Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư lớn nhưng sẽ xứng tầm

Tuyết Minh| 08/10/2012 10:16

(HNMO)- Sau khi UBND TP. Hà Nội có quyết định phê duyệt về thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Đã có nhiều ý kiến cho rằng hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội còn rất sơ sài, số khách tham quan thưa thớt, liệu có xứng tầm với con số đầu tư?



(HNMO)- Sau khi UBND TP. Hà Nội có quyết định phê duyệt về thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội, tổng chi phí đầu tư phần nội dung trưng bày dự kiến lên đến hơn 775 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước. Đã có nhiều ý kiến cho rằng hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội còn rất sơ sài, số khách tham quan thưa thớt, liệu có xứng tầm với con số đầu tư? PV HNMO đã gặp gỡ lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề này.

Vì sao Bảo tàng Hà Nội vẫn còn vắng khách?

Theo thống kê, tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2012, Bảo tàng Hà Nội đã đón 52.498 lượt khách tham quan, con số này chủ yếu là là học sinh, sinh viên các trường đại học và khách du lịch, chiếm khoảng 2/3 lượng khách, 1/3 là khách tự do đến vào các ngày nghỉ. Con số này chưa phải nhiều nhưng cũng không quá ít.

Nếu nói lượng khách tham quan bảo tàng vắng thì cũng có nhiều lý do. Lý do chính là giai đoạn này Bảo tàng Hà Nội mới được thành phố phê duyệt thiết kế tổng thể nội dung trưng bày và bây giờ mới đi vào thiết kế chi tiết.

Hơn nữa, con số 775 tỷ được duyệt cho dự án đó không phải do Bảo tàng Hà Nội được quản lý tùy ý chi tiêu. Thành phố Hà Nội đã lập riêng một Ban quản lý dự án để phối hợp cùng các Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở VH,TT&DL lên phương án thi công trưng bày sao cho xứng tầm. Bảo tàng chỉ làm công tác chuyên môn là sưu tầm, lưu giữ và bảo quản hiện vật.



Hiện nay, công tác thu mua hiện vật là khó khăn nhất vì việc này không có văn bản quy định về cơ chế cũng như định mức. Giá các cổ vật là giá thỏa thuận, phụ thuộc vào người bán. Là giá dao động rất khó xác định và tùy thuộc vào thị trường của từng vùng, từng khu vực, phụ thuộc vào chủ quan của người đánh giá, vào giá trị hiện vật (giá trị độc bản, giá trị quý hiếm…). Thực tế, giữa Hội đồng giám định và các nhà sưu tập tư nhân khi định giá cho cùng một hiện vật đã có sự chênh lệch lớn. Hơn nữa, trình tự thủ tục qua nhiều khâu, nhiều cấp nên kéo dài thời gian, bỏ lỡ các cơ hội mua được hiện vật cần thiết.

Một yếu tố không nhỏ để có thể hoàn thành dự án đó là nếu đã có đủ 60% hiện vật để trưng bày, nhưng con số 30% hiện vật còn lại là hiện vật quý hiếm thì mới khó. Quan trọng là số hiện vật đạt tiêu chuẩn, chất lượng về lịch sử để trưng bày. Vì hiện vật phải giúp truyền tải lịch sử đến người xem.

Theo ông Nguyễn Tiến Đà, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Nội chia sẻ: “Cá nhân tôi cũng cho rằng, khách vào xem Bảo tàng không nhất thiết phải đông như siêu thị. Ở nước ngoài cũng vậy, người đến xem bảo tàng đông khách hơn của Việt Nam nhiều, nhưng tôi thấy chủ yếu là khách du lịch chứ cũng không hẳn là người dân bản địa”.

Bảo tàng vắng khách cũng có nhiều yếu tố khách quan, không phải chỉ riêng việc bảo tàng không đủ hiện vật trưng bày hay hiện vật không đủ sức hấp dẫn mà còn có cả yếu tố xã hội. Các gia đình giờ rất bận bịu với việc con cái học hành, làm ăn, thời gian dành cho gia đình rất ít. Kinh tế đất nước cũng đang khó khăn thì họ cũng không nghĩ đến việc đi tham quan bảo tàng. Nếu có họ cũng chỉ nghĩ đến cho con ra Bảo tàng Dân tộc vì vừa xem vừa có chỗ chơi. Hoặc họ đưa con cái lên các khu du lịch giải trí quanh Hà Nội như Sơn Tây, Ba Vì…chứ ít khi nghĩ đến cho con đi tham quan Bảo tàng. Đây là yếu tố định hình nét văn hóa ở nước ta chưa nhiều.



Việc sưu tầm hiện vật chỉ mới bắt đầu

Theo ông Nguyễn Tiến Đà, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết thêm, hiện nay dự án Bảo tàng Hà Nội mới hoàn thành xong giai đoạn 1, và bắt đầu vào Giai đoạn 2 – giai đoạn sưu tầm hiện vật và trưng bày. Đến khi đã có đầy đủ hiện vật đảm bảo nội dung thì việc trưng bày sẽ rất nhanh.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Đinh Thị Bích Ngọc đến 2015 dự án phải hoàn thành, trong khi có đến 13 hạng mục trong kế hoạch tổng thể nội dung trưng bày của Bảo tàng Hà Nội đã và đang được thực hiện, trong đó việc sưu tầm hiện vật được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, đến tháng 12-2014 sẽ hoàn thành giai đoạn thi công theo thiết kế định sẵn. Phần nội dung trưng bày do Công ty Story INC (New Zealand) tư vấn thiết kế và chủ đầu tư là Sở Xây dựng Hà Nội.



Theo thiết kế, Bảo tàng Hà Nội sẽ có bốn tầng trưng bày hiện vật và một khu vực trưng bày ngoài trời. Tại sảnh tầng một, bảo tàng sẽ trưng bày hình ảnh rồng thiêng được coi là biểu tượng gắn liền với chiều dài lịch sử văn hóa của Hà Nội. Tầng hai dùng để trưng bày đặc điểm tự nhiên Hà Nội, thời tiền Thăng Long... Lịch sử kinh đô Thăng Long - Hà Nội từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20 được trưng bày tại khu vực tầng ba. Tầng bốn sẽ trưng bày hình ảnh, hiện vật về Hà Nội trong những năm tháng chống Pháp, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội trong những ngày gánh chịu đạn bom của máy bay Mỹ... đến thời kỳ đổi mới.

Quy hoạch tổng thể trưng bày thì đã có rồi, nhưng thời gian tới mới đi vào chi tiết để tổ chức hiện vật trưng bày. Theo thống kê của Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng hiện đang nắm giữ và quản lý hơn 6000 hiện vật không phải là không đủ để trưng bày, nhưng bảo tàng muốn trưng bày phải liên quan đến một giai đoạn lịch sử nào đó, nghĩa là phải nêu bật được ý nghĩa lịch sử giai đoạn đó của Hà Nội.

Trước đây, năm 2009, thành phố Hà Nội đã từng tổ chức lễ phát động hiến tặng hiện vật. Tới đây, Ban lãnh đạo bảo tàng cũng sẽ đưa ra một chiến dịch phát động về đến tận các huyện, xã, phường…đồng thời có chế độ khen thưởng đi kèm cụ thể thì chắc chắn sẽ hiệu quả vì hiện vật trong dân còn rất phong phú.

Ông Nguyễn Tiến Đà cho biết thêm, có lẽ do đất nước đang trong thời điểm kinh tế khó khăn, nghe con số đầu tư cho một công trình văn hóa lớn như vậy thường thấy bất hợp lý. Tuy nhiên, Bảo tàng là một thiết chế văn hóa để phục vụ cộng đồng và dành cho mai sau. Nếu nghĩ rộng ra một chút thì không phải chỉ những công trình nhìn thấy trước mắt như điện, đường, trường, trạm…mới là có ích cho xã hội. Bảo tàng là một công trình lưu giữ những giai đoạn lịch sử, nếu bây giờ không làm, tôi e rằng sau này có tiền cũng không thể lưu giữ được.

Để đảm bảo được tiến độ dự án, ngoài việc tích cực sưu tầm hiện vật, Bảo tàng cũng đã có phương án 2, nếu trong trường hợp một số hiện vật quan trọng không còn thì cũng trình lên các nhà khoa học, giới chuyên môn để tiến hành phục chế. Ban giám đốc Bảo tàng Hà Nội cũng đang tích cực xây dựng một website riêng về bảo tàng để giúp mọi người có nhu cầu tìm hiểu về bảo tàng có thể tìm kiếm, đọc thông tin, bài viết về các hiện vật của Hà Nội một cách dễ dàng.

Chắc chắn sẽ đạt tiến độ để hoàn thành việc trưng bày tại bảo tàng vào tháng 12/2014 và đón khách tham quan từ 2015. Đảm bảo khi nào xong mọi người sẽ thấy xứng tầm với số tiền đầu tư vì nó rất cầu kỳ và sẽ làm hài lòng mọi người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư lớn nhưng sẽ xứng tầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.