Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đoàn Thị Điểm vẫn “chờ” chồng

VANCHIEN| 12/10/2008 09:55

(HNM) - Xã Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), trước năm 1956 là ba xã riêng gồm: Phú Gia, Phú Xá và Thượng Thụy. Phú Thượng có truyền thống hiếu học. Chỉ riêng Phú Gia và Phú Xá từ hậu Lê đến đời Nguyễn có 4 người đỗ tiến sỹ, 21 cử nhân. Người đỗ đại khoa đầu tiên là ông Nghĩa Đạt đỗ bảng nhãn đời Lê Thánh Tông (1475) và người đỗ tiến sỹ trẻ nhất là Nguyễn Kiều lúc 21 tuổi.

Phần mộ bà Đoàn Thị Điểm ở Phú Thượng, Tây Hồ. Ảnh: Trung Kiên

(HNM) - Xã Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), trước năm 1956 là ba xã riêng gồm: Phú Gia, Phú Xá và Thượng Thụy. Phú Thượng có truyền thống hiếu học. Chỉ riêng Phú Gia và Phú Xá từ hậu Lê đến đời Nguyễn có 4 người đỗ tiến sỹ, 21 cử nhân. Người đỗ đại khoa đầu tiên là ông Nghĩa Đạt đỗ bảng nhãn đời Lê Thánh Tông (1475) và người đỗ tiến sỹ trẻ nhất là Nguyễn Kiều lúc 21 tuổi.

Nguyễn Kiều sinh ngày 27-2-1695, mất ngày 16-9-1752 (do nhầm lẫn, một số sách viết ông mất năm 1771). Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Kiều đã tỏ ra thông minh và hiếu học. Năm 20 tuổi đi thi Hương và đỗ Hương cống, năm 21 tuổi đi thi Hội đỗ tiến sỹ và trở thành người trẻ tuổi nhất trong các vị đỗ tiến sỹ khoa này (1715). Sau khi đỗ đạikhoa, Nguyễn Kiều được cử làm Hiệu thảo ở Viện Hàn lâm. Năm 1717, được thăng làm Đốc đồng xứ Tuyên Quang, năm 1734 được cử làm Tham tri xứ Nghệ An và năm 1743 được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Trước khi đi sứ, Nguyễn Kiều kết hôn với Đoàn Thị Điểm sau nhiều lần cùng xướng họa, đàm đạo thơ phú.

Đoàn Thị Điểm (sinh năm 1705, mất 1748), quê làng Hiến Phạm, xã Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ bà Điểm đã nhan sắc, tài trí hơn người. Năm 16 tuổi, quan Thượng thư Lê Anh Tuấn mến mộ muốn xin làm con nuôi để tiến cử vào cung chúa Trịnh nhưng bà nhất định từ chối. Cha mất, bà cùng người anh trai là Đoàn Luân làm nghề dạy học. Anh mất, bà vừa dạy học, vừa bốc thuốc nuôi mẹ, chị dâu và 2 cháu. Nhiều người cầu hôn nhưng bà từ chối. Năm 37 tuổi, phục tài và cảm động trước lời cầu hôn chân thành của Nguyễn Kiều, bà nhận lời làm vợ lẽ. Lấy nhau được một thời gian thì Nguyễn Kiều đi sứ Trung Quốc, bà ở nhà chờ chồng và dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm.

Trước đó bà viết “Truyền kỳ tân phả” bằng chữ Hán, trong đó có 7 truyện nhưng cho đến nay chỉ lưu lại 5 truyện. Không chỉ viết truyện, những giai thoại bà đối đáp với Trạng Quỳnh vẫn lưu truyền đến ngày nay.Vế đối “Lên phố Mía, gặp cô hàng mật. Cầm tay kẹo lại, hỏi thăm đường” khiến Trạng Quỳnh không đối lại được đành cúi đầu bái biệt. Một câu đối khác bà ra khi Trạng Quỳnh đến lúc bà đang tắm “Da trắng vỗ bì bạch” làm hậu thế nhức đầu mệt óc và cho đến hôm nay vẫn chưa tìm được vế đối hoàn chỉnh.

Mãn hạn sứ, Nguyễn Kiều về nước, đọc bản dịch “Chinh phụ ngâm” ông nức nở khen và phục tài của vợ. Năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), Nguyễn Kiều được cử đi trấn thủ Nghệ An, nơi tiếp giáp với xứ đàng trong của chúa Nguyễn, đưa theo cả gia đình. Đến vùng biển Thanh Hóa bà Điểm bị cảm, vào đến Nghệ An thìmất, quan quân đi theo mang linh cữu về chôn ở quê chồng. Xót thương vợ vô hạn, ông đã làm bài văn tế:

Ô hô! Hỡi nàng. Huệ tới lan thơm

Phong tư lộng lẫy, cử chỉ đoan trang

Nữ đức trọn vẹn, tài học ngỡ ngàng

Ba năm đi sứ Bắc, mày liễu buồn chau

Năm ngựa trở về nhà, mặt hoa hớn hở

Lúc rảnh việc cùng vui thú văn hàn...

Rừng sâu bể rộng, nàng hỡi đi dâu?

Ngọc nát châu chìm, lòng tôi quặn nhớ

Trải qua bao biến động của lịch sử và thời gian, mộ bà có lúc tưởng mất dấu nhưng rất may vẫn còn cho đến ngày nay. Ngôi mộ đã được huyện Từ Liêm xây cất lại nhưng không có tường bao, nằm sát lề đường đất bụi bặm, cách không xa ngôi nhà cao chót vót và cạnh khu tập thể đã xuống cấp của Công ty Bao bì xuất khẩu.

Đoàn Thị Điểm được xem là đứng đầu trong số nữ danh sỹ Việt Nam gồm: Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Ánh. Bản dịch “Chinh phụ ngâm” gồm 412 câu theo lối song thất lục bát diễn tả nỗi khắc khoải nhớ mong của một chinh phụ chờ chồng được coi là hay hơn cả bản chính. Ngôn ngữ trong sáng, cáchgieo vần, bắt nhịp, phối thanh rất khéo, láy âm điệp ngữ rất đắt đã gây xúc độngvà ngưng đọng trong lòng người đọc. Cùng với “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), “Cung oán ngâm khúc” (Nguyễn Gia Thiều), bản dịch “Chinh phụ ngâm” góp phần làm nên những trụ chính của văn chương trung đại Việt Nam. “Chinh phụ ngâm” được dịch ra tiếng Pháp năm1939 bởi các nhà văn trong nhóm Mercure de France. Sau này giáo sư người Nhật, ông Takeuchi dịch ra tiếng Nhật.

Nhà Lê vốn ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo nên rất coi trọng kẻ sỹ và luôn xếp kẻ sỹ đứng đầu trong 4 hạng người trong xã hội (sỹ, nông, công, thương). Sau khiNguyễn Kiều mất, xét công lao cống hiến, triều đình Nhà Lê cấp đất và xây mộ cho ông rất tử tế trên đất xứ Đồng Cân (nay nằm trong dự án 18,6 ha thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ)và cho ghi trên mộ chí “Đặc tiến Kim tử Vĩnh Lộc đại phu, Binh bộ tả thị lang, Bồi tụng, Cẩm Xuyên hầu...”. Thời gian làm quan trong triều, thấy Phú Xá chưa có đình, Nguyễn Kiều đã xin một ngôi nhà kho của vua bị thất cách mang về làm đình cho làng. Di chúc của Nguyễn Kiều bằng chữ Hán ghi “Ngôi đình khởi công vào mùa thu năm trước, đến mùa hạ năm Canh Ngọ (1750) thì hoàn thành ...”. Tại nhà thờ họ hiện còn bức hoành phi có 4 chữ Hán mà Nguyễn Kiều dạy con cháu “Phụng tiên tư hiếu” (thờ phụng trước hết phải nghĩ đến hiếu).

Ngày 25-3-2004, Ban quản lý dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây đã có thông báo về việc nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng khu đất 18,6 ha để phục vụ dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Vì mộ Nguyễn Kiều nằm trong khu đất này nên anh Nguyễn Văn Thái (đời thứ 9) - con trưởng tộc Nguyễn Mùi (đờithứ 8, cả 2 người đã mất) đại diện cho dòng họ đã làm đơn gửi chính quyền phường đề đạt nguyện vọng được chuyển mộ Nguyễn Kiều về nằm cạnh mộ Đoàn Thị Điểm.

Tuy nhiên không hiểu sao lại bị từ chối, có ý kiến cho rằng đó là việc của gia đình và họ tộc này. Lại có ý kiến nên đưa mộ Tiến sỹ Nguyễn Kiều lên nghĩa trang Bất Bạt (ở Ba Vì) vì Nguyễn Kiều có công với thời xưa, đâu có liên quan gì đến thời nay (?). Thấy khó có thể thuyết phục được địa phương, anh Thái làm đơn nhờ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam giúp đỡ. Trong đơn, anh Thái viết “Họ tộc chúng tôi có trách nhiệm giỗ chạp, hương khói cho tiến sỹ Nguyễn Kiều và danh sỹ Đoàn Thị Điểm nhưng vì tiến sỹ Nguyễn Kiều được dựng bia trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám, lại là người có công với Triều Lê, còndanh sỹ Đoàn Thị Điểm có công lớn với văn chương nước nhà nên đã vượt quá tầm quyết định của họ tộc chúng tôi vì cả hai thuộc về dân tộc.

Chính vì thế họ tộc và gia đình tôimong muốn Hội Khoa học Lịch sử có tiếng nói với các cấp chính quyềnđể 2 cụ tôi được nằm bên nhau, vừa hợp đạo lý của người Việt Nam”. Ngày 19-11-2004, thay mặt Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông Dương Trung Quốc đã có thư gửi một cán bộ có trách nhiệm ở quận Tây Hồ, thư có đoạn “Đưa mộ Nguyễn Kiều về bên cạnh Đoàn Thị Điểm vừa hợp với đạo lí và điều kiện bảo tồn”. Ngỡ tưởng quận sẽ có quyết định “hợp đạo lý” nhưngngày21-1-2005, quận Tây Hồ có công văn số 72/UB-DCNDD&ĐT yêu cầu UBND phường Phú Thượng vận động gia đình chuyển mộ Nguyễn Kiềuvề nghĩa trang do thành phố quy định. Thấy việc không thuận, anh Thái lại làm đơn và ngày 4-8-2005, phường Phú Thượng có công văn trả lời: mộ Tiến sỹ Nguyễn Kiều sẽ được chuyển về nghĩa trang Phú Xá.

Trong cuộc họp ngày 19-8-2005 do UBND quận Tây Hồ tổ chức, ông Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã có ý kiến “nên chuyển mộ tiến sỹ Nguyễn Kiều về vị trí cạnh mộ Hồng Hà nữ sỹ Đoàn Thị Điểm là phù hợp với truyền thống người Việt Nam, cũng là tri ân của hậu thế với những người có công với dân, với nước”. Quan điểm của ông Tuân được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học chia sẻ. Sở VHTT Hà Nội (nay là Sở VH-TT-DL) đã đồng tình với quan điểm này và có công văn gửi quận Tây Hồ ngay sau đó. Cuối cùng thì phường Phú Thượng và quận Tây Hồ thấy mặc cả với lịch sử là vô lý bởikhu mộ 2 danh nhân đâu có phải của riêng hậu duệ dòng họ Nguyễn Kiều mà nó là của chung nên họđồng ý đưa mộ Nguyễn Kiều về vị trí mộ Đoàn Thị Điểm hiện nay.

Các đơn vị tham gia dự án đã có bản vẽ kỹ thuật, phối cảnh và cũng định thời gian di chuyển là cuối năm. Tuy nhiên trong cuộc trao đổi mới đây với chị Nguyễn Thị Sơn (con gái trưởng tộc Nguyễn Văn Mùi) - người kế tiếp anh Nguyễn Văn Thái trong công việc di chuyển mộ Nguyễn Kiều, cho hay chị và bà con trong họchưa thấy động thái gì. Như thế Đoàn Thị Điểm sẽ lại tiếp tục “chờ” chồng như từng chờ ông đi sứ ở Trung Quốc năm 1743...

Nguyễn Ngọc Tiến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn Thị Điểm vẫn “chờ” chồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.