Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tu bổ chùa Một Cột: ra sao và như thế nào?

Minh Ngọc, Ảnh: Bá Hoạt| 08/05/2013 15:42

(HNMO) - Dự án tu bổ chùa Một Cột thuộc quận Ba Đình Hà Nội sau thời gian dài xin ý kiến các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu văn hóa để triển khai vẫn chưa tìm ra phương án thống nhất nên vẫn chưa được tu bổ.



Trước thực trạng xuống cấp của di tích, ngày 2-5, sư trụ trì chùa là Đại đức Thích Tâm Kiên có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị sớm triển khai dự án tu bổ chùa Một Cột (còn có tên Diên Hựu). Trong đơn, nghe như “tối hậu thư”: “Kể từ hôm nay, sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.

Chùa Một Cột nên được tu bổ như thế nào? Ảnh: Bá Hoạt


Cách đây 2 ngày, chừng hơn nửa ngày sau trận mưa lớn vào chiều 5-5, phóng viên Hànộimới có mặt tại chùa, nhận thấy khu nhà thờ Tổ của chùa Một Cột xuất hiện vài điểm dột, mái trước nhà thờ có hiện tượng xô ngói, xuất hiện những vũng nước đọng, nhưng không đến mức “ngập úng”.

Một người bán hàng gần chùa Một Cột cho biết thêm, sự xuống cấp của chùa Một Cột đúng là được dư luận quan tâm, khách du lịch bức xúc, nhưng nói “sập đến nơi rồi” như dư luận phản ánh thì e là không chính xác lắm.

Về vấn đề này, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, đơn vị trực tiếp quản lý di tích khẳng định: "Cho đến thời điểm này, các chuyên gia văn hóa vẫn chưa liệt chùa Một Cột vào hạng mục di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2008 đến nay, quận cũng đã tổ chức 4 cuộc hội thảo bàn các phương án để trùng tu, tôn tạo di tích, nhưng do trong các cuộc hội thảo còn rất nhiều ý kiến tranh luận, bàn cãi nên Ban quản lý dự án chưa đưa ra được phương án trùng tu cụ thể.

“Từ đó đến nay, chúng tôi liên tục tiến hành thu thập tài liệu, xin ý kiến để hoàn thiện các phương án trùng tu. Không giống như các di tích đơn lẻ khác, chùa Một Cột có vị trí đặc biệt quan trọng, nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh rất lớn nên dù có tác động nhỏ nào đến di tích cũng phải xin ý kiến và có sự đồng thuận của nhiều ngành, nhiều phía. Vì vậy, để thực hiện dự án cần có một lộ trình và cần có sự đồng thuận từ nhiều phía”- Ông Đỗ Viết Bình nói.

Ngay khi nhận được đơn yêu cầu của Đại đức Thích Tâm Kiên, ngày 6-5, Cục Di sản (Bộ VH,TT&DL) đã có Công văn số 264/DSVH-DT đề nghị Sở VH,TT&DL Hà Nội hướng dẫn các cơ quan chức năng của quận Ba Đình và Đại đức Thích Tâm Kiên khẩn trương hoàn thiện Dự án tu bổ chùa Một Cột, sau đó báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ VH,TT&DL xem xét quyết định.

Ảnh: Bá Hoạt


Trên thực tế, UBND quận Ba Đình đã có quyết định số 2692/QĐ-UBND ngày 23-11-2009 về việc tu bổ, tôn tạo chùa Diên Hựu- Một Cột và giao cho BQL Dự án quận Ba Đình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Tiếp đó, ngày 15-4-2010, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo số 110/TB-UBND, đề nghị quận Ba Đình phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, sân vườn, hệ thống thoát nước của khu di tích; đồng thời xin ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa để khắc phục hiện tượng dột mái nhà Tam Bảo, mái chùa Một Cột…

Tiếp đó, ngày 30-9-2011, quận Ba Đình đã tổ chức hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học và các nhà quản lý về việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Diên Hựu- Một Cột. Tại cuộc hội thảo này, BQL Dự án quận Ba Đình đề xuất hai phương án tu bổ. Phương án thứ nhất là cải tạo hệ thống đường dạo, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng, hệ thống cấp điện, cấp nước cho các công trình; đồng thời xây dựng thêm nhà Tổ, nhà Tăng trên cơ sở không lấn át các công trình gốc và không gian cảnh quan. Phương án 2 cũng đề cập đến hạng mục cải tạo hạ tầng kỹ thuật nhưng không xây thêm nhà Tăng, nhà Tổ mà xây dựng mới một nhà năm gian rồi ghép các khu chức năng của nhà Tăng, nhà Tổ thành một. Riêng chùa Một Cột chỉ thay thế các cấu kiện gỗ không còn khả năng sử dụng, xếp lại ngói, đắp bờ nóc, bờ chảy, tu bổ phần bậc thang lên chùa…

Khi ấy, đa số đại biểu tham dự hội nghị nói trên đều cho rằng, việc trùng tu chùa Diên Hựu-Một Cột với quy mô lớn để di tích tương xứng với giá trị lịch sử, văn hóa vốn có và tương xứng với quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Ông Nguyễn Quốc Tuấn (Viện Nghiên cứu tôn giáo) đề nghị: Quận Ba Đình phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ thêm các tư liệu lịch sử về ngồi chùa này, bởi chùa Một Cột hiện tại mới được xây dựng lại từ năm 1954. Việc xây dựng thêm công trình mới phải bảo đảm không được lấn át, che khuất chùa Một Cột .

Đồng quan điểm trên, nhưng GS Phan Khanh cho rằng nên thay cột trụ của chùa Một Cột bằng xi măng hiện nay bằng cột đá liền khối…

Điểm lại sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội đối với việc tu bổ chùa Một Cột, dù chưa đầy đủ, để hiểu rõ rằng dự án tu bổ chùa Một Cột không phải không nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như nhân dân Hà Nội. Vấn đề là với một di tích đặc biệt quan trọng, việc tu bổ cần có thời gian để tìm ra phương án tối ưu. Cho đến nay, việc tu bổ chùa Một Cột chưa hoàn thành, đó là điều đáng tiếc, đáng để rút kinh nghiệm, nhưng yêu cầu số một vẫn là phải bảo đảm đủ các yếu tố cần thiết để việc tu bổ, tôn tạo chùa diễn ra đúng yêu cầu.

Chiều hôm nay, 8-5, Phòng văn hóa thông tin quận Ba Đình, Ban quản lý dự án trùng tu di tích chùa Một Cột, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội... sẽ tiếp tục khảo sát hiện trạng xuống cấp tại di tích chùa Một Cột để có báo cáo cụ thể, chính xác hơn về việc này.

Dưới đây là một số hình ảnh PV Báo Hànộimới ghi lại chiều 8-5:



Mái ngói ở nhà thờ Tổ nhiều chỗ bị xô.



Các xà gỗ tại nhà thờ Tổ bị mối mọt tấn công.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tu bổ chùa Một Cột: ra sao và như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.