Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Tiên Hội

LANHUONG| 31/05/2005 10:06

(HNMĐT) - Làng Tiên Hội nay là một trong sáu thôn của xã Đông Hội, huyện Đông Anh; đầu thế kỷ XIX là một xã độc lập thuộc tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ 1831 là tỉnh Bác Ninh).

(HNMĐT) - Làng Tiên Hội nay là một trong sáu thôn của xã Đông Hội, huyện Đông Anh; đầu thế kỷ XIX là một xã độc lập thuộc tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ 1831 là tỉnh Bác Ninh).

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, vẫn là một xã độc lập. Từ năm 1949, xã nhập với các xã: Hội Phụ, Song Đông (Đông Ngàn, Đông Trù) thành xã Đông Hội, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ tháng 6 - 1961, xã Đông Hội cùng một số xã của huyện Từ Sơn được chuyển về Hà Nội.

Tiên Hội ở phía Bắc xã Đông Hội. Đây là một làng cổ, từng được truyền thuyết nhắc đến gắn với việc xây thành xây thành Cổ Loa nơi các nàng tiên vào ban đêm từ trên trời bay xuống, tụ họp lại thành đàn để gánh đất giúp An Dương Vương. Song cứ đến nửa đêm, yêu quái lại hóa thành gà trắng cất tiếng gáy báo sáng. Các nàng tiên tưởng trời sáng thật vội bay lên trời, đoạn thành do các nàng tiên xây đắp lại bị phá nên thành xây mãi chẳng xong. Về sau, An Dương Vương nhờ thần Kim Quy diệt gà trắng nên công vịêc của các nàng tiên mới không bị bỏ dở như trước. Nơi các nàng tiên họp lại để đi gánh đất gọi là Quần Tiên hay Tiên Hội, chính là gốc của làng bây giờ. 

Vì thế, đến nay, dân làng vẫn có tục không nuôi gà trắng. Năm 1960, đã phát hiện Di chỉ khảo cổ học Tiên Hội với trên 50 hiện vật, gồm vỏ trấu hình tròn, mảnh chõ xôi, hạt trám, tượng đầu bò, xương trâu, xương lợn, lưỡi câu bằng đồng mũi tên đồng, mảnh gốm có dấu đồ đan... Niên đại của di chỉ cách ngày nay trên dưới 3000 năm, chứng tỏ thời đó, người Tiên Hội đã cư trú đông đúc, sống bằng nghề trồng lúa, chăn nuôi, săn bắt và săn bắt, làm gốm. Có thuyết cho rằng, lớp cư dân này vốn là những nhân công được huy động để đắp thành Cổ Loa, sau khi thành xây xong vẫn ở lại lập thành làng xóm.

Trước Cách mạng, dân làng tiên Hội sống chủ yếu bằng nông nghiệp, có kinh nghiệm trồng khoai sọ - loại khoai cho năng suất cao, củ trắng, nhiều bột và thơm. Ngoài ra còn có cây thầu dầu để ép làm dầu thắp. Về chăn nuôi, dân làng có kinh nghiệm nuôi lợn ỷ chân thấp, nhiều thịt nạc, lợn Sông Đà chân cao, mau lớn, nhiều mỡ. Các nghề thủ công nổi bật là nghề ép thầu dầu trên máy quay tay trục gỗ lót sắt. Xưa kia, những người làm nghề lập thành phường ép dầu để giúp nhau sản xuất, có miếu thờ tổ nghề ép dầu ở cạnh chùa.

Làng Tiên Hội gồm nhiều dòng họ: Đặng, Lê, Ngô, Nguyễn, Bùi. Khu cư trú được quy hoạch theo kiểu chữ “Điền”: đường làng gồm hai trục chính hình chữ “Thập”. Từ trục đường chính này có các ngõ đi về ba xóm: xóm Trên (có cổng Nổ), xóm Bàng (cổng Bàng) và xóm Đình (cổng Đình). Trai đinh trong làng được chia thành hai giáp: Đông và Đoài. Năm 1926, làng chỉ có 688 nhân khẩu.

Làng Tiên Hội có ngôi đình được dựng lại vào năm Bính Tý đời Bảo Đại (1936). Đình gồm ba gian, hai dĩ, thờ Cao Na, tương truyền là cháu của tướng quân Cao Lỗ. Ông là người văn võ toàn tài, được An Dương Vương cử làm Đô Thống nguyên soái, tham gia nhiều trận đánh nhau với quân của Triệu Đà, lập được nhiều công. Ông đã nhiều lần hành quân qua đất Tiên Hội nên sau khi chết được được dân làng tôn làm thành hoàng. Lễ thần được tổ chức chính vào ngày mồng 10 tháng Ba.

Làng Tiên Hội xưa kết nghĩa với làng Văn Tinh (nay thuộc xã Xuân Canh cùng huyện Đông Anh). Việc kết nghĩa không chỉ đóng khung trong các nghi thức, các dịp hội hè mà còn thêt hiện ở việc giúp nhau khi một trong hai bên có công việc. Năm 1936, Tiên Hội dựng đình, được “Quan Anh” Văn Tinh giúp chuyển gỗ, gạch, đá từ bến đò Xuân Canh về làng.

Tiên Hội có vinh dự lớn được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và trồng cây đa lưu niệm tại đầu làng vào ngày 31 - 01 - 1965.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Tiên Hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.