Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động mọi nguồn lực để cải tạo, phục hồi và bảo tồn nhà cổ

Minh Huệ| 03/07/2013 20:42

(HNMO)- Tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã và sẽ thông qua nhiều Dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô...

UBND TP ban hành Quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 4-6-1999, ban hành “Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo phố cổ Hà Nội”. Trong đó, quy định các nội dung quản lý về bảo tồn, xác định phạm vi khu phố cổ, tuyến phố cần bảo vệ tôn tạo, đặc biệt xác định danh mục các công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo là 509 nhà.

Theo báo cáo của Ban quản lý phố cổ Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà, trên địa bàn Hà Nội, trong số 509 nhà kể trên hiện có 217 biển số nhà không có hộ thuê nhà của nhà nước (gồm tư nhân và cơ quan tự quản) với tổng diện tích đất hơn 27.520 m2. Số còn lại là 292 biển số nhà có tổng diện tích đất toàn biển 46.323,6m2, nhưng hiện đang có cơ quan và các hộ dân thuê nhà của nhà nước (trong đó có 1.010 hộ gia đình, cá nhân thuê), với tổng diện tích thuê 27.956m2. Phân loại cụ thể: nhà có giá trị đặc biệt 48 biển (tổng diện tích đất 8.940,7m2), trong đó có 134 hộ gia đình, cá nhân và 15 cơ quan thuê, với diện tích thuê 488,31m2; 140 biển nhà giá trị loại 2 (diện tích đất 23.381,2m2), trong đó có 568 hộ gia đình, cá nhân và 18 cơ quan thuê, với diện tích thuê 14.694,99m2; 104 biển nhà không có giá trị (loại 3), với tổng diện tích đất 13.635m2, trong đó có 308 hộ gia đình, cá nhân và 11 cơ quan thuê, với diện tích thuê 8.272,7m2.

Ngoài hàng trăm nhà cổ trong khu vực nội thành, Hà Nội còn rất nhiều nhà cổ ở ngoại thành cần bảo tồn


UBND TP cũng đã có Quyết định số 45/1999/QĐ-UB, ngày 4-6-1999, ban hành “Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo phố cổ Hà Nội”. Trong đó đã xác định 24 công trình di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng trong khu phố cổ.

Ngày 10-12-2008, HĐND TP đã có Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND về Đề án “Quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội” (Đối với 970 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước). Tiếp đến, UBND TP đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với Viện Quy hoạch Kiến Trúc xây dựng 5 tiêu chí bảo tồn, tôn tạo, lập danh mục 1.540 nhà biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu trên địa bàn TP (trong đó có 970 biệt thực thuộc sở hữu nhà nước đã có tên trong Đề án năm 2009; 570 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, biệt thự do các cơ quan trung ương và TP mới bàn giao sang Sở Xây dựng để quản lý; nhà biệt thự chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước do Bộ Ngoại giao và đơn vị kinh doanh nhà quản lý; một số biệt thự bị sót chưa có tên trong Đề án năm 2009).

UBND TP cũng đã giao Sở Xây dựng chủ trì soạn thảo Quy chế quản lý sử dụng nhà biệt thực cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội; lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo Quy chế theo góp ý của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan.

Huy động các nguồn lực để bảo tồn

Theo Nghị quyết được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 3-7, khuyến khích huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư tham gia thực hiện công tác xã hội hoá cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 được giao quỹ đất sạch tại các khu vực không thuộc 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) để cân đối thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội khuyến khích quy về một chủ sở hữu toàn biển số nhà và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất. Được vay vốn từ các nguồn vay ưu đãi để thực hiện việc xã hội hoá đầu tư dự án phục hồi, tôn tạo nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954.

Thời gian tới, TP sẽ thực hiện cấp Giấy chứng nhận công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên cơ sở hiện trạng sử dụng.

Đối với các nhà cổ, nhà biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, TP Hà Nội lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo quy định.

Đối với người dân khi di chuyển ra ngoài khu vực nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 để bảo tồn, tôn tạo thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các dự án trên địa bàn TP.

Nếu chủ sở hữu tự phá dỡ những công trình thuộc khuôn viên nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 nhưng không thuộc kiến trúc ban đầu thì được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Nghị quyết HĐND TP yêu cầu UBND TP tổ chức lập danh mục, phân loại các nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP (riêng quỹ nhà biệt thự tiếp tục triển khai theo Nghị quyết số 18/2005/NQ-HĐND ngày 10-12-2008 của HĐND TP) theo các nhóm: Nhóm 1 là công trình xây dựng trước năm 1954 gắn liền với di tích lịch sử, văn hoá, các sự kiện chính trị được xếp hạng theo quy định của pháp luật; công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc. Nhóm 2 là công trình có giá trị về kiến trúc, nhưng không thuộc nhóm 1. Nhóm 3 là Công trình không thuộc nhóm 1 và nhóm 2.

Trên cơ sở phân nhóm, UBND TP trình HĐND TP quyết định danh mục công trình cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng công trình gắn liền với di tích lịch sử, chính trị, văn hoá đã được xếp hạng cấp quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt; các công trình xếp hạng cấp TP. Việc cải tạo, phục hồi phải đảm bảo các quy định của pháp luật về di sản văn hoá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động mọi nguồn lực để cải tạo, phục hồi và bảo tồn nhà cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.