Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mãi mãi yêu Hà Nội

V.T.L| 10/02/2013 06:57

(HNM) - Màn sương dày của đợt rét cuối Đông đã cho ta mơ cùng Thăng Long, giấc mơ lớn lao trong hiện thực thường hằng. Xuân gần rồi, những vòng tay cây ôm choàng thành phố.

Ai cũng có mùa ưa thích và gắn mùa mình yêu với một màu tuỳ ý. Màu chủ đạo của mùa Xuân là màu Xanh, Hà thành đã có và mong có mãi. Nền văn minh lúa nước, nét thâm trầm cổ hợp với màu nâu. Các sắc độ nâu trên mái ngói, thân cây là “nhật ký thời gian” của sự vật, nhưng trên những mái nâu già, vẫn có rêu xanh. Cổ thụ vẫn vươn cành mới, chồi xanh cố bứt ra từ thân cây bị chặt.

Nơi thành phố cây - hồ, vùng lõi địa linh là hồ Gươm và phố xung quanh. Lệ hàng năm, người dân Hà Nội đổ về hồ Gươm đón Giao thừa. Từ bao lâu, đã mặc định “Bờ Hồ” là danh từ chỉ hồ Hoàn Kiếm. Những tòa nhà thô cứng, cao ốc gần xa làm hồ ngày càng bé lại. “Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội, Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh”. Hồ vẫn còn màu như tên xưa Lục Thủy. Tiếng hát vẳng từ loa bên Hàng Đào về Cầu Gỗ, nơi quán cà phê tuyệt đẹp Avalon độ cao 30m. “Anh hôn em tháng Giêng ước hẹn”. Hồ sáu, bảy trăm năm thấu chuyện đất trời, lắng triệu phận người. Ta dắt tay nhau thả bước quanh hồ. Thật chậm men đường cong trữ tình phố Lê Thái Tổ (rue de Jules Ferry - tên Pháp của phố những thập niên đầu thế kỷ XX) còn hiện tồn dãy nhà kiến trúc Pháp đẹp nhất cung đường này.

Lão nhà văn Tô Hoài thấy hồ Gươm là vùng cổ tích, còn tôi coi đây là một miền thơ. Ta hỏi cây đa cổ thụ, về hàng cây đã mất nơi phố Hàng Khay thuở trước đầy các chị các cô gánh hàng hoa. Lão nghệ sĩ Nguyễn Quang Phùng từ xóm Hạ Hồi, ngày nào cũng đeo máy ảnh ra Bờ Hồ. Xem loạt ảnh tường tận từng bước những người thợ cưa cây lộc vừng lớn nhất gần Tháp Bút mà xót xa. Tối tối, trong những chiếc lồng xanh đỏ, đèn treo trên cây làm cành héo khô dần. Ngàn người đổ ra hồ tập thể dục, dạo, ngắm cảnh, mấy ai quan tâm hồ-cây có linh hồn. Hồn ấy, lưu trong tuyệt tác sơn mài Bóng nước hồ Gươm của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993), trong ngàn lời ca, bức ảnh, trang văn, trong hồn người biết yêu Hà Nội. Hồn ấy, đan hòa trăm bóng cây bên hồ. Sinh ra và gắn bó Hà Nội, ngày nào tôi cũng nhớ hồ, cây, trên con đường đi lại mỗi ngày theo nhịp sống. Từ phố Lê Thái Tổ, tôi lặng ngắm linh hồ. Trước mặt, trên cao, đồng hồ bốn mặt của nhà bưu điện kim trắng nền đen không nghỉ ngày đêm. Những thân cây là niên đại cổ thành. Một đời cây có thể là mấy đời người. Một cái cây có thể chứng kiến một phần lịch sử của kinh thành, đất nước.

Bóng nước hồ Gươm là album ảnh đầy “phép thuật” tích hợp triệu triệu khoảnh khắc Thăng Long. Chốn đô hội anh tài quần tụ này còn có tên Kẻ Chợ, có Phủ Toàn quyền đặt ở đây (sau khi giải phóng Thủ đô là Phủ Chủ tịch). Không phải liên tục là Thủ đô, Thăng Long từng bị đổi tên khi nhà Nguyễn định đô ở Phú Xuyên (Thừa Thiên - Huế) năm 1802, bị triệt cho đất “rồng cuộn hổ ngồi” mất thế đế vương mà Thăng Long vẫn là trung tâm của bốn phương. Thời Thạch Lam (1910 - 1942), Hà Nội băm sáu phố phường, là khu phố cổ (Kẻ Chợ) và khu phố cũ (xây thời thuộc Pháp), chỉ có 20 vạn dân, diện tích 12 km2 (tính tới năm 1939). Hà Nội thời chống Pháp, chống Mỹ trong văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) và nhiều nhà văn, nhà thơ, khác trong chiến tranh bom đạn chưa khi nào đất này thiếu chất thơ, lãng mạn; chiến lũy cũng thành “Lũy hoa”.

Hà Nội máu và hoa. Hà Nội 13 trại ấp, sông Ngọc chảy qua làng Ngọc Hà đã mất, còn lại hồ Hữu Tiệp, B52 rớt giữa hồ, nay chỉ còn là khối phế liệu han gỉ. Xác máy bay Mỹ rơi xuống làng hoa. Cánh máy bay đúc nồi cơm, mảnh cánh giũa lược chải đầu. Thật là đối lập đắt giá của chiến tranh và hòa bình qua sự giản dị. Chịu nhiều cuộc chiến tranh, Hà Nội luôn khao khát hòa bình - “Thăng Long phi chiến địa”. Đào phai, đào bích, các loài hoa mùa cũ - thược dược, violet - những năm gầy đây lại về. Hà Nội mất Nhật Tân, vẫn còn đào như một chi lưu của dòng phù sa văn hiến. Ai bảo ta ưa hoài niệm, hồi tưởng. Quá khứ là lịch sử, ký ức của mỗi số phận. May mắn cho những ai được sinh ra và gắn bó với chốn hùng thiêng này, chứng kiến những chuyển động ngàn năm có một. Thăng Long - Hà Nội sang tuổi 1003, Thủ đô nay đã gần 7 triệu dân, ngoại ô chỗ đến Ba Vì, nơi lên tới Hòa Bình. Dù đổi thay, hợp nhất đến đâu, vùng hồ Gươm vẫn là lõi long mạch di truyền văn hóa. Km số 0 tính từ Bưu Điện Hà Nội tỏa đi các nơi. Hà Nội hôm nay có hơn 1.200 xe bus với 84 tuyến. Dịp Tết, bus thưa chuyến hơn. Chúng ta nhớ và mong ngày tàu điện được phục hồi với kỹ thuật hiện đại. Nét duyên dáng đáng yêu ấy đã lưu trong hình dáng Hà thành.


Tết là dịp xác định khá chuẩn ai ở đâu, vì Tết là thời gian sum họp, trở về. Hà Nội dịp Tết Nguyên đán vắng hơn, thanh bình hơn. Chỉ thế mới cho ta thư thái ngắm cảnh sắc phố phường và có cơ lãng mạn. Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) đã đưa phố cổ Hà Nội vào tranh, để nó nổi tiếng thế giới. Phố trong tranh phải luôn ít người, vắng người không chen lấn ồn ã, mới có đường hương lan thấm những mùi hương bốn mùa. Xuân là thời thức dậy mọi hương hoa. Bậc thầy tiếng Việt - cây tùy bút thượng đẳng Nguyễn Tuân (1910 - 1987) là nhà văn của Hà Nội hào hoa, tinh tế, cầu kỳ trong thưởng thức những thức quà, thú chơi Hà Nội của một người biệt tài và có quyền “ngông” đáng yêu, đã đưa tất cả lên nghệ thuật, thành bất hủ qua ngòi bút của mình. Tôi thích tấm ảnh Nguyễn Tuân mũ len râu bạc ngước mắt lên cây đào Nhật Tân cựa nụ. Nguyễn Tuân 25 năm rồi không còn du Xuân Hà Nội. Ông vẫn sống chốn này, bởi ấn tượng và nhắc nhở của đồng nghiệp, độc giả các thế hệ. Đường hoa đi bộ trên phố Đinh Tiên Hoàng (tên xưa: Avenue de Fransois Garnier) dịp Tết Nguyên đán hàng năm đã thành một vẻ đẹp thanh quý của Hà Nội hiện đại. Mỹ tục truyền thống không phải là nếp cũ, cổ, mà là hệ giá trị kinh điển cần gìn giữ, trao truyền. Người Hà Nội bây giờ mấy ai biết, chính Nguyễn Tuân là người sáng lập truyền thống hội hoa Xuân Hà Nội, khởi từ công viên V.Lênin. Theo ông, phải có chợ hoa, hội hoa thì mới ra Tết, nhất là Tết Hà Nội là Tết biểu trưng của văn minh sông Hồng, Tết lớn nhất của người Việt. Người Thủ đô thanh lịch, phong lưu, không giàu nhưng cần biết sang, sang từ cách ăn, mặc, lời nói, việc làm, từ nền nếp gia phong, quan niệm, cách nghĩ. Hà Nội giai đoạn vất vả, vẫn là Hà Nội thanh tao, lịch lãm, phong lưu, trong đó thức chơi hoa đã nhiều lần được Nguyễn Tuân ca ngợi. Không cần hoa, cây cảnh đắt tiền, uốn éo nhân tạo nhân bản mà là hoa và cây chăm ươm cho nở đúng kỳ, thưởng chén trà ly rượu ngắm thủy tiên đêm Ba mươi Tết, chẳng là thú phong lưu của người Hà Nội phố đó sao!

Ý thức con người hay biến cố lịch sử làm Thăng Long chỉ còn một cửa ô và Hoàng thành bị chôn trong lòng đất. Hội đèn Quảng chiếu bên Cổ Loa mới là ý tưởng được giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Ánh sáng kinh thành Thăng Long từ lịch sử ngàn năm cùng chúng ta thẩm du Hà Nội mùa đầu. Xuân nào cũng là mùa đầu, mùa mới, thầm kín và vang vọng, bình dị mà kiêu sang, thanh thoát mà diễm lệ, ánh sáng Thăng Long phổ quang một vùng rạo rực. Rạo rực mỗi bước chân trên từng centimét đất thiêng. Họa sĩ - nghệ sĩ trình diễn Đào Anh Khánh đã đi quanh hồ Gươm bằng cách nhích từng centimet, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối ngày 30-8-2012. Ở tuổi 53, sống hơn nửa thế kỷ tại Thủ đô, anh muốn thử thách sự kiên nhẫn qua từng việc dồn trọng lượng vào đầu mũi chân, nặng và mệt để “sống chậm” 1 ngày cho 1 lần duy nhất ngắm - chậm - linh - hồ.

Nguyễn Tuân có tuỳ bút “Hồ trả Gươm” viết về Hoàn Kiếm. Hoàn lại xanh - thơ cho Thăng Long thiên nhiên thêm nữa, có tiếng chim nhiều hơn, cho xứng danh thành phố hòa bình, bằng gìn giữ cây - hồ.

Hà Nội có thêm nhiều phố mới, phố trồng cây non, phố chưa có cây. Những hàng sấu, me, xà cừ, phượng vĩ lâu năm như biết cả những biến thiên Thăng Long. Cây bám trụ kiên cường qua nhiều lần lật lát hè, đường, chịu đựng bao xâm hại tàn ác, vô tình. Cây bị đổ vì đứt rễ sau những cuộc bị đào liên miên đất ít ỏi vỉa hè, bị cưa, xẻ, cùng mai táng vào trời màu xanh khát sống và lưu lại bóng dưới gương hồ. Cây - hồ vỗ về nhau bằng gió.

Những đôi uyên ương sống cùng thành phố, yêu nhau hơn vì yêu Hà Nội. Hà Nội là “Ái thành” của các đôi uyên ương, của tất cả những ai đã, đang sẽ biết yêu. Hà Nội thuộc về linh hồn, máu thịt ta hay mạch máu ta hòa cùng mạch Thăng Long nên thơ, mãnh liệt và kiêu hãnh. Mỗi người sống ở đây, có thể xuất thân, nguồn gốc từ các tỉnh, thành và đi nhiều thành phố trên thế giới, làm sao có thể vô cảm với HàNội! Tôi có đem lòng yêu Paris, thấy một phần Paris nơi Hà Nội. Như một đời người có thể có nhiều rung động, nhưng đâu phải ai cũng may mắn có tình yêu định mệnh. Mối tình lớn Hà Nội chất chứa vô vàn tình của triệu trái tim và cũng nhận về mình tình yêu chan chứa. Xuân này, Hà Nội của tôi lại trẻ lần nữa tuổi 1003, trong màu xanh và thơ của một Thăng Long - Ái thành mãi mãi.

Hà Nội là thành phố tôi không muốn rời xa. Hồn cốt Kinh kỳ hợp lưu tinh túy ngàn đời mà thành mỗi người Thủ đô đích thực được đóng dấu căn cước qua nếp sống, cách yêu và sự cống hiến cho Hà Nội. Xuân, đất trời “lì xì” cho thành phố cổ màu xanh trong khiết non tơ theo điệp khúc sinh sôi của tạo vật, trí tuệ sáng tạo của con người. Tôi yêu Hà Nội sáng mùng Một Tết yên lắng, trong lành biết mấy. Giá hàng năm có nhiều buổi sáng được như thế! Hà Nội hỏi ta, đến khi nào người ở Hà Nội bớt chen chúc, ồn ào, xô bồ? Ta chưa kịp trả lời thì sóng hồ đã thở, cây kịp mở giai điệu diệp lục đẫm hương sương ấp chộn rộn nụ chồi.

Lại câu chuyện bất tận lúc tinh mơ bên hồ Gươm theo lời hát “Chuyện rằng nơi đây đêm đêm, cây bút đá vẫn viết lên trời xanh những khát vọng ngàn đời của người dân Hà Nội”.

Mùa reo nhạc qua màu lá. Hồ Gươm mỗi ngày dệt cổ tích bằng giấc mơ nhỏ: Sẽ không bao giờ bị hẹp lại, sẽ hết rác thải đổ xuống hồ. Hà Nội dấu hương tỏa giai âm trong mỗi chúng ta khi mưa phùn giăng khắp Thăng Long tình yêu màu ngọc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mãi mãi yêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.