Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngô Quang Châu - Người chiếm lễ đài địch ngày 17-8-1945

ANHTHU| 10/08/2009 07:31

(HNM) - Nhà 487 đường Thụy Khuê bán mũ nón, khá rộng, biển hiệu

(HNM) - Nhà 487 đường Thụy Khuê bán mũ nón, khá rộng, biển hiệu "Nón Sao". Trên chiếc sập giữa nhà, bà cụ phúc hậu, tóc trắng buông xuống tấm chăn, trầm ngâm, mắt chẳng biết nhìn ra đường hay vào một ký ức vô định.

Một người phụ nữ trung niên ngồi trên ghế luôn tay khâu vá. Tôi lễ phép chào rồi hỏi có phải nhà cụ ông Ngô Quang Châu, người chiếm lễ đài ngày 17-8-1945, dịp Hà Nội tổng khởi nghĩa… Tức thị tôi đang làm cái việc đánh thức ký ức nhiều năm đã ngủ yên của cụ bà Nghiêm Thị Tãnh.

Trước tháng Tám 1945, cùng Vũ Quý, Trần Quốc Hương (Mười Hương), Dương Đức Hiền… ông Ngô Quang Châu tham gia tổ chức thành lập Tổng hội Sinh viên ba nước Đông Dương. Tại cuộc mít tinh ngày 17-8-1945 do Tổng hội Viên chức Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức tại Hà Nội, là đại diện Việt Minh, ông đã lên cướp diễn đàn trước sự ngỡ ngàng, không kịp phản ứng gì của các viên chức Trần Ngọc Sâm, Phạm Văn Sung và Nguyễn Văn Minh. Ông Nguyễn Dực, người phụ trách âm thanh lấy chiếc mi-crô đưa cho Ngô Quang Châu. Nét mặt rắn rỏi, giọng đanh thép, Ngô Quang Châu giơ hai nắm tay hùng dũng kêu gọi đồng bào: Ủng hộ Việt Minh, khởi nghĩa giành lấy chính quyền. Ngay sau cuộc mít tinh, ông Châu cùng ông Trần Lâm đến tòa báo "Tin Mới" gặp công nhân nhà in và thuyết phục ông chủ báo Mai Văn Hàm cho in ngay đêm 17-8-1945 bài báo về cuộc mít tinh và lời hiệu triệu của Việt Minh.

Chỉ hai ngày sau đó, một sự kiện khác đáng nhớ diễn ra là treo lá cờ ngày 19-8-1945 tại Nhà hát Lớn. Lá cờ được Hội Văn hóa cứu quốc chuẩn bị 5 tiếng đồng hồ trước, khi chính quyền còn do phát xít Nhật và Chính phủ Trần Trọng Kim nắm giữ. Các ông Ngô Quang Châu, Nguyễn Hữu Đang… cùng những thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chuẩn bị từ đêm trên chiếc ô tô Citroen T20, xuất phát từ nhà Đoan phố Hàng Vôi đi về số 9 Hàng Gạo, Hàng Cháo, Văn Miếu, Hàng Bài, Hàng Gai để kết hợp khuân chuyển vũ khí cho quân khởi nghĩa và để lấy 5 lá cờ to bằng nhau cùng treo ở 5 nơi trong rạng sáng ngày 19-8-1945. Đó là Nhà hát Lớn, Đại học Đông Dương, đầu phố Tràng Tiền, hiệu kem Long Vân đầu Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội - đường Lê Duẩn).

Chính quyền về tay nhân dân, Ngô Quang Châu tham gia hoạt động văn hóa. Trong danh sách Bộ biên tập báo Tiên Phong gồm hơn hai mươi nhà văn hóa, trí thức tên tuổi trong cả nước do Trần Huy Liệu làm chủ bút, tên ông thường đứng sau Tam Kính, Đào Duy Anh, Nam Cao. Từ số 19, ngày 16-9-1946, Ngô Quang Châu bắt đầu làm quản trị báo thay Đỗ Xuân Giũng.

Ông đã được bầu làm ủy viên chính thức BCH Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam khóa 1946-1947 (Đại hội Văn hóa cứu quốc lần thứ 3 từ ngày 10 đến 13-10-1946) gồm 11 ủy viên chính thức và 3 dự khuyết, BCH gồm Chủ tịch Đặng Thai Mai, TTK Hoài Thanh, 2 phó TTK Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng. Ủy viên: Văn Cao, Ngô Quang Châu, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tỵ, Chế Lan Viên, dự khuyết là Trương Chính, Minh Đạo, Lưu Quý Kỳ.

Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (ngày 23 đến 25-7-1948), Ngô Quang Châu phụ trách quản trị trong. Sau Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam ít lâu, được sự tín nhiệm của anh em văn nghệ, ông giữ chức vụ Giám đốc NXB Văn nghệ - tiền thân của NXB Văn học - trong 4 năm, cho đến khi nghỉ. Những đóng góp của ông được ghi nhận bằng tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhì năm 1998. Năm 2003, ông từ giã cõi đời.

Cụ bà bảo con gái mở tủ lấy những kỷ vật còn giữ. Quả là quý giá. Mỗi tấm ảnh gắn với những sự kiện lịch sử đáng nhớ, đáng nhớ nhất là về văn hóa.

Theo sự phân công của Hội Văn hóa cứu quốc, ông Ngô Quang Châu làm Trưởng ban Tổ chức Phòng triển lãm văn hóa tại nhà Khai Trí Tiến Đức. Ngày khai mạc 7-10-1945 có Cụ Hồ cùng các vị cố vấn của Chính phủ, các bộ trưởng tới. "Đây, từ trái qua phải luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Tư pháp, GS Đặng Thai Mai - Bộ trưởng Giáo dục, Cố vấn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại thoái vị), ông Vũ Đình Huỳnh - Bí thư của Hồ Chủ tịch đeo kính đen đứng sau ông Vĩnh Thụy, ông Ngô Quang Châu, ông Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Tuyên truyền, Hồ Chủ tịch, các ông Lưu Văn Lợi, Nguyễn Đình Thi.

Một tấm ảnh khác, cụ bà cười móm mém: "Ảnh này chụp Bác Hồ, ông Ngô nhà tôi và ông Nguyễn Đình Thi nhưng mà về sau, ông Châu cho một người bạn mượn. Người bạn này không thích ông Nguyễn Đình Thi nên đã cắt bỏ ông Thi đi khiến ông Châu nhà tôi giận lắm".

Cả buổi chiều tôi được nghe cụ kể những kỷ niệm về ông bà, nhắc đến các văn nghệ sĩ Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… ai cũng là "ông" rất tử tế. "Ông nhà tôi là chơi thân với rất nhiều ông nhà văn, nhà báo, đủ cả. Những tấm ảnh này là ông Nguyễn Bá Khoản tặng làm kỷ vật đấy chú ạ". Tiếp theo cuốn album gia đình là những giấy tờ của Hội Văn nghệ. Tôi đọc ra sau sự cẩn trọng của cụ cái ý ký thác, tiếc nuối, như một câu Kiều rằng "Của tin còn một chút này…". Người già sống bằng ký ức, cụ bà Châu bảo những đêm ít ngủ, chuyện về các ông nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, nhạc sĩ Văn Cao... lại trở dậy. Tôi im lặng cùng cụ ngắm phố, ngắm từng dòng người qua lại, rồi nghe đoạn xa ngái, cô thôn nữ sinh ở làng hoa Ngọc Hà lấy chồng, theo kháng chiến đi khắp nơi. Cụ ông đã ghi công cụ: "Mặc sương nắng, mặc đạn bom/Khu Tư, Việt Bắc chẳng chồn bước chân/Nam Cao giặc giết Ý Yên/Đưa lên Văn nghệ con anh an toàn/Kìa Tam Điệp, nọ Rừng Ngang/Mã giang thác đổ, Đà giang sóng cồn/Thao Lô bát ngát mây vờn/Con đường ngàn dặm sắt son lời thề…".

- Bà ơi, "Nam Cao giặc giết Ý Yên/Đưa lên văn nghệ con anh an toàn" là sao ạ? - tôi hỏi.

- Ông Nam Cao cùng ở Văn nghệ với ông Châu nhà tôi. Quê ông ấy lúc đó là vùng địch đang chiếm đóng, vợ và các con đều kẹt trong vùng tề không ra được. Ông Nam Cao đi công tác ở Ý Yên thì bị phục kích. Các ông ở Văn nghệ nhắn với bà Nam Cao đưa hai cháu lớn ra vùng tự do, để đi học. Chứ ông ấy mất rồi, một mình bà ấy nách nuôi mấy đứa con vất vả. Bà ấy chỉ cho được một đứa thứ hai đi, còn con bé lớn phải ở lại giữ em cho mẹ kiếm sống… Thằng bé tên là Thiên, đến Xích Thổ thì ông Châu, lúc đó là Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ có chi nhánh ở Liên khu III, đón về nhà, ở đường 12 (Lạc Thủy - Hòa Bình). Nó gầy gò, bé như đứa trẻ mới lên 7. Tôi cõng đi bộ, dọc đường nó hỏi: "Sao biệt kích bắn bố cháu mà bộ đội không về bắn chết nó đi?". Tôi cứ lặng cả người không biết trả lời sao, chỉ có nước mắt chảy dài thương thằng bé sớm chịu cảnh côi cút.

Còn cha môi đỏ như son… Cụ bà thốt lên rồi quay đi. Tôi bất giác nhớ tới câu thơ của Nguyễn Khuyến "Tuổi già hạt lệ như sương". Rồi lại chuyện gặp xe trâu, cụ xin cho thằng bé ngồi nhờ, còn mình đi bên cạnh. Bao ngày mới tới được Đoan Hùng, phải bò qua cầu treo. Cầu thì cao, đi cứ dập dình, dập dình, máy bay nó mà tới thì chỉ có chết. Mình chết các con còn nhỏ dại, ai nuôi? Còn thằng Thiên, tang cha vẫn trở trên đầu… Rồi cũng qua chú ạ.

Gió Hồ Tây thổi về cuốn theo từng chiếc lá trên hè phố. Tiếng còi xe trên con phố buổi tan tầm như những nhát kéo cắt câu chuyện thành những mảnh của trò chơi Trí Uẩn, bắt người ta phải lắp ghép ký ức. Miên man trong các kỷ niệm, bất chợt cụ bà cười móm mém quay lại câu chuyện: "Chú có biết thằng Thiên không? Tôi tưởng chú biết nó, hay khi nào có gặp nó, chú nhắn lại là tôi vẫn còn sống, tôi ở đây, nó có rỗi lúc nào qua chơi với tôi".

Tôi không biết người con của nhà văn Nam Cao tên là Thiên ấy. Hơn 50 năm rồi, giờ có lẽ ông cũng đã ngoài sáu mươi. Nhưng tôi mong rằng, khi đọc bài này, ông sẽ tìm tới để lại làm "chú bé" bên cụ bà Ngô Quang Châu.

Kiều Mai Sơn

- - - - - - - -

Về cuộc thi viết “Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”

Cuộc thi còn hai chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2009 và 2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.

Địa chỉ email: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Phông chữ VnArial. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.

BTC

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngô Quang Châu - Người chiếm lễ đài địch ngày 17-8-1945

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.