Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Tình Quang

TUYETMINH| 04/09/2007 09:58

(HNMĐT)- Làng Tình Quang, tên Nôm là làng Vịa. Xa xưa, làng có tên là Thượng Xá (bia mộ một vị Thái giám là người làng lập năm 1709 vẫn ghi tên “Thượng Xá thôn”).

(HNMĐT)- Làng Tình Quang, tên Nôm là làng Vịa. Xa xưa, làng có tên là Thượng Xá (bia mộ một vị Thái giám là người làng lập năm 1709 vẫn ghi tên “Thượng Xá thôn”).

Làng là khởi đầu của một vệt làng có chữ “Xá” gắn với tên của các dòng họ trong vùng, là : Hội Xá (nay thuộc phường Phúc Lợi quận Long Biên), Đặng Xá (nay thuộc xã Đặng Xá), Dương Xá (xã Dương Quang), Hoàng Xá (xã Kiêu Kỵ) đều huyện Gia Lâm, chứng tỏ các dòng họ cư tụ tại vùng đất này từ rất lâu đời. Tình Quang nghĩa chữ Hán là “sáng sủa”. Tục truyền, bà Ngọc Hân - vợ Vua Quang Trung trong một lần về thăm quê mẹ ở làng (Phù Ninh (nay thuộc xã Ninh Hiệp), trở lại Thăng Long, gặp mưa, đến làng Quán Tình trú tạm trong một ngôi quán được một lúc thì trời tạnh, nên làng này gọi là Kẻ Tạnh hay Quán Tạnh (?); đi đến làng Thượng Xá gặp trời sáng sủa, nên Ngọc Hân xin vua cha là Lê Hiển Tông cho đổi làm Tình Quang.

Làng Tình Quang nằm ven sông Thiên Đức (sông Đuống). Xưa kia, sông ở cách xa làng. Năm 1856, nhà Nguyễn cho nắn dòng sông Thiên Đức từ Du Lâm về phía Nam. Sông chia làng Tình Quang thành hai khối, dần dần tách thành hai làng : làng ở bờ Nam là Vịa Lớn (chính là làng Tình Quang hiện nay), còn làng ở bờ Bắc là Vịa Con (nay là làng Cống Thôn xã Yên Viên). Tuy vậy, hai làng vẫn chung đình, chung chùa, song làng Vịa Con được tổ chức hội trước (từ mồng 8 - 12 tháng Hai).

Làng Tình Quang trước đây nằm trọn trong đồng. Con đê cũ trước đây chạy trước cửa đình làng. Đến năm 1918 vỡ đê sông Đuống, phải đắp lại đoạn đê từ Cầu Đuống hiện nay ra phía sau làng nên hiện nay, toàn bộ khu cư trú (cả đình) nằm ngoài đê (khu vực bãi), chỉ riêng chùa còn nằm trong đồng (trong đê). Con đê cũ không còn tác dụng nên, gọi là đê Tàn, dấu tích còn lại đến nay là một số gò đống.

Dân làng Tình Quang xưa kia chỉ làm nông nghiệp, cấy một vụ lúa mùa và trồng một vụ ngô ở cả trong đồng và ngoài bãi. Vào thời Lê, làng còn trồng dâu nuôi tằm. Ngoài ra, làng còn muối dưa, làm tương rất có tiếng.

Tình Quang là một làng có dân số trung bình (năm 1928 có 1010 nhân khẩu). Làng có trên 30 dòng họ sinh sống, trong đó họ Nguyễn Đức và họ Đào là đông nhất. Điều đặc biệt là một bộ phận lớn người làng Tình Quang có gốc gác từ các làng Đình Bảng, Phù Lưu (nay thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) do xưa kia, người các làng này bận việc buôn bán, thường đem gửi con cho người làng Tình Quang nuôi giúp, nhiều người sau đó ở lại nhà bố mẹ nuôi, trở thành người làng Tình Quang.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng Tình Quang có bốn xóm (Lan Đình, Hoa Ngạc, Đông Trù, Đông Mai). Trai đinh trong làng sinh hoạt trong 5 giáp (Đông, Đoài, Tây, Xuân Lý và Văn Khê). Trong đời người, mỗi trai đinh của làng phải một lần nuôi ông ỷ (lợn thờ, khoảng 50 cân) cho làng để dâng lên lễ thần vào dịp hội làng (từ 18 đến 26 tháng Hai).

Làng Tình Quang có ngôi đình được dựng vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Trị (Bính Thìn, 1676). Năm Vĩnh Khánh thứ hai (Canh Tuất, 1730) trùng tu lần thứ nhất, năm Khải Định thứ chín (Giáp Tý, 1924) trùng tu lần thứ hai và gần đây nhất năm 1994 được trùng tu lớn. Đình thờ ba vị thần là Lý Bí, Đinh Điền (một tướng của Đinh Bộ Lĩnh) và Lý Chiêu Hoàng - vị vua cuối cùng của nhà Lý. Làng còn có ngôi chùa Phổ Quang, không rõ được dựng từ bao giờ.

Đầu thế kỷ XIX, Tình Quang là một xã độc lập thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, làng nằm trong xã Trường Chinh huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1957, xã Trường Chinh chia thành hai xã Giang Biên (gồm hai làng Tình Quang và Quán Tình) và Hội Xá. Đến tháng 5 - 1961, xã Giang Biên cùng các xã trong huyện Gia Lâm được chuyển về Hà Nội. Từ cuối tháng 11 - 2004, xã Giang Biên được chuyển thành phường thuộc quận Long Biên mới được thành lập.

PGS, TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Tình Quang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.