Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Lực Canh

TUYETMINH| 25/09/2007 09:51

(HNMĐT)- Làng Lực Canh tên Nôm làng làng Dâu, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Xuân Canh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Năm Tự Đức thứ 29 (1876), Lực Canh cùng ba xã (Xuân Canh, Mạch Tràng và Xuân Trạch) vẫn nằm trong tổng Xuân Canh (7 xã còn lại của tổng này được lập thành tổng Uy Nỗ).

(HNMĐT)- Làng Lực Canh tên Nôm làng làng Dâu, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Xuân Canh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Năm Tự Đức thứ 29 (1876), Lực Canh cùng ba xã (Xuân Canh, Mạch Tràng và Xuân Trạch) vẫn nằm trong tổng Xuân Canh (7 xã còn lại của tổng này được lập thành tổng Uy Nỗ).

Các tổng này đều thuộc huyện Đông Anh mới được thành lập, trên cơ sở điều chỉnh các xã, tổng của huyện Đông Ngàn và huyện Yên Lãng (phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây). Từ năm 1901 huyện Đông Anh được chuyển từ tỉnh Bắc Ninh về tỉnh Phù Lỗ (năm 1904 đổi làm tỉnh Phúc Yên).

 Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Lực Canh là một xã độc lập. Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng : Xuân Canh, Xuân Trạch, Vạn Lộc thành xã Vạn Thắng thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc). Tháng 5 - 1961, xã Vạn Thắng cùng các xã khác của huyện Đông Anh được cắt chuyển từ tỉnh Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội. Năm 1965, xã Vạn Thắng đổi tên thành Xuân Canh. 

Lực Canh cùng Xuân Canh nằm ở ngã ba sông Đuống và sông Hồng. Sông Đuống hay sông Thiên Đức nối với sông Hồng từ đây, chảy các xã Hoa Lâm (nay là Mai Lâm, huyện Đông Anh), Yên Thường về Cổ Bi (cùng thuộc huyện Gia Lâm) và chảy tiếp về phía Đông Nam. Lực Canh có bãi bờ màu mỡ, thuận tiện cho việc làm nông nghiệp, nên dân làng thạo việc trồng dâu, nuôi tằm, trồng màu trên đất bãi (tên Nôm của làng là “làng Dâu” và tên chữ là “Lực Canh” ý chỉ điều đó).


Lực Canh là một làng cổ. Lưu truyền dân gian kể rằng, vào đời Vua Hùng thứ 18, Tản Viên Sơn thánh theo lệnh vua đi dẹp quân Thục đã ghé qua làng Lực Canh, được vị thủy thần tên là Cổ Quốc hiện lên âm phù cho Sơn Thánh phá tan giặc. Khi trở về, Sơn Thánh lập đền và cho dân làng Lực Canh thờ vị thủy thần làm thành hoàng. Vì thần tên là Cổ Quốc nên dân làng phải gọi chệch “cổ” thành “của”, “quốc’ thành “quắc”. Trước đây, làng còn đến 36 đạo sắc phong cho thần, đạo sớm nhất vào năm Vĩnh Tộ thứ tám (năm 1626). Các lễ thức thờ thần chính vào các ngày : mồng 8 tháng Ba (thần hiện lên âm phù Sơn Thánh) và 10 tháng Tám (đại kỳ phúc).
 Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Lực Canh là làng có dân số tương đối đông (1815 người). Trai đinh trong làng sinh hoạt trong 5 giáp. Làng còn 28 mẫu ruộng công và 44 mẫu ruộng hậu để đấu giá dùng vào các việc hành chính, tế tự.

Đến thời Nguyễn, làng Lực Canh có hai người đỗ Hương cống (Cử nhân) là Hoàng Dũ Quang (Hương cống khoa Tân Tỵ đời Vua Minh Mạng - 1821) và Nguyễn Đăng Thông (Cử nhân khoa Nhâm Tý đời Tự Đức - 1852). Ông Thông được bổ chức Giáo thụ nhưng mang nặng chữ “hiếu”, ông không ra làm quan mà ở lại quê nhà để phụng dưỡng cha mẹ già. Còn Hoàng Dũ Quang lúc đầu được bổ làm Tri huyện, sau làm quan đến chức Thự Hộ khoa Cấp sự trung (như chánh thanh tra Bộ Tài chính hiện nay). Ông nổi tiếng là người thẳng thắn, liêm khiết. Vào tháng Chạp năm ất Mùi, đời Vua Minh Mạng (1835), Hoàng Dũ Quang đã làm bản điều trần lên Vua vạch rõ các điều tệ hại của các lại dịch trong các công sở ở các phủ huyện (thường là người cùng làng) thuộc các tỉnh Bắc Kỳ thông đồng với nhau để vơ vét của công; các tri sự tức viên chức giúp việc tri phủ và lại mục - viên chức giúp việc cho tri huyện bè đảng, cùng các lại dịch dùng lọng đen, xe kiệu tiếm lễ (tức vượt quá quy định) so với cả các quan phủ huyện; những khi có việc bắt lính, thu thuế thường sách nhiễu đủ thứ, chia nhau chấm mút, song khi thuế bị thiếu, lính trốn thì lại đổ trách nhiệm cho phủ huyện). Từ đó, ông đề nghị cách bỏ những lại mục giảo quyệt, tham nhũng; thuyên chuyển, phân tán, chuyển bổ đi nơi khác những viên chức là người cùng làng hay cùng một tổng, huyện làm việc trong một nha môn với nhau từ 3 năm trở lên. Đề nghị của ông được Vua Minh Mạng chấp nhận một phần.

PGS, TS. Bùi Xuân Đính
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Lực Canh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.