Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chén trà ủ giữa Tây Hồ

ANHTHU| 07/08/2004 18:03

Đài Truyền hình Nhật Bản TBS quyết định làm phim tài liệu về sen Tây Hồ và cô Nakagoshi Noriko (nhân vật chính phim Kokoro (52 tập) đang chiếu ở Đài THVN) được chọn đóng vai

Người Nhật đã đưa lên mạng Internet một bộ phim về nghệ thuật ướp trà sen Tây Hồ, để giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam. Nhưng dường như đối với họ, sự sang trọng, cầu kỳ, tinh tế của nghệ thuật trà sen vẫn chưa được khai thác hết.

Chẳng thế mà, Đài Truyền hình Nhật Bản TBS quyết định làm phim tài liệu về sen Tây Hồ và cô Nakagoshi Noriko (nhân vật chính phim Kokoro (52 tập) đang chiếu ở Đài THVN) được chọn đóng vai "trà nữ" trong bộ phim tài liệu về sen Tây Hồ. Trong phim, cô sẽ thực hành nghi lễ ướp và pha trà sen từ lúc còn là bông hoa hé nở đến khi là chén trà ngào ngạt hương thơm dâng lên cho các vị khách.

Ngôi nhà 175 Bà Triệu được lựa chọn là nơi thực hiện các cảnh quay chính trong phim và bà Ngọc (con gái của bà Hiền - nhân vật chính trong bộ phim đầu tiên của Nhật Bản về trà sen Tây Hồ) sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn Noriko. Cô Noriko lại ăn ở tại nhà bác Ngọc luôn (xem ra cô học trò này chăm ngoan thật), cô còn kết bạn với cháu gái bác Ngọc, mới khoảng 7-8 tuổi

Cũng xin nói thêm một chút về bà Hiền. Tôi không được gặp bà, nhưng theo lời anh Lê Đức Thanh, cán bộ của Trung tâm báo chí Bộ Ngoại giao - người hướng dẫn đoàn phim Nhật Bản làm phim về trà sen Tây Hồ, đó là nghệ nhân trà sen đáng kính trọng nhất mà anh được biết. Kể từ ngày dẫn đoàn làm phim đến gặp bà, anh trở thành "khách quen" của gia đình. Anh nhớ mãi lọ trà sen mà bà Hiền cất giữ suốt 40-50 năm. Đó là mẻ chè tâm đắc mà bà làm từ hồi còn son trẻ. Nó được cất giữ trong một cái lọ thủy tinh tối màu, và hôm đó, quý lắm, bà mới dốc ra pha một ấm. Tôi hỏi anh uống có ngon không thì anh thú thật là vì nghi lễ mở chai trà sen long trọng quá nên anh không dám uống! Chả biết anh nói đùa hay thật, nhưng anh cũng trở thành một "đệ tử" của trà sen Tây Hồ.

Nói đến trà sen Tây Hồ thì có đến 90% người Hà Nội bây giờ chẳng hình dung nó ra sao. Có người hình dung nó cũng như chè Lotus Kim Anh mà thôi. Nghĩa là loại chè 500đ/gói, uống sặc mùi thuốc bảo quản (phải tráng chè ít nhất 1 lần). Những người thích văn chương thì hình dung ra trà sen kiểu Nguyễn Tuân, tức là sáng sớm tinh mơ bơi thuyền ra giữa đầm, đợi lúc bông sen vừa hé cười (hàm tiếu) thì bỏ tùng nhúm trà xanh vào trong miệng nó và buộc lại. Nhúm trà xanh sẽ hút no hương sen và những thứ tinh túy khác trong đó. Sau một ngày thì mở ra lấy về...Lấy cả những giọt sương mai đậu trên những lá sen làm nước pha trà. Cầu kỳ đấy, tinh tế đấy, nhưng chưa phải trà sen, đó là chỉ là "chơi sen" thôi, uống nhúm trà ấy là uống cái chất văn chương trong đó thôi, chứ qua một ngày để ẩm, trà sẽ ỉu, mất mùi, và cũng chẳng thấm đượm được bao nhiêu hương thơm Tây Hồ...

Lại có thứ ướp trà nào cầu kỳ hơn thế sao? Sáng tinh sương bác Ngọc, nghệ nhân trà sen, cùng đoàn làm phim Nhật Bản và cô Noriko trong vai trà nữ đã có mặt tại Đầm Bảy. Họ sẽ thực hiện nghi thức đầu tiên của nghệ thuật ướp trà sen. Đó là hái 1000 bông sen hàm tiếu (hé nở), công việc phải làm xong trước lúc mặt trời lên bởi vì để chậm trễ hương sen sẽ tản mát....Chiếc thuyền thúng chở Noriko len lỏi trong đầm sen, đôi khi mất hút giữa một thảm lá hoa rực rỡ. Và tôi không thể quên được gương mặt đẹp lấm tấm mồ hôi của Noriko khi cô trở về với một thuyền đầy hoa.

- "Ban đầu tôi cứ nghĩ hái sen thật dễ. Nhưng đâu có dễ. Bác Ngọc hái cái được ngay, tôi học mãi, mắm môi vào bẻ, bẻ quằn cả móng tay ra nó mới gẫy. Tôi đau hết cả mười cái móng tay đây này. Nhưng khi đã biết cách hái rồi, thì sen đã vãn. Mỗi lần tìm thêm được một bông sen lấp ló tôi rất phấn chấn và hạnh phúc."

Bà Ngọc phải nói to giục Noriko mới lần cô mới chịu lên bờ. Cả ngàn bông sen rực rỡ, hương thơm sực nức. Nhiệm vụ của Noriko bây giờ là tách những cách hoa ra, bên trong là đài và nhị sen. Trên nhị sen Tây Hồ có những hạt nhỏ li ti chỉ nhỉnh hơn đầu tăm một tý, màu trắng đục. Đó chính là túi hương thơm của sen Tây Hồ. Không chỉ Noriko mà chính tôi cũng lần đầu tiên nhìn thấy những túi hương này, bởi vì sen thường (sen quỳ) không có, sen ở các nơi khác cũng có những hạt kém hơn nhiều. Người làm trà gọi đây là gạo sen. Gạo sen nằm lẫn với nhị, cho nên phải gạt toàn bộ vào một cái rổ. Tách xong, Noriko sẽ phải sàng riêng gạo sen ra. Cả 1000 bông sen xếp thành một đống lớn chỉ được 7-8 lạng gạo, đủ biết nó quý đến nhường nào. Vậy mà vẫn chưa đủ để ướp một cân trà. Hóa ra ướp trà sen Hồ Tây cũng như kiểu muối dưa, ở đây trà là dưa còn gạo sen là muối, từng lớp từng lớp một. 2 lạng sen thì đủ để rải đều lên 1kg trà, nhưng để ra một cân chè sen thì phải qua 5-7 lần ướp như thế. Tức là phải mất 1-1,4kg gạo sen, tức là 1000-1400 bông sen. Thật là một con số khổng lồ... Bởi vậy, 1kg trà sen Tây Hồ có giá tới 2 triệu đồng.

* Xét cho cùng việc cô Noriko sang thực hành nghi lễ trà sen cũng chỉ là một cách để quảng bá. Chè sen Tây Hồ tự thân nó đã là một nghệ thuật đỉnh cao, đâu phải có vương vấn hơi tay người đẹp mới là quý. Nhưng thật tiếc là ngay chính người Hà Nội cũng không coi trọng điều này!

Tôi muốn nói điều này bởi vì từ đầu năm đến nay, ai cũng nhắc đến sự biến mất của đào Nhật Tân, trong khi sen Hồ Tây, không những là một sản vật quý hiếm (GS Dương Đức Tiến cho rằng sen Hồ Tây là loại sen Trăm cánh, ngoài ở đây chỉ còn 2mẫu ở Huế). Kết luận này cần sự kiểm chứng một cách khoa học, nhưng có điều chắc chắn rằng, sen Tây Hồ cũng là một biểu tượng của Hà Nội, đã đi vào văn thơ hàng trăm năm nay. Nó lại nuôi dưỡng cho một nghệ thuật ẩm thực độc đáo (trà sen Tây Hồ) kể trên mà tiếng vang của nó đến tận Nhật Bản. Nhưng nếu ai dạo qua một lượt vùng sen Hồ Tây bây giờ thì sẽ phải giật mình. Sen đang dần biến mất. Đầm Trị không còn sen nữa. Phủ Tây Hồ vắng sen. Sen chỉ còn trồng lác đác ở một số hồ ao nuôi cá. Đầm lớn nhất là Đầm Bảy thì theo thông tin trên các báo, sắp bị thu hồi gần hết để xây dựng nhà máy.

Mấy năm nay Quảng An gần như hết sen, những người làm chè sen phải đặt hàng ở Đầm Bảy từng ngày. Ông Hùng chủ Đầm Bảy cho biết, sen của ông hái bông nào lên là hết bông ấy. Muốn để lại một vài bó cho người đi lễ cũng khó. Toàn bộ sen bán trên chợ Đêm Quảng Bá, và bán rong khắp Hà Nội đâu phải là Sen tây Hồ. Đó là sen ở ngoại thành, ngoại tỉnh mang về, hái từ đêm hôm trước, hương thơm kém xa sen Tây Hồ, nên người làm chè không mua. Có người tìm cách trộn lẫn sen Tây Hồ với sen các nơi khác để bán cho người là trà, nhưng chỉ cần nhìn lượt qua hạt gạo sen (gạo sen Tây Hồ thon dài, trong,nhẹ) là họ biết ngay. Nhưng nếu cứ tình trạng lấy hết ao đầm trồng sen như hiện nay thì một vài năm nữa, người làm trà sen buộc phải xài đến loại sen ở ngòai đem vào. Nghề ướp trà sen đâu còn được như xưa nữa!

Theo HTV

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chén trà ủ giữa Tây Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.