Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã có thời Hà Nội thanh lịch

Hoàng Hạnh| 14/01/2013 13:56

Con người có thể rèn để trở nên văn minh. Xem thế trước tiên phải đưa cộng đồng theo lối hành xử đó bằng pháp luật” – Ý kiến của PGS – TS Nguyễn Văn Huy.

Người Thái Lan, Lào… không sống sít như vậy!

PV: Thưa ông, hiện tại, chúng ta không khó gặp hình ảnh, một quý bà, quý cô bước xuống từ một chiếc xe hơi sang trọng, trên tay là tập tiền lẻ mới cóng, đi vào chùa rải ở khắp các ban… Số tiền mà họ đặt lên các ban, thậm chí lên tay Phật có thể không bằng số tiền họ “bố thí” cho ăn xin. Ông bình luận thế nào về hiện tượng này? Phải hiểu hay lý giải hiện tượng này như thế nào, thưa ông?

PGS – TS Nguyễn Văn Huy:-
Việc đi đền đi chùa rồi đưa ra một ít tiền lẻ đặt lễ đã diễn ra từ lâu. Cũng có thể coi là một nét sinh hoạt đời thường ở Việt Nam. Có lẽ cách hành xử này không thấy ở các nước láng giềng của chúng ta mà cũng không thấy xảy ra ở nhiều nước khác trên thế giới.

Ví dụ ở Thái Lan, Lào, Cămpuchia hay Trung Quốc người ta đến chùa để cầu với tâm thành, chứ không đặt tiền, đặt lễ một cách sống sít như vậy. Ở Nhật hay ở nhiều nơi khác đôi khi chúng ta gặp người ta ném xuống giếng nước, đài phun nước những đồng tiền xu cầu may, cầu sẽ được trở lại những di tích mà mình đến thăm.

Tôi nghĩ đó là một cách ứng xử của người Việt, khác với người Trung Hoa, người Lào hay người Thái Lan. Ứng xử như vậy nhiều khi trở nên quá mức và bị lạm dụng. Hệ quả của nó là người ta tranh nhau đặt tiền vào tay Phật, Thánh, Thần hay nhiều người quản lý đền chùa, hang động có nhiều cảnh đẹp cố ý tạo ra càng ngày càng nhiều điểm tâm linh như đền trình, các ban thờ vị này vị nọ trong tứ phủ để thu hút các thiện nam tín nữ. Đó là điều chúng ta phải nghiên cứu, xã hội xem xét để điều chỉnh dần.

PGS - TS Nguyễn Văn Huy


PV: Có vẻ ở đây có một tâm lý là, khi đặt được những đồng tiền lẻ ấy ở gần Phật hơn thì họ sẽ được thần phật quan tâm hơn, thưa ông?

PGS – TS Nguyễn Văn Huy:
- Chắc chắn người ta tin thế nên mới hành động như vậy. Thực ra số tiền họ đặt chẳng đáng bao nhiêu, có khi đi cả buổi chỉ mất độ 30-40.000 đồng. Nhưng họ nghĩ đó là vật truyền tải những mong muốn của họ tới Phật, Thánh.

Người ta cũng nghĩ một cách đơn giản rằng, cầu càng nhiều chỗ, lời thỉnh cầu càng dễ được nghe thấy và họ sẽ được hưởng nhiều từ sự phù hộ của các vị Phật, Thánh ấy.

Tôi nghĩ có nhiều cách để xã hội điều chỉnh hành vi đó nhưng điều quan trọng nhất là sự giác ngộ của mỗi người đối với giáo lý của nhà Phật hay của các tôn giáo và tín ngưỡng khác.. Hiện nay nhiều người đi lễ đền chùa là đi theo phong trào mà ít hiểu về giáo lý của Phật giáo, Đạo giáo hay đạo Tứ phủ.

Một khi hiểu sâu sắc triết lý, chẳng hạn như “Phật tại tâm” thì người ta sẽ có những hành xử khác. Tôi không thấy các vị sư, các hòa thượng, đại đức đến lễ ở một chùa khác với chùa mình trụ trì lại đặt tiền lẻ vào tay Phật, Thánh. Cho nên điều chỉnh hành vi bằng sự giác ngộ là phương thức tốt nhất.

PV: Ông thấy hành động như thế có đẹp không?

PGS – TS Nguyễn Văn Huy: - Có nhiều cách đến với các đền chùa, nhất là các đền chùa là những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Người ta đến với tư cách thưởng ngoạn “vãn cảnh chùa” để hiểu một kiến trúc, hiểu về văn hóa, mỹ thuật và lịch sử ngôi chùa cũng như con người được thờ trong đó.

Số này thì ít. Điều này cũng khác với nhiều nước. Người ta đi du lịch là để phát hiện, để khám phá những điều mới mẻ mà mình chưa biết. Đa phần ở ta đến chùa để đi lễ, đi cầu. Nhà Phật có nén hương. Khói hương vừa tỏ sự tôn kính vừa tạo sự giao lưu giữa người trần với Phật Thánh. Đến Chùa với lòng thành, tâm sáng là đủ.

Trong điều kiện hiện nay, nếu có đặt một vài đồng lẻ trên ban thờ thì tôi cho là chuyện bình thường. Còn chuyện chen chúc nhau đưa tiền vào tay Phật lại trở nên không hay. Ở mức độ ấy, hành vi đó biến thành phản cảm, vô văn hóa…

Thời Hà Nội nền nếp nhất

PV: - Hành xử với thần phật như vậy, còn hành xử với người đời, người Hà Nội chỉ chăm chăm lo giữ nhà mình sạch còn vứt rác ra đường, thậm chí ra nhà hàng xóm. Hai cách hành xử đó có quan hệ với nhau không và thể hiện điều gì?

PGS – TS Nguyễn Văn Huy: - Tôi nghĩ điều này liên quan nhiều tới quá trình đô thị hóa của chúng ta. Dù Thăng Long- Hà Nội của chúng ta đã có hơn 1000 tuổi nhưng một đô thị hiện đại chỉ tồn tại hơn 100 năm Nếp sống đô thị vẫn mang nhiều dáng dấp của làng xã.

Ở các nước có nền công nghiệp tiên tiến Đô thị được quản lý theo kỷ cương và văn minh. Luật pháp điều chỉnh toàn bộ nếp sống. Đô thị của chúng ta trong giai đoạn hiện nay quản lý quá lỏng lẻo, vẫn đang bị những nếp sống từ nông thôn lấn át.

PV:- Sử sách nghiên cứu đã xác nhận Hà Nội xưa có tên là Kẻ chợ vậy văn hóa ứng xử cái thời có tên là Kẻ chợ tương ứng sẽ phải là văn minh Kẻ chợ, thanh lịch Kẻ chợ… Vậy đó cũng chính là những cách ứng xử mà chúng ta đang thấy hiện nay, thưa ông?

PGS – TS Nguyễn Văn Huy:- Chỉ cần nhìn lại những bức ảnh xưa, chúng ta có thể thấy Hà Nội thời đó như thế nào. Nó cũng lem luốc lắm: quanh hồ Hoàn Kiếm còn lầy lội, vấn đề quy hoạch, vệ sinh công cộng… chưa được đặt ra.

Đến thời Pháp thuộc, những vấn đề đó đã dần dần được cải tạo khi người Pháp xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại kiểu phương tây. Hà Nội có đường xá kẻ thẳng theo ô bàn cờ ngang dọc, có vỉa hè, xây dựng kỷ cương nếp sống đô thị, quy định giữ gìn không gian chung… Một nếp sống văn minh hiện đại dần hình thành và tồn tại trong suốt 80 năm Pháp thuộc đó.

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, trong thành Hà Nội vẫn giữ được nếp sống kỷ cương và nền nếp ấy. Tuy nhiên, những năm sau đó, nhất là những năm chiến tranh những kỷ cương, nền nếp đã có bị bỏ ngỏ,nhiều khi bị coi thường. Điều nguy hiểm hơn là điều đó kéo dài cho tới tận ngày nay.

Giáo dục và pháp luật là nền tảng đưa lại nếp sống văn minh

PV: -Việc Hà Nội đang gấp rút xây dựng “Quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và nơi công cộng, nhằm thay đổi hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, theo ông, có phải do những hành vi ứng xử của người Hà Nội đã trở nên méo mó, kỳ dị?

PGS – TS Nguyễn Văn Huy:- Chắc chắn là sự suy thoái về đạo đức, nếp sống và ứng xử xã hội xảy ra không chỉ riêng ở Hà Nội khiến những nhà quản lý xã hội và văn hóa thấy phải chấn chỉnh. Vấn đề ở đây là chúng ta cần làm thế nào?

Theo tôi, chỉ xây dựng phong trào và hô hào sẽ khó đạt được hiệu quả. Phải bắt đầu từ gốc, nghĩa là từ giáo dục. Tôi là thế hệ được đào tạo trong những năm 50-60 ở Hà Nội mà khi đi đường nếu lỡ có ai mắng chửi mình, không thể chửi lại được, cũng không thể vứt rác bừa bãi được. Vì hành xử như thế chính tôi cảm thấy rất ngượng ngùng.

Nói vậy để thấy, muốn có được những hành xử văn minh thì phải giáo dục sao cho suy nghĩ về những hành động văn minh ấy thấm thật sâu vào từng người, thành bản năng của họ trong mọi tình huống. Nghĩa là trong gia đình, ông bà, bố mẹ, anh chị trước hết phải là tấm gương để giáo dục nền nếp cho con em mình .

Trong nhà trường phải xây dựng nền tảng của ứng xử văn hóa. Giáo viên phải là những người ứng xử gương mẫu nhất, làm gương cho học sinh. Nếu các thầy cô giáo mà không ửng xử có văn hóa, văn minh trong mỗi hành động của mình thì không thể đào tạo được thế hệ học trò văn minh.

Song song với nền giáo dục đó là pháp luật và kỷ cương. Tạo ra Bộ Quy tắc mà không có cơ chế để bộ quy tắc được thực hiện thì sẽ không hiệu quả. Cả hai chục năm nay người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng đều tấm tắc về một đất nước Singapore sạch sẽ. Tôi không hiểu sao chúng ta không học được gì của họ?

Những tour dẫn khách Việt Nam sang Singapore đều mở lớp tập huấn, nói rõ nếu vứt rác, nhả bã kẹo cao su ở bên đó sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? Những người Việt Nam đi du lịch ấy ở trong nước ứng xử rất tùy tiện nhưng sang đó đột nhiên trở nên văn minh nghiêm túc. Chứng tỏ con người có thể rèn để trở nên có ứng xử văn minh. Xem thế trước tiên phải đưa cộng đồng theo lối hành xử đó bằng pháp luật.

PV: - Mấy năm trước, Hà Nội đã biểu dương em Tuấn ở Thường Tín đã có hành vi tốt dẫn một cụ già sang đường và dự luận khi đó cũng dấy lên làn sóng băn khoăn, phản ứng: Chỉ có thế mà đã khen thưởng biểu dương cấp thành phố sao được? Mới đây, một cậu bé tiểu học nhặt được tiền và trả lại người bị mất cũng được vinh danh. Ông có cho rằng, sự thay đổi nào cũng phải bắt đầu từ những điều tưởng như rất nhỏ như thế không? Bộ quy tắc ứng xử lần này có bắt đầu như thế không hay cũng chỉ là hô hào phong trào lấy thành tích?

PGS – TS Nguyễn Văn Huy:- Chắc chắn phải bắt đầu bằng những cái nhỏ nhất từ trong gia đình: con cháu đi ra ngoài chơi phải biết xin phép ông bà bố mẹ, ăn cơm phải biết mời chào, “ăn trông nồi ngồi trông hướng”, vệ sinh, quét rác hót rác thế nào…

Việc tôn vinh “người tốt việc tốt” rất quan trọng, biết bao nhiêu tấm gương sáng trong xã hội bắt đầu từ những việc rất nhỏ, tưởng như rất bình thường nhưng ý nghĩa giáo dục lại lớn.

Vì vậy, chúng ta không nên coi thường những cái nhỏ, những tấm gương tốt đẹp ở ngay xung quanh chúng ta mà nên ủng hộ những việc làm ấy, nhân chúng lên từ cá thể thành phổ biến. Vấn đề là làm thế nào để mở rộng những hành động đó, để không chỉ nói về cái tốt đẹp mà kéo xã hội hành động theo.

Xã hội của chúng ta trong thời gian vừa qua nói nhiều nhưng hành động ít, nói không đi đôi với làm. Nhiều việc làm hình thức quá như giấy công nhận gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, khu dân cư văn hóa (mà thực ra xây dựng khu dân cư văn minh chứ không phải văn hóa)….

Những hoạt động đó nhiều khi vô duyên, hình thức, chạy theo thành tích và tốn kém. Tôi thấy cần đi vào những hành động cụ thể hơn và thực chất hơn.

PV:- Nếu làm được như vậy thì Hà Nội sẽ dần dần văn minh, thanh lịch?

PGS-TS Nguyễn Văn Huy: -Tôi nghĩ nhiều tới chuyện Hà Nội thanh lịch. Hãy hướng tới mục tiêu đơn giản xây dựng Hà Nội thành một đô thị, người dân thành phố có ứng xử văn minh, phù hợp với nếp sống của một đô thị hiện đại. Làm thế nào đừng để Hà Nội bị nông thôn hóa, bị nếp sống tiểu nông lấn át. Hà Nội phải là đô thị văn minh dẫn dắt cả nước.

Theo tôi, nếu quyết tâm thực hiện, biến những quy tắc ứng xử thành luật pháp rồi thực hiện nghiêm chỉnh là sẽ làm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã có thời Hà Nội thanh lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.