Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thăng Long qua bản đồ cổ

ANHTHU| 21/10/2007 07:22

Đường Nguyễn Tri Phương ngày nay. Ảnh: Nguyệt Ánh(HNM) - Bản đồ thành Thăng Long được vẽ từ bao giờ thì chỉ có thể ước đoán. “Đại Việt sử kí toàn thư” (viết tắt là TT) chép về thời Lý Anh Tông: “Nhâm Thìn năm thứ 10 (1172) mùa xuân, tháng 2, vua lại đi tuần ra cù lao ngoài biển ở địa giới phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật xong rồi về”; tức là chỉ nhắc đến việc “vẽ bản đồ”.

“Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim viết: “Năm Tân Mão (1171-1172) Anh Tông đi chơi xem Xuyên Sơn hiểm trở, đường sá xa gần và sự sinh hoạt của dân gian, rồi sai quan làm quyển địa đồ...”.

Thời Lý, Thăng Long là kinh đô, tất phải được vẽ địa đồ. Thế mà nay chẳng còn dấu tích gì về nó. Thời gian đã “giấu” quá kĩ...

Mãi đến thời Lê Thánh Tông, địa đồ mới lại được TT nhắc đến: “Canh Tuất năm thứ 21 (1490) mùa hạ, tháng 4 ngày mùng 5, định lại bản đồ trong nước: 13 xứ thừa tuyên có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu...”. Tất nhiên, có nhiều hương, phường, xã, thôn, trang, sách, đông, nguyên, trường. Chính năm này để lại cho hậu thế tấm bản đồ Thăng Long vô cùng quý giá, đáng tin cậy. Đó là bản đồ thành Đông Kinh. Từ đây, nhiều sách đã căn cứ, vẽ ra những tấm “Tỉnh thành Trung Đô” hoặc thành Thăng Long đời Lê... Người viết bài này đã sưu tầm được gần 20 tấm bản đồ thành Thăng Long in trên sách báo từ trước đến nay. Có tấm ghi “Bản đồ Thăng Long thời Lý - Trần 1010 - 1400”, nghĩa là thể hiện thời điểm rất cổ, nhưng xét cảnh quan thì mới được vẽ cuối Lê đầu Nguyễn. Khu vực Hoàng Thành, Cấm Thành ghi theo sách cổ, nhưng vùng ngoại vi ghi rất sai lệch như “Hồ Tây”, “Sông Tô”, “Hồ Gươm”.

Trong nhiều bản đồ đã công bố, có 3 tấm rất có giá trị: “Thành Tông Kinh (Đông Kinh)” 1490 thời Lê Hồng Đức, “Trung Đô Xuyên Sơn hình thắng chi đồ” năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770) thời Lê Trung Hưng, và “Tỉnh thành Hà Nội” 1831 vẽ năm Minh Mạng thứ 12.

Theo tấm thứ nhất, nhìn từ phía Nam, thành Đông Kinh (tức Thăng Long) có hình một lá cờ, cái cán lớn là cửa Bảo Khánh - vùng Giảng Võ, Ngọc Khánh ngày nay. Điều này khác với tấm thời Lý Trần - vẽ thành có 4 cửa Tương Phù, Diệu Đức, Đại Hưng, Quảng Phúc. Bản đồ này chỉ có 3 cửa Đông Môn, Nam Môn và Bảo Khánh. Vòng Hoàng Thành và Cấm Thành rất rõ. Phía Bắc có hai lớp Hoàng Thành, lớp thứ nhất bắt đầu từ quãng Cửa Đông, men theo sự uốn lượn của sông Tô như là hào nước thiên nhiên che chở. Lớp thứ hai cũng uốn lượn song song tạo giữa đê và thành một khoảng trống. Đến vùng Bưởi gặp sông Thiên Phù, vòng Hoàng Thành lại ngoặt về phía Nam theo sông Tô, đến Giảng Võ vuông góc với hướng Đông, rồi uốn cong ở đoạn phố Lê Trực nay, sau thẳng hướng Đông từ Trần Phú đến Hàng Da ngoặt lên phía Bắc, là hết vòng.

Bản đồ Hoàng thành Hà nội (Đồng Khánh dư địa chí).

Vòng Cấm Thành hình chữ nhật, phía Đông trùng với Hoàng Thành, theo đường Phan Đình Phùng đến tận Cống Đõ làng Hồ Khẩu thì vuông góc với vùng Liễu Giai, lại ngoặt hướng Đông bên trong đường Trần Phú, đến Cửa Nam thì xây thụt theo hình tam cấp để dành không gian cho cửa Đông Môn và Nam Môn. Đỉnh của góc vuông ước đoán là chỗ Cửa Đông ngày nay. Phía Nam cửa Hoàng Thành và Cấm Thành (cửa Đoan Môn) cách nhau một khoảng rộng và lệch (bản đồ thành Đông Kinh, bản A2499 thư viện Khoa học TƯ).

Bên trong Hoàng Thành có hai hồ nước rộng và các đền Linh Lang - Khán Sơn... Trong Cấm Thành có nhiều cung điện, nơi ở, làm việc của vua, các quan, các trại quân cấm vệ.

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao tường Cấm Thành phía Tây lại dài đến tận quá đường Liễu Giai ngày nay ? Tại sao không thấy các nhà khảocổcôngbốnhững dấu vết cung điện vùng này, vì ở đây đã có cửa Quảng Phúc... ?

Lịch sử đã đánh giá Lê Thánh Tông là vị vua sáng suốt, rất nghiêm minh trong việc điều hành xã hội. ThờiHồng Đức, đất nước đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ về mọi mặt, trong đó có Bộ luật Hồng Đức. Tuy bản đồ thành Thăng Long được vẽ theo lối họa đồ ước lệ, không trắc đạt khoa học như ngày nay, nhưng đã có những vật chuẩn cố định đểcăn cứ, đối chiếu với tường Cấm Thành phía Tây. Đó là đoạn Hồ Tây nối với sông Tô, hiện là Cống Đõ Hồ Khẩu còn sót lại. Thời Hồng Đức nó rất rộng, đến thời Nguyễn vẫn còn gọi là ngòi Khê. Chắc chắn là khi vẽ bản đồ, không có quan nào dám qua mặt nhà vua nếu nó không có trong thực tại.

Vả thời xưa, cung điện nhà cửa chủ yếu dựng gỗ một tầng lợp ngói, có tường xây xung quanh, chân cột kê đá, rất dễ bị cháy hoặc thời gian hủy hoại. Và nó không liền với nhau như nhà cửa ngày nay. Đất rất rộng, mỗi công trình đều cách xa nhau, nhiều chỗ là Thượng Uyển, mật độ xây dựng khác với vùng có điện Kính Thiên. Thành Thăng Long không phải “phi chiến địa”, đã qua bao binh hỏa, nên nếu dựng đơn lẻ thì rất dễ mất dấu vết theo thời gian.

Năm 2004, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội vào thăm khu khai quật khảo cổ di tích Thăng Long ở đường Hoàng Diệu. Đứng trên hố thám sát nhìn những đầu rồng, đầu phượng, hàng chân cột của các cung điện rộng lớn, giáo sư Trần Quốc Vượng chỉ tay nói đùa: “Cũng may ngày xưa chưa có máy xúc nên còn tầng chồng tầng kia, chúng ta mới còn những thứ vô giá như thế này”. Đây là nói về khu vực trung tâm, gần điện Kính Thiên, nên cung điện sát với cung điện, có lẽ khác vùng phía Tây.

Về địa thế sông hồ trong bản đồ trên, phía Đông kinh thành, sông Hồng còn ba chỗ nối với dòng Thiên Phù, Tô Lịch và nhánh cụt hồ Gươm. Hồ Tây rất lớn, nối sông Tô bằng hai cửa lớn chỗ đầu Thụy Khuê và Cống Đõ ngày nay. Thiên Phù khởi nguồn từ sông Hồng, đoạn Phú Gia Nhật Tân chảy theo hướng Bắc Nam, đến giữa cánh đồng Xuân La thì chia nhánh, một về phía Tây, một tiếp vào sông Tô ở Bưởi. Hồ Gươm chưa hình thành, mới có nhánh cụtsông Hồng từ BV Hữu Nghị qua Hàng Chuối, lên Cầu Gỗ, Hàng Đào nay. Đến thời chúa Trịnh Doanh, nó mới eo thắt thành “nhất điệp xuyên hoa” và mang tên Tả Vọng - Hữu Vọng. Lệnh chỉ của Trịnh Doanh cho làng Bái Ân được canh tác trên ruộng trũng vốn là lòng sông Thiên Phù. “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ viết về lấp cửa sông Tô ở phường Giang Khẩu (Hàng Buồm) thời Lê Trung Hưng. Căn cứ vào đây, có thể ba cửa sông bị lấp vào thời này, sau hồ Gươm mới hình thành, gọi Tả Vọng. Lại căn cứ vào sách “Hà Nội 1873-1888” của tác giả Pháp A. Masson, thì thấy tên hồ Gươm chỉ mới có vào cuối Lê đầu Nguyễn.

Văn Miếu được bao quanh bằng một hồ rất lớn. Đô thị có sông Kim Ngưu, vô số hồ ao, ruộng trũng, ngòi lạch.

Các kiến trúc đền Bạch Mã, quán Trấn Vũ, tháp Báo Thiên, chùa Khai Quốc, đàn Nam Giao, bãi Phù Sa Châu... vẽ rất rõ. Nhìn vào bản đồ có thể hiểu ngoài thành được đắp đất cao như đê để ngăn nước, song song, chạy sát là tường thành xây gạch vồ, giống như tường trong Cấm Thành.

Văn Sáu (Còn tiếp)

- - - - - - - - --

Cùng bạn viết

Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ có những chuyện trong quá khứ. Trong thời gian tới, đề tài ưu tiên của chúng tôi là thời chúng ta đang sống, những con người, sự kiện, công trình mới... để nói lên sức sống của thành phố hôm nay.

Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@ hanoimoi.com.vn.

Phông chữ VnArial

B.T.C

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăng Long qua bản đồ cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.