Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cô gái Úc say mê nghệ thuật tuồng Việt Nam

LANHUONG| 22/03/2006 09:50

Năm 2005, sau 3 tháng sang Việt Nam theo học bộ môn nghệ thuật tuồng gồm một số điệu múa, hát cùng các trích đoạn biểu diễn như: Ngũ biến; Xuân Ðào cắt thịt; Hồ Nguyệt Cô hoá cáo... do NSND Mẫn Thu giảng dạy, cô gái Úc Cleanor Claphane hiện đang theo học năm thức hai khoa nghệ thuật của trường đại học tổng hợp Wollongong (Úc) tỏ ra quá mê say với những nét quyến rũ đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Việt Nam...

Năm 2005, sau 3 tháng sang Việt Nam theo học bộ môn nghệ thuật tuồng gồm một số điệu múa, hát cùng các trích đoạn biểu diễn như: Ngũ biến; Xuân Ðào cắt thịt; Hồ Nguyệt Cô hoá cáo... do NSND Mẫn Thu giảng dạy, cô gái Úc Cleanor Claphane hiện đang theo học năm thức hai khoa nghệ thuật của trường đại học tổng hợp Wollongong (Úc) tỏ ra quá mê say với những nét quyến rũ đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Trở về nước một thời gian, Cleanor Claphane vừa đi học vừa đi làm để tới đây có tiền tiếp tục sang Việt Nam theo học.

Xuất phát từ đâu, chị lại bị nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam quyến rũ đến vậy?

Khi chưa sang Việt Nam, tôi may mắn được tham gia góp mặt trong vở “Từ Thức gặp tiên” ở trường đại học do thầy Nguyễn Ðình Thi, một lưu học sinh Việt Nam tại Úc dàn dựng, ngay lúc đó, tôi đã thấy mê say với nghệ thuật sân khấu truyền thống của đất nước các bạn. Trong thời gian dựng vở, thầy Thi có dạy cho chúng tôi một số kỹ năng múa và cấu trúc của sân khấu truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn học hát ca khúc: Trên quê hương quan họ do anh Cát Trần Tùng, một diễn viên Việt Nam đang học tập và làm việc giảng dạy. Trong vở diễn đó, chúng tôi đã kết hợp hai hình thức giữa sân khấu truyền thống của nước các bạn với sân khấu phương Tây. Ngày ra mắt vở diễn hết sức thành công. Vé tất cả các buổi biểu diễn đều bán hết sạch. Sau vở diễn này, một điều nữa khiến tôi quyết định sang Việt Nam theo học đó là được xem một vài băng hình về sân khấu truyền thống Việt Nam. Lúc đó tôi đã tưởng tượng sẽ làm một số vở có hình thức giống như vở “Từ Thức gặp tiên”, những vở tôi làm dự định là do các diễn viên người Úc tham gia, sẽ biểu diễn lẫn sử dụng kỹ thuật của sân khấu truyền thống Việt Nam. Tóm lại, tôi chọn học tuồng vì muốn học một trong những hình thức sân khấu cổ nhất và phức tạp nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam. Qua đấy tôi có thể hiểu rõ hơn về lịch sử sân khấu truyền thống của các bạn.

Sau thời gian theo học, khi về nước chị đã có dịp nào biểu diễn tuồng cho bạn bè, người thân của mình xem chưa? Và họ đã nói sao về nghệ thuật tuồng Việt Nam khi xem chị biểu diễn?

Khi trở về quê hương, tôi đã biểu diễn một số buổi cho cả khán giả nhà lẫn những người Việt đang định cư làm ăn sinh sống tại Úc xem. Sau khi thưởng thức, phản ứng của họ rất đa dạng. Bà con người Việt đánh giá rất cao việc tôi sang học bộ môn sân khấu tuồng. Họ hỏi tôi nhiều lắm vì xa quê hương đã lâu công thêm sân khấu tuồng quá cổ, nên hầu hết họ không thể hiểu hết về bộ môn nghệ thuật này. Ngược lại khán giả Úc rất ấn tượng với những kết quả mà tôi đã đạt được. Người dân nước tôi nhận thấy tuồng là một hình thức nghệ thuật thật độc đáo và thú vị. Tuy nhiên, vì tôi biểu diễn các trích đoạn bằng tiếng Việt nên họ thấy cần phải có phụ đề tiếng Anh để có thể hiểu được. Họ khen âm nhạc và vũ đạo tuyệt vời.

Những kiến thức về nghệ thuật tuồng đã giúp được gì cho chị trên con đường nghệ thuật mà chị đang theo học?

Ngay sau khi từ Việt Nam về nước, tôi đã liên lạc với một số người làm sân khấu ở đất nước tôi. Tôi cũng đưa họ xem các băng hình tôi ghi khi ở Việt Nam, lập tức tôi nhận được rất nhiều lời mời tham gia làm việc tại các đoàn nghệ thuật. Họ cho rằng, phần kiến thức về tuồng của tôi có thể đóng góp cho sự phát triển của đoàn. Tôi cho rằng đó là những cơ hội tuyệt vời mà tôi không thể có trước khi sang Việt Nam.

Sắp tới đây chị sẽ trở lại Việt Nam để tiếp tục theo học. Vậy chị đã dự tính học gì?

Tôi sẽ quay trở lại đất nước các bạn trong vài tuần tới. Tôi dự tính học 4 tháng nghệ thuật chèo, 4 tháng tiếp theo học cải lương. Và tôi rất tin kế hoạch này sẽ giúp tôi hiểu biết nhiều hơn nữa về sân khấu truyền thống Việt Nam.

Chị đánh giá thế nào về trình độ biểu diễn của các nghệ sĩ tuồng Việt Nam?

Năm ngoái khi ở Việt Nam, tôi sống cùng gia đình một nghệ sĩ chèo, gia đình đã đưa tôi đi xem nhiều buổi biểu diễn chèo. Với tôi, những đêm thưởng thức nghệ thuật ấy thật kỳ diệu. Nó làm tôi thấy yêu âm nhạc, múa và cả phục trang của những đêm diễn chèo. Tôi cũng xem tuồng và nhận thấy phần tiếng Việt của tôi chưa đủ tốt để hiểu hết nội dung câu chuyện. Nhưng tôi đã khóc vì xúc động khi xem những trích đoạn lẫn các vở tuồng đậm chất bi hùng. Với con mắt của một người phương Tây, tôi thấy nghệ thuật sân khấu tuồng có sự mạnh mẽ và tính thể hiện cao mà nghệ thuật biểu diễn Úc còn thiếu. Càng học tuồng tôi thấy càng mê. Và những diễn viên tuồng Việt Nam có kỹ năng biểu diễn và tính sáng tạo khá cao.

Theo KTĐT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô gái Úc say mê nghệ thuật tuồng Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.