ Tổng của Thăng Long- Hà Nội xưa

ANHTHU| 17/09/2006 09:44

(HNM) - Tứ Tổng ở đây không phải là 4 tổng, mà chỉ là một làng quê có tên là Tứ Tổng. Từ hàng ngàn năm trước, sông Hồng có những bãi nổi rất lớn, dân có thể cư ngụ, canh tác, phát triển những chòm xóm, thành một làng quê. Ở Thăng Long, khu vực sông Hồng chảy bên Hồ Tây, cũng có bãi nổi như vậy.

Ảnh: N.T

(HNM) - Tứ Tổng ở đây không phải là 4 tổng, mà chỉ là một làng quê có tên là Tứ Tổng. Từ hàng ngàn năm trước, sông Hồng có những bãi nổi rất lớn, dân có thể cư ngụ, canh tác, phát triển những chòm xóm, thành một làng quê. ở Thăng Long, khu vực sông Hồng chảy bên Hồ Tây, cũng có bãi nổi như vậy.

Theo truyền tụng thì từ thời xa xưa, thuở Lý Thái Tổ mới định đô ở Thăng Long, kinh thành xây dựng, mở mang nhiều. Đến một thời kỳ phát triển mới, dân của bốn tổng (Nội, Thượng, Trung, Hạ) thuộc huyện Vĩnh Thuận đã ra bãi nổi lớn trên sông Hồng để làm ăn, sinh sống. Vậy nên vùng dân cư này có tên là Tứ Tổng. Sang thời Lê, vùng này trở thành một trang, có tên chữ là Bảo Châu. Sách Việt sử thông giám cương mục có ghi, vào tháng 9 năm Mậu Dần 1518 các bộ tướng của Trần Chân đánh chiếm Kinh thành nên Mạc Đăng Dung phải rước vua Lê Chiêu Tông chạy ra trang Bảo Châu. Sang đầu triều Nguyễn, vùng quê này đã ổn định hoàn toàn, có 5 đơn vị hành chính tương đương cấp thôn là: sở Tam Bảo, châu Bảo Xuyên, châu Vạn Bảo và hai thôn Nội, Ngoại. Chúng tôi muốn lưu ý với bạn đọc về đơn vị hành chính sở và châu xưa kia: sở bắt đầu từ năm 1481, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu cho lập 43 sở đồn điền trong cả nước, nhằm làm tăng lượng sản xuất nông nghiệp (dấu vết các sở trở thành làng thôn, ở Hà Nội, có Xuân Tảo sở, Quán La sở...). Việc này cũng cho thấy, các triều đại xưa đã rất chú trọng đến phát triển kinh tế nông nghiệp. Vậy là, dẫu gọi là Tứ Tổng, nhưng đến đầuthời Nguyễn, ở đây có tới 5 đơn vị hành chính như 5 thôn, xóm. Tới đời Thành Thái, năm 1889, Tứ Tổng được nhập vào tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức, Hà Nội. Năm 1915, Tứ Tổng được cắt về tổng Phúc Lâm, huyện Hoàn Long, Hà Đông. Rồi đến cuối năm 1942, chính quyền bảo hộ lập vùng ngoại thành Hà Nội gọi là Đại lý đặc biệt, thì Tứ Tổng lại thuộc Hà Nội. Đến năm 1954, Tứ Tổngchính thức được coi là một xã thuộc quận Lãng Bạc, ngoại thành Hà Nội. Những năm sau này, đất bãi nổi trên sông Hồng bắt đầu bị xói lở, dần dần thu hẹp lại. Sau cải cách ruộng đất năm 1956, xã Tứ Tổng hợp với xã Liên Châu thành xã Tứ Liên. Từ năm 1961, Tứ Liên thuộc huyện Từ Liêm; sau năm 1995 thì Tứ Liên thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.

Ngày xưa, phần lớn dân Tứ Tổng, tới 80% số người cư trú ở bãi giữa sông Hồng. Phần còn lại thì cư ngụ ở bãi sông, ven chân đê. Về sau đắp thêm đê ngoài, nên bộ phận cư dân của Tứ Tổng vào khoảng giữa hai con đê. Do phần lớn dân ở bãi giữa sông, nên đình và chùa Tứ Tổng đều ở ngoài đó. Chùa Tứ Tổng có tên chữ là Tam Bảo tự, ở đây còn lưu giữ được tấm bia cổ dựng từ năm Đức Long thứ 3 đời Lê Thần Tông, 1631. Văn bia cho biết, chùa Tam Bảo thờ thần Ngô Văn Long, tướng của Hùng Vương thứ 18, đã có công đánh giặc Hồ Lư. Sau khi dẹp xong giặc, ông đóng binh ở Xuyên Bảo Châu, rồi mất ở đây và được dân thờ phụng. Đình Tứ Tổng thờ ba anh em Nguyễn Bảo, Nguyễn Minh (sinh đôi) và Thị ý (tức Hạnh). Hai anh em trai giỏi cả văn lẫn võ, người anh dạy học ở Xuyên Bảo Châu, người em dạy học ở bên Nghi Tàm. Em gái họ rất giỏi nghề trồng dâu nuôi tằm. Vào thời Lý Nam Đế có giặc phương Nam ra xâm lấn, Nguyễn Bảo và Nguyễn Minh mộ hương binh đi chống giặc. Sau khi thắng giặc, hai ông hóa ở trang Bình Lãng, Bạch Hạc. Về sau, bà Thị ý, lúc đang làm cỏ dâu ở bãi nổi thì bị nước dâng đột ngột cuốn đi. Dân làng đã tìm vớt được thi thể bà, thấy trên trán có hình chén ngọc, đem táng bà ở bãi và gọi phần mộ là mả Bà Chén... Do sống ở bãi nổi giữa sông, luôn luôn đương đầu với bão lũ, nên ở vùng quê này có những huyền tích, như huyền tích về ba vị thần hoàng kể trên, sống góp công cho làng bãi, nên người dân Tứ Tổng rất nhiều kinh nghiệm về trồng màu. Đặc biệt họ trồng dâu nuôi tằm rất giỏi, cũng như dân các làng có chung bãi giữa sông Hồng, phái trên trong tổng Phú Gia là làng Xù, làng Gạ, hoặc làng láng giềng phía dưới Nghi Tàm. Ngoài nghề dâu tằm nổi tiếng, dân Tứ Tổng có tài trồng bí ngô, củ cải vừa mập, vừa ngon. Ngoài ra, người dân Ngọc Xuyên (tức Bảo Xuyên) phần lớn là nam giới có thêm nghề thợ xẻ. Còn người Vạn Ngọc (tức Vạn Bảo) thì giỏi nghề đóng thuyền gỗ. Tứ Tổng xưa có bến thuyền gỗ khá lớn. Những bè gỗ từ các tỉnh miền núi đưa về Tứ Tổng rất nhiều, được thợ xẻ ở đây pha ra thành ván, thành khối rồi bán cho các nhà xây dựng và các nhà đóng gỗ trong nội thành. Ngoài người Ngọc Xuyên, nhiều người ở các thôn khác trong Tứ Tổngcũng làm nghề thợ xẻ, thợ mộc. Đến đầu thế kỷ XX, thợ xẻ, thợ mộc các tỉnh kéo về Tứ Tổng làm thuê cho các chủ xưởng gỗ khá nhiều. Xưởng gỗ lớn nhất là của cụ Hiên. Về sau, cụ Hiên bán xưởng gỗ cho người Nhật, đó là xí nghiệp gỗ Săng Cô nổi tiếng của chủ người Nhật vào những năm 30 của thế kỷ XX, nơi những người thợ Việt Nam tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi tăng lương, cải thiện dân sinh và luôn giành thắng lợi.

Đến giữa thế kỷ XX, đất bãi giữa bị xói lở nhiều, diện tích canh tác bị thu hẹp, nên người Tứ Tổng phải đi làm công nhân ở các xưởng thợ trong nội thành Hà Nội ngày càng nhiều. Những năm năm mươi, đất bãi giữa bị lở gần hết, nhân dân phải chuyển nhà vào trong đê, chuyển cả đình và chùa vào vị trí ngày nay, thuộc Tứ Liên. Còn khoảng mươi hộ của thôn nhỏ Tam Lạc vẫn còn đủ đất và canh tác, nên không chuyển vào cư trong đê, và đã sáp nhập vào thôn Tàm Xá, thuộc huyện Đông Anh bên mạn Bắc sông Hồng. Những thập niên cuối thế kỷ XX, xã Tứ Liên có hợp tác xã trồng rau màu nổi tiếng của Hà Nội là hợp tác xã Liên Châu. Gần đây, việc đô thị hóa diễn ra với nhịp độ cao, nhà cửa cao lớn mọc lên trên đất bãi ngày xưa, Tứ Liên có vùng trồng hoa và có siêu thị hoa rất lớn. Còn dải đất ven sông vẫn là bãi ngô xanh mướt và những ruộng bí ngô, cải củ cho quả và củ to, mập... Có lẽ, đồng màu trên dải đất sát ven sông, mùa nào cho thức ấy là những gợi nhớ ngày xưa, có một vùng quê của Thăng Long - Hà Nội, những người dân cần cù làm ăn, sinh sống ven bờ và trên bãi nổi giữa sông Hồng, đó là Tứ Tổng.

Tân An

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tứ Tổng của Thăng Long- Hà Nội xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.