Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tản mạn nhỏ về một vấn đề lớn

Huy Thịnh| 27/07/2012 10:54

Những chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội làm “nóng” theo chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 5 khóa 14, nhiệm kỳ 2011-2014. PV báo Hànộimới Cuối tuần có cuộc trò chuyện với Giám đốc sở VH,TT&DL Phạm Quang Long xung quanh quy hoạch về văn hoá vừa được trình HĐND thành phố thông qua kỳ này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Lời tòa soạn: Những chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội làm “nóng” theo chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 5 khóa 14, nhiệm kỳ 2011-2014. PV báo Hànộimới Cuối tuần có cuộc trò chuyện với Giám đốc sở VH,TT&DL Phạm Quang Long xung quanh quy hoạch về văn hoá vừa được trình HĐND thành phố thông qua kỳ này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

(?) Thưa đồng chí Giám đốc Sở VH-TT-DL, xin ông nói thật: ông có “run” không khi đóng vai trò người “đi thi” kỳ này, một kỳ thi “khá nặng”?

- Có đôi chút tâm trạng vì tôi cũng là một người bình thường, cũng chịu những tác động của thói thường. Nhưng tôi không lo vì tôi tin vào chất lượng chuẩn bị.

(?) Làm quy hoạch du lịch cũng là chuyện hiểu được. Còn quy hoạch văn hóa, nghe cứ trái tai thế nào đó, thưa ông?

- Tôi không nghĩ như vậy mà cho rằng, mỗi việc có những yêu cầu và nội dung khác nhau nhưng việc nào cũng cần sự lãnh đạo và chỉ đạo. Mà muốn lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt thì cần có quy hoạch, kế hoạch...tùy theo mức độ, quy mô của việc ấy. Nếu không, sẽ thành chung chung hết. Chắc thế nên Chính phủ mới yêu cầu làm quy hoạch hệ thống phát thanh và truyền hình, điều không được quy định trong Nghị định 92. Làm quy hoạch một lĩnh vực nào là để hoạch định sự phát triển của ngành đó theo một định hướng, có mục tiêu cụ thể, lộ trình rõ ràng, có hệ thống giải pháp, có dự liệu chi phí...để sau một thời gian người ta đánh giá được mức độ thành công hay thất bại của quy hoạch ấy. Nói vắn tắt là vậy và theo cách hiểu của tôi thì quy hoạch văn hóa là chuyện hoàn toàn bình thường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

(?) Thì cứ cho là ông có lý đi, nhưng giữa hơn 400 định nghĩa về văn hóa, các ông chọn định nghĩa nào làm cơ sở để xác định nội hàm khái niệm?

- Câu hỏi của anh tôi đã được nghe vài lần. Tôi cũng từng nói có hơn 400 định nghĩa nhưng đó là “ăn gian” theo kiểu nghe nói thôi chứ tôi chưa bao giờ biết đến vài chục định nghĩa mà người ta đã kể. Tôi nghi mấy vị quay tôi về điều này cũng chẳng biết có bao nhiêu đâu. Thời gian đâu, sách đâu mà đọc và đọc để làm gì? Còn chúng tôi tất yếu phải dựa vào định nghĩa về văn hóa theo quan điểm của Đảng về văn hóa và văn hóa Việt Nam. Chúng tôi làm quy hoạch văn hóa cho Hà Nội chứ không cho Mêhicô hay Tây Ban Nha mà bảo phải tìm và dựa vào những định nghĩa văn hóa theo quan điểm của các học giả nước ngoài.

(?) Thế thì làm sao đảm bảo tính khoa học?

- Khoa học có khái niệm và nội hàm chung. Nhưng chúng tôi không quy hoạch văn hóa chung chung mà quy hoạch văn hóa Hà Nội. Mong mọi người hiểu cho điều này.

(?) Văn hóa Hà Nội và chỉ Hà Nội mà thôi?

- Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất có 54 dân tộc anh em, có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm, là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những tinh hoa văn hóa của cả nước và các nền văn hóa khác. Nói đến tính đa văn hóa của Hà Nội hiện nay chắc không được nhiều người ủng hộ nhưng cũng không thể không thừa nhận điều này: tính đa dạng và thống nhất của văn hóa Hà Nội.Quá trình tụ hội, lựa chọn và biến đổi những tính chất, nội dung của các yếu tố ngoại lai và biến nó thành “của mình” của văn hóa Hà Nội khá đậm nét. Như vậy, khi quy hoạch văn hóa Hà Nội phải giới hạn phạm vi hành chính của Hà Nội, cái giới hạn ấy ở góc độ đơn vị hành chính có ý nghĩa tuyệt đối còn ở góc độ văn hóa thì không mang ý nghĩa ấy. Phở Hà Nội, như các nhà nghiên cứu đã chứng minh, không có nguồn gốc từ Hà Nội, nhưng bây giờ không có phở ở đâu ngon bằng phở Hà Nội. Gần hơn là miến lươn Nghệ An đang bị “Hà Nội hóa” mà vẫn được mọi người chấp nhận.

(?) Tôi muốn nói đến những nội dung thuộc phạm vi quy hoạch rộng, có cái rất khó xác định nội hàm. Vậy thưa, các ông làm thế nào để giải quyết bài toán này?

- Vâng, quả có thế. Chúng tôi dựa vào những nội dung chủ yếu mà Chiến lược văn hóa Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng quy hoạch.

(?) Các ông không xây dựng quy hoạch theo cấu trúc của lĩnh vực?


- Không, bởi vì mấy lý do sau: thứ nhất, người ta có thể chọn cách tiếp cận đối tượng để hiểu nó theo cách này nhưng nếu để giải quyết những việc cụ thể thuộc về đối tượng thì có khi phải chọn cách thức khác. Thứ hai, nếu xây dựng quy hoạch phát triển văn hóa từ góc độ cấu trúc của văn hóa thì sẽ phải đi theo một hướng khác mà hướng đó phù hợp với một công trình nghiên cứu về mặt lý thuyết về văn hóa hơn là một quy hoạch để xử lý các vấn đề gắn với mặt thực tiễn của lĩnh vực. Nói cụ thể hơn là chúng tôi đặt mục tiêu phát triển một số lĩnh vực của văn hóa nghĩa là quy hoạch nghiêng về phía văn hóa ứng dụng chứ không phải lý thuyết thuần túy.

(?) Năm lĩnh vực chính là tư tưởng, đạo đức, lối sống; di sản văn hóa; thiết chế văn hóa; văn học nghệ thuật và quan hệ hợp tác về văn hóa. Như vậy có cái rất trừu tượng, có cái lại rất cụ thể. Các ông giải quyết bài toán “quy hoạch” với những nội dung rất trừu tượng thế nào, thưa ông?

- Đúng như thế. Các ý kiến khác nhau khi thẩm định quy hoạch cũng xoay quanh vấn đề này. Trong quy hoạch, chúng tôi phân biệt hai lĩnh vực và xử lý theo tính chất của từng loại chứ không giáo điều. Chẳng hạn về tư tưởng, đạo đức, lối sống chúng tôi xác định những nguyên tắc lớn để định hướng chứ không thể xác định các nội dung cụ thể như ở phần di sản hoặc thiết chế được.

(?) Thế thì có khác gì đường lối?

- Vừa giống vừa khác. Giống ở chỗ những mục tiêu ở lĩnh vực này phải được xây dựng trên nền tảng của đường lối văn hóa mà đại hội Đảng đã chỉ ra là lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng xã hội, xây dựng một môi trường văn hóa tiên tiến, tiêu biểu cho những giá trị tinh thần của đất nước, coi văn hóa là sức mạnh nội sinh góp phần phát triển bền vững xã hội, đảm bảo cho mỗi cá nhân được tự do phát triển hài hòa, có đời sống hạnh phúc. Còn điểm gọi là “khác” ở đây là phải xây dựng được văn hóa Hà Nội xứng đáng với vị thế là trung tâm văn hóa đi đầu của cả nước, với truyền thống văn hiến của thủ đô, văn hóa thủ đô phải mang tính biểu tượng cho những giá trị tiên tiến nhất của văn hóa dân tộc...

(?) Thưa, “hoành tráng” thế, liệu có...?

- Đây không phải là chuyện nói cho “kêu”, là chuyện khua chiêng gõ mõ đâu. Nhiều người băn khoăn về chuyện này lắm. Sự xuống cấp của đạo đức, lối sống, sự mất hướng của tư tưởng chính trị, tình trạng nhạt nhòa những khát vọng hướng đến những giá trị sống cao cả làm đau lòng nhiều người, nhưng nhiều người cũng bày tỏ lo ngại, đau xót, bức xúc khi văn hóa thủ đô không xứng đáng với vai trò và vị trí của nó. Về mục tiêu thì phải đặt ra dài hơi, có tầm vóc để phấn đấu còn khi định ra những việc cụ thể để làm thì lại không thể rải mành mành, cái gì cũng nói đến nhưng không đi đến đâu. Phải chọn cái cơ bản, cốt lõi làm gốc rồi từ đó mới “đụng”đến những cái thứ yếu. Mặt khác, khơi dậy trách nhiệm của tổ chức, của cá nhân để tất cả cùng chung tay tạo ra một bước chuyển biến của văn hóa Hà Nội cũng là một trong các mục tiêu của quy hoạch.

(?) Thế có vẻ lại không đầy đủ, không “phủ” hết mọi lĩnh vực rồi, thưa giám đốc?

- Về lĩnh vực thì đủ. Còn chọn cái gì trong lộ trình ấy lại phụ thuộc vào cách thức tổ chức thực hiện.

(?) Trong Quy hoạch việc đánh giá thực trạng văn hoá Hà Nội vẫn lại theo công thức “tuy đã có những thành tựu nhưng vẫn còn bất cập là chưa tương xứng với tiềm lực”…

- Văn phong chính thống có cái quy phạm của nó. Mà nói thế cũng đúng chứ không sai. Riêng cá nhân tôi thì cho rằng, cả ở tầm vĩ mô cũng cần đánh giá thật công bằng từ Trung ương, nhà nước, thành phố đã thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đời sống văn hoá đúng với yêu cầu và vị trí của nó chưa? Nếu văn hoá được coi là động lực, mục tiêu của sự phát triển, là nguồn lực để tạo tiền đề phát triển bền vững thì nhà nước đã đầu tư cá nhân chỉ đạo, tập thể lãnh đạo, các cấp chính quyền vào cuộc, đầu tư kinh phí… cho lĩnh vực này như thế nào, như thế đủ hay thiếu, hay mới chỉ nói thế thôi và đầu tư cũng như hoặc kém hơn các ngành khác? Tôi chưa thấy cấp nào kiểm điểm kỹ và chỉ ra nguyên nhân cụ thể thuộc về ai, do đâu mà chỉ nói là một số cấp, ngành và cơ quan chuyên ngành có khuyết điểm thôi. Nói như thế tôi chịu về mặt tổ chức và quả thực mình cũng có trách nhiệm về sự yếu kém này nhưng từ góc độ công dân, tôi cho là chưa sòng phẳng. Phải nhìn vấn đề từ gốc và sửa sai từ gốc chứ cứ loay hoay đi sửa chữa ở cấp dưới, cơ sở nghĩa là ở khâu ít quan trọng nhất sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu đâu.

(?) Ông là Tư lệnh lĩnh vực cơ mà, đổ trách nhiệm cho ai?

- Tôi không trốn tránh trách nhiệm, thậm chí sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật nếu việc tôi làm yếu kém chỉ do tôi. Đằng này, công việc của cả xã hội, mọi cấp ngành vào cuộc còn không xong. Vậy cái gốc là ở cơ chế chưa rõ, chưa trúng, chưa đủ để cho người ta thực thi công vụ.

(?) Tạm hậu xét điều này. Xin hỏi ông giám đốc vấn đề con người. Theo tôi, ba trụ cột tạo nên văn hóa của một vùng, một đất nước, một dân tộc là điều kiện tự nhiên, con người, đời sống của họ. Tại sao trong quy hoạch không có mục riêng cho con người Hà Nội?

- Không có mục riêng mà trong toàn bộ quy hoạch, ở chỗ nào cũng nói đến con người và mục tiêu xây dựng con người nhưng nó “ẩn” đằng sau những nội dung khác.

(?) Người Hà Nội thanh lịch văn minh, phải không, thưa ông?

- Có cái đó nhưng không phải chỉ là cái đó. Cái mà cha ông ta gọi là thanh lịch, văn minh như một nét đặc thù, một giá trị của người Hà Nội xưa vẫn được nói đến nhưng không phải chỉ có thế. Bởi đây là vấn đề cực lớn. Cũng như vấn đề gia đình. Tôi cho rằng nếu không có những con người mang những phẩm chất mới, chứ không phải chỉ có thanh lịch văn minh, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn lịch sử này thì khó nói đến thành công của công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế như ta mong muốn.

(?) Thưa ông, sao vấn đề lớn như vậy mà trong quy hoạch không được nêu ra?

- Cũng chỉ vì quá khó thôi. Tôi lấy ví dụ: sau cách mạng tháng 8 năm 1945, hơn 80% dân nước ta là nông dân. Để có thể tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, Bác Hồ kêu gọi xây dựng con người mới với ý thức công dân mới, những phẩm chất mới và thế hệ những công dân mới ấy đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Khi xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác cũng nói đến “con người mới xã hội chủ nghĩa”. Bây giờ, thể chế xã hội ta là “cộng hòa xã hội chủ nghĩa”, nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, 5 thành phần kinh tế cùng song song tồn tại. Hiện xã hội ta đang thiếu những mẫu người của thời đại, mẫu người không chỉ tiêu biểu cho một phẩm chất, đáp ứng một vài yêu cầu nào đó mà là con người Việt Nam đủ tri thức, phẩm chất, bản lĩnh, năng lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Con người đó phải được cả xã hội ủng hộ, tôn vinh và noi theo, nghĩa là con người đó phải mang ý nghĩa tiêu biểu, mang tính biểu tượng của con người thời đại. Về mẫu người ấy, cá nhân tôi đã thấy nhưng ít quá, chưa trở thành một lực lượng xã hội nên chưa thể đưa ra trong quy hoạch này.

(?) Hà Nội bây giờ có cả vùng sâu, vùng xa, có người dân tộc, sự chênh lệch về mức sống, sự khác nhau về phong tục, tập quán... được Sở VH-TT-DL xử lý thế nào trong quy hoạch này, thưa Giám đốc?

- Trong quy hoạch có nói đến những hướng lớn để bảo tồn các giá trị văn hóa của các vùng, tiểu vùng, các dân tộc. Sự đa dạng văn hóa và sự bình đẳng văn hóa của các vùng, tiểu vùng, các dân tộc đều được đảm bảo trong định hướng và lộ trình bảo tồn, phát triển cả ở các khâu chính sách, điều kiện thực hiện, đầu tư kinh phí, các dự án...cụ thể. Chúng ta đang có chương trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển đồng bộ các vùng miền...nghĩa là để xóa dần khoảng cách về mức sống, nhu cầu bình đẳng trong hưởng thụ các chế độ an sinh xã hội, trong đó có văn hóa là nhiệm vụ của toàn xã hội chứ không phải chỉ của riêng ngành văn hóa dù điều đó có trong quy hoạch này. Quy hoạch chỉ nói đến phần việc của mình trong mối quan hệ thống nhất với các quy hoạch khác mà thôi.

(?) Thưa, tôi thấy người ta phàn nàn nhiều về tình trạng thiếu định hướng trong quá trình tiếp biến văn hóa...

- Người ta thấy thế là đúng nhưng ai dám khẳng định rằng để đánh giá một định hướng cần thời gian bao lâu mới có thể kiểm nghiệm đánh giá ấy đúng hay sai? Tốc độ phát triển của thời đại ngày nay không phải theo kiểu “một ngày bằng hai mươi năm” theo nghĩa đen của từ này mà nó diễn ra đồng thời, ồ ạt, theo những con đường rất khó nắm bắt. Các xu hướng khác nhau, thậm chí đối lập nhau, vừa phủ nhận nhau, vừa tiếp thu nhau để cộng sinh là chuyện thường gặp. Về quan hệ quốc tế còn khó dự báo thì xu hướng phát triển của văn hóa lại càng phức tạp. Chỉ có điều này có thể khẳng định: văn hóa thời nay “động” hơn, hình thành, phát triển, biến mất hoặc biến đổi cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Sự dung hợp các trường phái khác nhau, sự “thỏa hiệp” cũng diễn ra êm thấm hơn vì nước ta cũng ký cam kết về sự đa dạng văn hóa rồi nên từ chính sách của nhà nước đến cách ứng xử của mỗi cá nhân, tổ chức với một nền văn hóa khác trong quá trình giao lưu, tiếp biến cũng diễn ra “hòa bình” hơn. Điều này giới nghiên cứu cũng chưa có sự tổng kết, đánh giá thuyết phục nên chúng tôi chưa thể “liều lĩnh” đưa những kiến thức còn nông cạn của mình vào quy hoạch. Ở đây đành theo các cụ không biết thì nói là không biết chứ không thể không biết lại nói là biết vậy.

(?) Theo ông, việc xây dựng hệ thống các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa tốn nhiều tiền của mà không đem lại hiệu quả có phải là chuyện thiếu tính toán và lãng phí không?

- Có không ít người đã nêu ra vấn đề này nhưng tôi nghĩ khác: ngay cả trong cơ chế thị trường hoàn hảo nhất cũng không thể bỏ qua việc cần đầu tư cho những hạng mục như vậy. Cũng như giáo dục và đào tạo thôi. Có nơi chỉ đào tạo những gì cơ chế thị trường cần nhưng cũng phải có cơ quan đào tạo những gì thị trường không cần nhưng đất nước cần, văn hóa dân tộc cần, tương lai con em chúng ta cần. Khoa học xã hội và nhân văn mà có nhà giáo gọi là “những môn học cần để làm người” nếu bỏ đi vì không đem lại lợi ích vật chất thì đến một lúc nào đó những thành quả công nghệ thuần túy, của nền kỹ trị sẽ đem lại những khủng hoảng xã hội mới và khi đó, sự tàn phá của nó khủng khiếp lắm. Hệ thống thiết chế cũng như di sản cần cho bây giờ, cần cho tương lai. Vậy, phải đầu tư thôi. Còn nó chưa hiệu quả thì cần tập trung tìm ra những phương thức để nó hiệu quả hơn chứ không phải thấy thế thì bỏ đi.

(?) Người ta nói rằng các ta đang nằm trên đống vàng ròng là di sản nhưng không biết khai thác nó mà lại làm cho nó hao hụt dần. Trong quy hoạch, giải bài toán ấy thế nào, thưa ông?

- Về cơ bản, tôi đồng tình với nhận xét ấy nhưng nếu chỉ như thế thôi cũng “khí oan” cho ngành. Di sản của ông cha, là vô giá nhưng, cũng như tiền bạc, quý hơn tiền bạc thì phải có chủ nhân cụ thể chứ cứ bảo của chung mọi người sẽ khó giữ được. Tôi nói như ca trù đấy. Quý thì quý thật nhưng có mấy ai bây giờ hiểu và đi nghe ca trù? Nghệ thuật truyền thống là tinh hoa của cha ông truyền lại nhưng bây giờ có bao nhiêu người học và làm nghề này? Nhà nước không có chính sách thích hợp, người dân ít quan tâm, sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn khác...ngày càng gay gắt, thị hiếu thẩm mĩ thay đổi thì những người làm nghề cũng chỉ loay hoay trong vô vọng thôi. Đây cũng là quy luật. Kịch cổ điển làm rạng rỡ văn hóa châu Âu nhưng bây giờ có ai dựng kịch cổ điển nữa? Ngay cả nhạc cổ điển bây giờ cũng ít công chúng nữa là. Do đó, cần nhìn nhận hiện tượng này như những sản phẩm mang tính lịch sử. Nó xuất hiện, thực hiện vai trò của nó rồi thì phải chuyển sang cái khác. Như bông hoa ấy. Nó hàm tiếu, mọi người thấy tuyệt đẹp. Nó nở, người ta thấy rực rỡ và nếu muốn thưởng thức, phải cắt nó, về cắm trong bình. Để yên trên cây, nó sẽ thành quả. Cắt về rồi cũng phải bỏ đi. Để thành quả, nó đã thành thứ khác và người ta sẽ đón nhận nó theo tâm thế khác. Đối với di sản văn hóa cũng vậy. Ở đây cần tránh mọi cái nhìn giản đơn, ảo tưởng vì cách nào cũng gây hại cho xã hội.

(?) Thế, thì tiếc nhỉ?

- Không. Phải chọn cách khác. Cái gì cần giữ thì giữ bằng được, giữ có bài bản, lâu dài. Cái gì không cần, phải chấp nhận để nó tự đào thải. Sự tiếp biến, phái sinh của những giá trị mới trên cơ sở cái cũ sẽ hình thành, khẳng định, rồi lại bị vượt qua và cứ qua mỗi bước như vậy, văn hóa lại đồng hành cùng đời sống.

(?) Xin hỏi ông câu cuối: ông có tin vào sự thành công của quy hoạch và văn hóa Hà Nội sẽ có những thay đổi?

- Tôi tin không phải vì mình có tham gia vào việc này mà tôi tin vào những cơ sở đã được tính toán, những công việc đã được hoạch định, vào sự chỉ đạo của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội và của nhân dân. Ngoài những thứ mang tính chính quy ấy, tôi còn tin vào điều này nữa: mỗi người chúng ta đã nhận thức ra rằng nếu không thay đổi, không vào cuộc thì mỗi người chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả đầu tiên và con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu mọi sai lầm, tội lỗi của ông cha chúng. Không ai có thể dửng dưng trước điều đó, không ai có thể yên lòng khi biết trước một tương lai không tốt đẹp gì sẽ đến với mình và người thân của mình. Nói như cha ông ta thì, nước đến chân rồi, đất dưới chân đã nóng lên rồi, không hành động thì sẽ không kịp mất. Nhưng tôi không cuống, tôi chỉ thấy vấn đề cấp bách thôi. Cùng rồi, tất sẽ biến. Sau biến, sẽ thông. Điều đó ai cũng thấy.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tản mạn nhỏ về một vấn đề lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.