Theo dõi Báo Hànộimới trên

La Cả gồm hai làng La...

ANHTHU| 05/02/2008 12:07

(HNM) - Người tứ xứ hầu như đều biết rằng Kẻ La gồm có 7 làng. Cho đến nay, một số người cho rằng 7 làng La là: La Nội, ỷ La, La Khê, La Dương, La Tinh, Văn La và La Phù. Một số người khác thì cho rằng 7 làng của Kẻ La gồm: 2 làng thuộc La Cả là La Nội và ỷ La; 4 làng thuộc La Khê là Đông, Nam, Tây, Bắc; và làng La Tinh.

Dù định danh cách này hay cách kia, thì 2 làng La Nội và ỷ La vẫn được xếp lên đầu và được thiên hạ nhắc đến nhiều nhất. Theo thần phả hiện còn lưu giữ tại đình La Cả thì, thời Hùng Duệ Vương, đây vốn là Đại La Trang. Vùng quê này, hơn ngàn năm trước đã đông đúc dân cư, ruộng vườn trù phú ven sông Nhuệ. Hai làng La tạo nên làng lớn La Cả, cũng đã từ ngàn xưa. Và rồi, từ năm, bảy trăm năm trước, hai làng đã là hai xã riêng: La Nội xã và ỷ La xã được chính thức ghi trong sách Đại Việt lịch đại đăng khoa, ở các mục viết về Tạ Tử Điên (giữa thế kỷ XV) và Nguyễn Tử Mỹ (cuối thế kỷ XV). Hai xã, cũng là hai làng La Nội và ỷ La từ xưa xa thuộc tổng La (có sách ghi là tổng La Nội), huyện Từ Liêm. La Nội có 3 thôn là Thượng Thanh, Hòa Lạc, Đồng Tinh; ỷ La có 4 thôn là Đông Đại, Trung Thôn, Thượng Nguyên và Nguyễn Thôn. Như vậy, cách gọi làng, thôn ở vùng quê này có phần không giống những vùng quê khác. Ngày nay, làng La Cả thuộc xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, Hà Tây.

Từ lâu đời, La Nội và ỷ La có hội đồng kỳ mục, hội đồng lý dịch riêng, song lại được gọi chung là làng La Cả, thờ chung một thành hoàng, chung đình, chùa, chung hương ước, và chung cả lễ hội hàng năm. Đặc biệt, La Nội và ỷ La sinh sống đồng canh hỗn cư (đồng ruộng riêng, nhưng cư trú không phân định rạch ròi). Có những gia đình, dòng họ ở bên phần đất La Nội nhưng lại ăn ngôi thứ bên ỷ La, và ngược lại… Trải ngàn đời, người La Cả tạo lập làng, thôn đông vui, những đồng ruộng phì nhiêu với những giống lúa quý như nếp cái hoa vàng, nếp cái bầu, chiêm chanh, tẻ một… Qua ngàn đời, La Cả trở nên đông đúc, bình quân ruộng đất thấp, nên để sống được, người La Cả phải tìm thêm nghề phụ trợ, và đó là nghề dệt. Cho đến nay, chưa có tài liệu nào khẳng định nghề dệt the, lụa được truyền tới Kẻ La vào thời điểm nào. Theo bia Tổ sư nghề dệt hiện còn tại Nhà thờ Tổ sư (sau chùa Hoa Nghiêm), khắc dựng năm 1772, thì người truyền nghề dệt cho dân Kẻ La là Lý Anh Nghị. Ngài vốn người Tây Hưng, huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, vào cuối thời Minh, đã cùng gia đình, anh em, con, cháu chạy sang nước Việt ta, rồi truyền nghề dệt cho người Kẻ Bưởi và Kẻ La. Đây là một tích xưa, chưa có sự minh định của khoa học. Từ bao đời, Kẻ La đã nổi tiếng về tài dệt the, ca dao cổ có câu: The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng… Chợ La xưa nổi tiếng thiên hạ về đông vui và về the, lụa tuyệt mỹ, mỗi tháng 12 phiên, vào các ngày 2, 3, 7, 8. Ngày 3, ngày 8 là phiên chợ tơ, cho người làm nghề dệt tứ xứ đến mua tơ về sản xuất lụa, là, gấm, vóc. Còn ngày 2, ngày 7 là phiên chợ bán the, lụa, rất đông người tứ xứ tới xem và mua hàng… Ngoài ra, các ngày 5 và 10, những người buôn đường dài của La Cả đến tận cổng các nhà dệt để mua gom the, lụa… đem ra Kinh thành Thăng Long và nhiều vùng xa, để bán cho các hiệu buôn hoặc các nhà may mặc. Bản hương ước của La Cả, lập năm 1752, niên hiệu Cảnh Hưng 13, có những quy định rất cụ thể về việc mua, bán the, lụa của làng, rất trọng chữ nghĩa chữ tín…Cho thấy, từ mấy trăm năm trước, việc tổ chức sản xuất và buôn bán hàng tơ lụa ở La Cả đã rất sầm uất và văn minh!

La Cả còn là một làng quê giàu truyền thống học hành và khoa bảng của đất Từ Liêm xưa. Những câu phương ngữ nổi tiếng mà thiên hạ đã biết: Từ Liêm tứ quý Mỗ, La, Canh, Cót; Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương… Có chuyện truyền tụng rất đặc biệt ở Kẻ La: Cuối đời Lê sơ, có Trần Thân làm quan to cho nhà Lê, đem con gái gả cho Mạc Đăng Doanh. Sau, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Đến thời Lê Trung Hưng, diệt xong nhà Mạc, thì người Kẻ La bị cấm thi cử. Bấy giờ ở ỷ La có ông Nguyễn Khoa Đệ, một hôm mang the ra Thăng Long bán, khi đi qua Quốc Tử Giám, nghe nói trong đó đang có khảo thí, đề thi là: “Oa tại tỉnh nhi bất kiến kỳ thiên” (ếch ngồi đáy giếng không nhìn thấy trời). Khoa Đệ đứng trước cửa Quốc Tử Giám, nói to: “Đề bài ra sai, thế ra ếch mù à?”. Việc được báo lên quan Giám, Khoa Đệ bị gọi vào quở trách. Nguyễn Khoa Đệ vẫn nói: “ếch không nhìn thấy trời thì không mù là gì?”. Quan Giám bảo Khoa Đệ chữa lại đề thi, Khoa Đệ đã sửa thành “Oa tại tỉnh nhi kiến tiểu kỳ thiên” (ếch ngồi đáy giếng thấy trời nhỏ bé). Quan Giám cho Khoa Đệ làm bài luận ếch ngồi đáy giếng. Xong, quan Giám xem, thấy thật hay, mới hỏi: “Sao không đi thi?”. Nguyễn Khoa Đệ thật tình trả lời rằng, từ đầu thời Lê Trung Hưng đã có lệnh cấm người tổng La thi cử. Việc này đến tai Vua, và lệnh cấm kia bị bãi bỏ. Để ghi nhớ công người mở lại đường khoa cử cho Kẻ La, người La Cả đã dựng tấm bia ở đầu làng vào ngày 2 tháng Năm niên hiệu Cảnh Hưng 45 (1784). Và, ngày xuân tế hàng năm, người dân La Cả đến nhà bia lễ tạ ông Nguyễn Khoa Đệ… Giai thoại được khắc vào bia đá này cho thấy một ý chí rất cao của người La Cả, dù ở hoàn cảnh nào cũng phải học, học giỏi mới vượt lên được!

Trong lịch sử Khoa bảng nước Việt ta, người khai khoa cho La Cả là tiến sĩ Tạ Tử Điên, người ỷ La, đỗ khoa Mậu Thìn 1448 đời vua Lê Nhân Tông. ông được cử đi sứ nhà Minh, sau làm quan tới chức Tham Chính. Người kế tiếp là Nguyễn Tử Mỹ, sinh năm 1484, ở La Nội, Tiến sĩ Khoa ất Sửu 1505, niên hiệu Đoan Khánh 1, đời Lê Uy Mục. Sau, ông làm quan tới chức Chưởng hàn lâm viện sự, tước Nghĩa Sơn Bá. Tiến sĩ thứ ba của La Cả là Bùi Hưng Tạo, người La Nội, sinh năm 1509, Hoàng giáp Khoa Đinh Mùi 1547, niên hiệu Vĩnh Định 1 đời Mạc Phúc Nguyên. Sau, ông làm quan đến chức Giám sát Ngự sử. Tiếp theo, Đặng Công Mậu người La Nội sinh năm 1688, đỗ Tiến sĩ Khoa Tân Sửu 1721, niên hiệu Bảo Thái 2 đời Lê Dụ Tông. ông làm quan trải nhiều chức: Cẩn sự lang Kinh Bắc, Thừa chính sứ Hưng Hóa, Giám sát ngự sử, Hàn lâm viện thị giảng, Hàn lâm viện thừa chỉ, Hữu Thị lang bộ Hộ, rồi về chí sĩ, ông hiến cho làng 50 mẫu ruộng. Khi mất, năm 1765, ông được tặng Thượng thư. Người La Cả thứ năm đỗ đại khoa là Dương Nguyễn Huống, sinh năm 1748, ở ỷ La, Tiến sĩ Khoa Nhâm Thìn 1772, niên hiệu Cảnh Hưng 33 đời Lê Hiển Tông. Sau, ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo. Kế tiếp, Dương Đăng Dụng sinh năm 1804, ở ỷ La, đỗ Phó bảng khoa Kỷ Sửu 1829, niên hiệu Minh Mạng thứ 10. Sau, ông làm quan đến chức Ngự sử. Vị đại khoa thứ bảy của La Cả là Dương Công Bình, sinh năm 1814, ở La Nội, đỗ phó bảng khoa Mậu Tuất 1838, niên hiệu Minh Mạng thứ 19. Sau, ông làm quan Đồng tri phủ. Ngoài 7 người đỗ đại khoa, La Cả có 44 người đỗ Hương cống, Cử nhân; trong đó, có 2 con trai của Đặng Công Mậu, có 2 em trai của Dương Nguyễn Huống; có người 7 lần đỗ Tam trường như Nguyễn Trung Đôn, và có người đỗ 4 lần như Nguyễn Hằng…

Hai công trình tôn giáo, tín ngưỡng có chiều sâu về văn hóa - sử ở La Cả, là đình La Cả và chùa Hoa Nghiêm, từ xưa xa đã là của chung La Nội và ỷ La. Chùa Hoa Nghiêm, thường gọi là chùa Cả, là một ngôi cổ tự, hiện còn giữ được những bia hậu có niên hiệu Chính Hòa (1680-1705). Rất quý giá là, chùa còn lưu giữ được chiếc khánh đồng niên hiệu Cảnh Thịnh thứ sáu 1798; và còn có quả chuông lớn, đường kính 102 cm, cao 134 cm, nếu cả phần quai thì cao 180 cm! Chuông này được tạo tác vào năm Minh Mạng thứ hai mươi 1839. Đình La Cả là ngôi đình rất lớn và cổ kính, gồm 7 gian, 2 chái, cột cái có chu vi tới 192 cm! Trong đình có nhiều mảng điêu khắc thời Lê, có giá trị về văn hóa - lịch sử. Theo truyền tụng, xưa kia, La Nội dựng phần đình bên phải, ỷ La thì dựng phần đình bên trái, và gian giữa do 2 làng chung tay xây dựng. Trước đình là nhà đại bái. Hai bên là 2 tảo mạc, và sân đình rộng rãi, phong quang. Đây là nơi hàng năm dân làng tổ chức lễ hội. Hội La xưa đã đi vào ca dao: Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/ Vui thì vui vui vậy, chẳng tầy rã La!... Hội làng La Cả hàng năm tổ chức từ mồng 6 đến 14 tháng Giêng. Đặc sắc nhất của hội La là vào ngày rã đám có diễn trò đánh biệt, tức là đánh hổ dữ. Tích cổ xưa Đại La trang trừ hổ dữ, giữ yên quê nhà, được thể hiện lại bằng trò diễn dân gian rất công phu và đầy cuốn hút. Trong kỳ hội thờ Tổ sư nghề, từ mồng 8 đến 12 tháng Ba thì có tục rước bài vị Tổ nghề dệt đến chùa Hoa Nghiêm để tế. Đây là một lễ thức hiếm có ở các làng quê khác, bởi ở La Cả từ ba thế kỷ trước đã có Hội tứ giáp và Lăng la phường (phường dệt the), chuyên lo thực hiện lễ thức này. Tấm bia dựng năm 1772, niên hiệu Cảnh Hưng 33, có ghi rõ điều lệ của phường Lăng La nói riêng, của dân chúng La Cả nói chung, chứa đựng một tinh thần tương thân tương ái sâu sắc. Vậy có thể nói, người La Cả hàng ngàn năm qua đã tạo nên nhiều giá trị dân sinh - xã hội lớn trên quê hương mình, và trong đó, có một truyền thống văn hiến thật sâu dày!

Tân An

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
La Cả gồm hai làng La...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.