Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở Hà Nội: Khó nhưng không thể không làm

HONGHAI| 06/11/2005 16:44

(HNMĐT) - Để hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay của ngành VHTT Thủ đô là phải xây dựng cho được một Chiến lược bảo tồn, phát huy DSVH, trong đó có cơ chế, chính sách

(HNMĐT) - Theo số liệu của Ban Quản lý di tích danh thắng HN đến cuối năm 2004, Thủ đô hiện đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa (DSVH) đồ sộ với 1994 di tích (trong tổng số 2724 di tích được xếp hạng của cả nước). Thủ đô cũng là nơi có số di tích được xếp hạng nhiều nhất cả nước với 551 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp QG đặc biệt và cấp TP. Đặc biệt, còn phải nói đến khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long ở 18 Hoàng Diệu (phát hiện năm 2003) và khu di tích Thành cổ Hà Nội (mới được bàn giao năm 2004).

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, để hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay của ngành VHTT Thủ đô là phải xây dựng cho được một Chiến lược bảo tồn, phát huy DSVH, trong đó có cơ chế, chính sách "Chấn hưng các di tích lịch sử - văn hóa Thủ đô HN". Đây thực chất là một chủ trương lớn về dành đất đai, ngân sách để giải tỏa tình trạng lấn chiếm di tích ở nội thành hiện đã đến mức báo động.

Theo các nhà quản lý văn hóa của TP, do hoàn cảnh lịch sử để lại, hiện vẫn còn nhiều gia đình, cơ quan từ những năm 1960 đến ngày nay vẫn còn ở trong một số di tích. Số liệu thống kê cho thấy trên 90% các di tích ở các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa đang bị lấn chiếm làm nơi ở, trong khi công tác xếp hạng, bảo vệ cho các nơi này còn ít nhiều bị chậm trễ. Mới chỉ có 551 trên 1994 di tích được xếp hạng, trong khi số di tích đang được làm hồ sơ xếp hạng lại còn khá nhiều, không ít di tích trong số đó đã trở thành phế tích. Nhiều di tích đã xếp hạng lại chưa được cắm mốc giới, khoanh vùng bảo vệ, hợp thức đất đai. Bên cạnh đó, chúng ta mới chỉ chú trọng bảo tồn các kiến trúc bất động sản nhưng lại chưa chú ý đến các cổ vật ngay trong các di tích, trong các tầng lớp nhân dân. Thực trạng nhiều đồ gốm, sứ, tượng cổ, sắc phong ... trong các di tích bị đánh cắp; thần phả, sắc phong bằng giấy đang bị mục nát; nhiều tượng cổ, đồ gỗ bị sửa chữa tùy tiện, phủ sơn lòe loẹt... đang trở thành những hiện tượng không hiếm gặp. Cũng theo số liệu thống kê mới đây, trong số 634 lễ hội truyền thống của HN chỉ có 424 lễ hội được tổ chức hằng năm nhưng lại thiếu bài bản, trong khi những lễ hội đặc sắc ở HN còn lại rất ít (chỉ chiếm khoảng 0,57% tổng số)... Những thực trạng trên không chỉ làm đau lòng các nhà quản lý VHTT ở HN, mà còn đang và đã trở nên những vấn đề bức xúc của toàn xã hội, nhất là khi chúng ta đangở vào trước thềm của một dịp lễ hội trọng đại: kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Vậy thì chúng ta phải làm gì để bảo vệ và phát huy các DSVH ở Thủ đô một cách có hiệu quả nhất? Đây cũng là nội dung của cuộc Hội thảo khoa học: "Thực trạng, giải pháp kiện toàn và thực hiện cơ chế chính sách bảo vệ và phát huy DSVH ở Hà Nội", vừa được tổ chức chiều 6-11 tại Sở VHTT thành phố. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, quản lý đã nhấn mạnh đến việc cần hoàn thiện ngay một cơ chế, chính sách thiết thực nhằm bảo vệ cho được các DSVH của HN. PGS-TS. Phan Khanh nêu ví dụ: Chúng ta đang vướng ngay trong cơ chế đặt tên danh nhân cho một số địa danh, đường phố của HN. Chưa kể đến việc, như PGS Đỗ Văn Ninh phát biểu, thậm chí còn có ý kiến này khác về việc đã đặt tên chưa chính xác cho một số địa danh gần đây. Cao hơn nữa, có đại biểu còn cho rằng, nếu chúng ta không kịp hoàn thiện hồ sơ cho khu di tích Hoàng thành thì việc bảo vệ cho khu di tích còn gặp không ít khó khăn. Chúng ta đã có Luật DSVH, nhưng làm sao để luật thấm xuống tận cơ sở, xuống đến từng người dân lại là chuyện không dễ. Ngoài ra, vai trò của từng cơ quan quản lý, cụ thể là Bảo tàng HN và Ban Quản lý di tích trong việc cụ thể hóa mọi cơ chế, chính sách từ việc xếp hạng, nghiên cứu di tích; đến việc trả thù lao, ghi danh... cho người có công bảo vệ DSVH đến nay vẫn còn khá lúng túng.

Rõ ràng, để bảo vệ và phát huy DSVH ở HN là điều không dễ làm, nhưng đây là điều nhất thiết chúng ta phải làm và phải làm tốt để giải quyết triệt để bài toán về mối quan hệ giữa bảo vệ truyền thống và phát triển hiện tại ở Thủ đô của chúng ta.

Hồng Hải

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở Hà Nội: Khó nhưng không thể không làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.