Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Sài Đồng

TUYETMINH| 06/03/2007 11:22

(HNMĐT)- Làng Sài Đồng thường gọi là làng Sài, đầu thế kỷ thứ XIX là một thôn thuộc xã Cự Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh).

(HNMĐT)- Làng Sài Đồng thường gọi là làng Sài, đầu thế kỷ thứ XIX là một thôn thuộc xã Cự Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Năm đầu niên hiệu Thành Thái (1889), làng được tách ra thành một xã riêng. Năm 1928, làng có 826 nhân khẩu.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Sài Đồng là một xã riêng, sau đó sáp nhập với nhiều thôn làng thành một xã lớn mang tên ....

Từ tháng 5 - 1961, xã Gia Thụy cùng các xã khác trong huyện Gia Lâm được chuyển từ tỉnh Bắc Ninh về thành phố Hà Nội.

Làng Sài Đồng cùng với các làng bên nằm giữa những cánh đồng bằng phẳng của huyện Gia Lâm trước đây, đất đai màu mỡ, có con đầm Cầu Xanh rộng lớn là nơi dự trữ nước, cấy cày thuận lợi nên nơi đây được coi là vựa lúa của Kinh Bắc xưa. Câu ngạn ngữ “Tiền nhà chúa, lúa Sài Đồng” cho thấy điều đó. Làng còn năm ven Quốc lộ 5, vốn là con đường Thiên lý từ các trấn phía Đông và Đông Bắc chạy về Kinh đô Thăng Long xưa nên rất thuận tiện cho giao lưu, buôn bán.

Làng Sài Đồng có ngôi đình (đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1992) tọa lạc ở ngay ven Quốc lộ 5, đầu làng Gia Thụy. Đình hướng Nam, kiến trúc chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung. Trước cửa đình có một con hồ rộng lớn. Con hồ này nguyên là ruộng, gọi là “Đấu ruộng chúa”, tức ruông jcủa Chúa Trịnh cấp cho dân làng làm hương hỏa để thờ phụng thành hoàng. Khi phát xít Nhật chiếm nước ta, lập sân bay Gia Lâm, chúng thu phần lớn ruộng của làng Sài Đồng và các làng xung quanh, lại bắt dân làng đoà phần ruộng còn lại, đến sát đình để đắp sân bay, nên trở thành con hồ.

Đình thờ Linh Lang đại vương. Hiện có hai thuyết về vị thần này. Dân gian cho rằng, Linh Lang chính là Hoàng tử Hoàng Chân - con trai của Vua Lý Thánh Tông đã lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống tống (năm 1076); vì thế, tại đình làng có đôi câu đối để khẳng định điều này :

Trung sơ sinh tòng Hoàng Lý thống,
Anh linh tràng chấn đại Nam thiên,

(Đức thần là dòng dõi của nhà Lý, linh thiêng chấn động khắp trời Nam).

Song bản khai thần tích thần sắc năm 1938 hiện còn lưu tại Thư viện Thông tin KHXH lại chép ông là vị thiên thần, sinh ngày 13 tháng Chạp, được một tháng 7 ngày đã cùng hai tướng là Lê Công Báo và Phạm Công Hoàng lên đường đánh giặc Vĩnh Chinh (?), rồi hiển thánh vào ngày mồng 10 tháng Hai, được làng Sài Đồng cùng 269 làng khác thờ.

Từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trên đất làng Sài Đồng mọc lên nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp. Dân làng cũng chuyển dần từ nông nghiệp sang làm thủ công nghiệp và buôn bán, hình thành điểm đô thị sầm uất nên ngày 13 - 10 - 1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 173 thành lập thị trấn Sài Đồng trên cơ sở phần lớn đất đai và dân cư của làng Sài Đồng.

Từ tháng 11- 2003, thị trấn Sài Đồng được đổi thành phường cùng tên, thuộc quận Long Biên mới được thành lập.

Từ 1998 đến nay, Sài Đồng trở thành khu công nghiệp lớn của Thủ đô Hà Nội. Năm 2000, đường Quốc lộ 1 B Hà Nội - Lạng Sơn, nối với Quốc lộ 5 ở cuối thị trấn. Mới đây, cầu Thanh Trì khánh thành, đường dẫn lên cầu ở ngay điểm tiếp nối giữa Quốc lộ 1 Ba và đường 5 nêu trên, tạo điều kiện cho Sài Đồng một thế phát triển mới.

PGS, TS. Bùi Xuân Đính
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Sài Đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.