Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình yêu dưới làn bom Mỹ

Tuệ Diễm| 30/12/2012 06:33

(HNM) - 40 năm trước, dưới làn bom B-52 xé bầu trời Hà Nội, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, họ đã ôm chặt nhau và thề ước chờ ngày đất nước thống nhất thì làm đám cưới.

40 năm sau, chúng tôi tìm về ngôi nhà trên đường Tân Canh, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh để được nghe kể lại câu chuyện tình vượt qua biết bao gian nan thử thách giữa Nhà giáo nhân dân (NGND) Hà Quang Văn, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh (nay là ĐH Sân khấu - Điện ảnh) và vợ Xuân Nga.

Đám cưới vợ chồng thầy Hà Quang Văn năm 1977.

Chàng trai Hà Nội bén duyên cô gái miền Nam

Nhà giáo Hà Quang Văn, sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con trai của nghệ sĩ cải lương Ái Liên, một thời nổi tiếng đất Bắc, cùng thời với NSND Phùng Há. Lên 5 tuổi, cậu bé Văn đã ngấm máu cầm ca. Năm 1962, Quang Văn gia nhập Đoàn cải lương Nam bộ, diễn văn nghệ phục vụ bà con ở các vùng sơ tán, các quân khu. Còn Xuân Nga, sinh trưởng trong gia đình người miền Nam, bố mẹ là tình báo viên phải gửi Nga ra học Trường Học sinh miền Nam tại Vĩnh Phúc. NGND Hà Quang Văn nhớ lại, đầu năm 1970, sau giờ diễn tại trường, ông đi rửa mặt thì bị một cô học sinh mắt to nghịch ngợm ngáng lối đi. "Lúc đó tôi còn chưa kịp hỏi tên cô gái, chỉ kịp nhìn nhau quá ánh mắt to tròn đã phải đi rồi. Mấy tháng sau Xuân Nga về Hà Nội để gặp đoàn dũng sĩ miền Nam ra Bắc dưỡng thương, đúng dịp đoàn cải lương của tôi đang biểu diễn cho các chiến sĩ. Lúc này tôi mới lấn tới làm quen, và…".

Lật hơn 100 bức thư tay của người chồng mình bây giờ, bà Xuân Nga tủm tỉm: "Lá thư đầu tiên anh Văn gửi bị cả hội đồng nhà trường đọc để xét nhưng đọc hết 2 trang không thấy một từ "yêu" nào mới cho về lớp. Đều đặn 1-2 tuần tôi lại nhận được thư, mỗi lần có thư là bị mời lên…". Ngày ấy, chuyện yêu đương khó khăn lắm. Bởi trót thương nên bà Nga một mình chịu đựng. Niềm an ủi duy nhất là những cánh thư vẫn đến đều đặn, tình cảm ấm áp của chàng trai Hà Nội, đã thắp lửa lòng trong tim cô học sinh miền Nam, giúp cô có động lực học tập khi phải sống xa nhà và thiếu thốn tình cảm gia đình. Cuối năm 1971, Xuân Nga được đài phát thanh mời về Hà Nội để thu âm bài hát với chủ đề "Tiếng hát học sinh miền Nam gửi về quê nhà". Bà đã tìm gặp thầy Văn để xin bài hát do thầy sáng tác thu âm. Từ đó họ mới có khoảng thời gian hẹn hò, chở nhau trên xe đạp đi dạo khắp phố phường Hà Nội.  

Phố phường Hà Nội sau một trận bom B-52.

Tỏ tình dưới làn bom 

Khi có hiệp định ngừng bắn giữa hai chiến tuyến, ông Hà Quang Văn cùng đoàn văn công có nhiệm vụ mang nghệ thuật đến phục vụ đồng bào ở vùng ranh giới hai bên tuyến lửa nên phải xa Hà Nội. Lúc này bà Nga học năm cuối và thi đỗ đại học với 29 điểm, được Nhà nước cho đi du học. Đoàn đã tập kết tại Thái Nguyên thì có yêu cầu thay đổi, ở lại đất nước học một năm ngoại ngữ. Khi quay về Trường Học sinh miền Nam thì trường phải sơ tán ra Tam Đảo, bà Nga phải tìm về xin xác nhận chưa đi du học và chờ học ngoại ngữ nhưng lại đúng thời điểm Mỹ chuẩn bị ném bom vào Hà Nội. Bởi sự thay đổi đột ngột, bà Nga không có tên trong danh sách của trường, tem phiếu không được cấp nên bơ vơ giữa Hà Nội. Bà Nga tìm đến gia đình người yêu dù cả năm trời không hề liên lạc, không gặp được ông Văn nhưng được người cha của ông giữ lại. Trong ký ức của bà Nga suốt đời không thể quên những ngày bám trụ tại Thủ đô. Bà nghèn nghẹn: "Hà Nội lúc này như ti vi tắt màn hình, sau đó tiếng thông báo máy bay địch đang cách Hà Nội 20km.., tiếng còi hú rồi cả trời đất rung chuyển lắc lư tựa hồ chui vào chiếc lu rồi bị người khác lăn qua lăn lại. Ba anh Văn đẩy tôi vào hầm, đến cửa hầm rồi quay lại, tôi kéo ông vào hầm nhưng ông la lớn: "Con chui vào hầm đi, con còn trẻ, còn tương lai của con, phải sống để chờ ngày đất nước hòa bình trở về miền Nam thăm bố mẹ. Nói xong ông cụ đi vào phòng ngủ, dựng hai cái giường vào nhau như cái hầm chữ A, lôi hết chăn, quần áo xung quanh mình, ông nói rất điềm nhiên rằng cuộn đồ mềm làm cho mình êm, chết không đau. Tiếng bom rền, muốn mở cửa kéo ông xuống nhưng hơi bom dồn làm sập cái rầm cửa hầm không tài nào mở ra được".

Suốt những ngày máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, ông Hà Quang Văn cứ đứng ngồi không yên. "Tối 26-12-1972 tôi nhận được điện khẩn của bố: "Nga, học sinh miền Nam đang ở tại nhà mình". Thế là tôi xách xe đạp chạy một mạch 40km về Hà Nội giữa làn mưa bom bão đạn. Lúc đó cảm giác như bom nó đuổi theo tôi vậy. Về đến nhà, sức ép bom hất tôi về phía hầm trú ẩn. Lúc đó Nga cũng vừa chui lên. Thế là chúng tôi ôm lấy nhau và… hôn nhau, kệ bom kệ đạn!". Ông Hà Quang Văn vừa kể, vừa nhìn vợ âu yếm.

Sau đêm đó, có lệnh sơ tán toàn Hà Nội, ông Văn đưa bố và Xuân Nga đi lên lại Hòa Bình. Ngày đi, ba người không cầm nổi nước mắt khi nhìn cả khu phố Khâm Thiên hoang tàn trong đống đổ nát. Từ đó Hà Quang Văn tiếp tục xách ba lô cùng đoàn văn công phục vụ chiến trường. Bà Xuân Nga không sang Liên Xô du học, tiếp tục làm sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Hai người quyết giữ lời thề đợi ngày đất nước hòa bình, thống nhất sẽ làm đám cưới.

Đầu năm 1976, đèo nhau trên xe đạp, chàng trai nghệ sĩ chở cô gái sinh viên năm cuối đến đồn công an … để xin đăng ký kết hôn khiến người bảo vệ cười rung cả người rồi chỉ cho họ lên UBND phường làm thủ tục. Ngày đó đăng ký kết hôn phải treo giấy lên thông báo để mọi người xác nhận xem đã có vợ, chồng ngoài "luồng" hay chưa. Cứ một tuần chàng trai lại sốt sắng chạy lên trụ sở phường hỏi giấy kết hôn dù đã biết người ta bảo phải đợi một tháng. Sau khi nhận giấy đăng ký kết hôn, cô gái miền Nam và chàng trai Hà Nội mãi một năm sau mới làm đám cưới và đến 30 năm sau họ mới đeo nhẫn đính hôn. Chàng trai và cô gái đó là NGND Hà Quang Văn và bà Xuân Nga hôm nay…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tình yêu dưới làn bom Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.