Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một góc Việt Nam nơi sông Trắng

LANHUONG| 23/03/2006 21:33

Chính quyền Upha đã đề nghị Hội người Việt chủ trì xây dựng một công trình văn hoá nhỏ (biểu tượng Chùa Một Cột) ghi dấu ấn đoàn kết Việt Nam –Bashokortostan, đặt tại vườn hoa lớn nhất ở trung tâm thành phố…

Chính quyền Upha đã đề nghị Hội người Việt chủ trì xây dựng một công trình văn hoá nhỏ (biểu tượng Chùa Một Cột) ghi dấu ấn đoàn kết Việt Nam –Bashokortostan, đặt tại vườn hoa lớn nhất ở trung tâm thành phố…

Upha là thủ đô nước cộng hoà tự trị Bashkortostan thuộc Liên bang Nga. Một dòng sông hiếm hoi chảy qua thành phố, mang tên Sông Trắng, đã từng hiển hiện sống động qua bao nhiêu trang sách của các nhà văn Nga nổi tiếng. Qua những biến động thời hậu Liên xô cũ, những ông chủ trẻ Trần Ngọc Tuấn, Trần Văn Sơn… trong số ít người Việt đầu tiên hợp sức cùng nhau về miền đất này. Những người đi tiên phong đến miền đất mới đã hình thành cách thức làm ăn mới - bằng cách mở những cửa hàng bán lẻ ở Upha, tạo đà cho sự ra đời của một loạt các cửa hàng khác của người Việt ở thủ đô.

Được bầu là chủ tịch Hội đồng hương qua hai nhiệm kỳ, ông Tuấn bảo mình đã chọn đúng Upha và may mắn có những người bạn cùng chí hướng, cũng như một cộng đồng đoàn kết. Luật sư Trần Văn Sơn (vị chủ tịch Ban liên lạc Hội đồng hương thời kỳ đầu, nay đã hồi hương) được ông Trần Ngọc Tuấn nhắc đến trân trọng với công lao đã gây dựng nên khung pháp lý đầu tiên, tạo cơ sở cho sự tồn tại của Hội và cộng đồng.

Về cảnh của người Việt ở Liên bang Nga, không bài báo nào mô tả gọn mà đủ như chỉ một đoạn thơ trong bài thơ Người Việt của Nguyễn Huy Hoàng – một tiến sĩ ngành khoa học xã hội đang sống trên đất Nga:

Quyển hộ chiếu tôi luôn mang trên ngực

Bức ảnh trắng đen một khuôn mặt bình thường

Đã lắm lúc trong tay nhà chức trách

Khẽ hất hàm sẵn giọng hỏi: Việt Nam?

Nhưng trong tập san “Cộng đồng” của Upha, Tổng biên tập tạp chí Người đồng hương Chu Huy Sơn đã ghi lại ấn tượng khi ông cùng đoàn đến thăm tượng đài một anh hùng dân tộc của Baskiria: “Biết có người Việt Nam trong các đoàn tới viếng tượng đài, những người dân địa phương thể hiện thiện cảm một cách rõ ràng, hồ hởi” … “Các bạn còn nói những lời tốt đẹp về Việt Nam và cộng đồng người Việt ở đây”. Nề nếp sống, cách làm việc của người Việt được người dân Upha tin cậy. Chính quyền địa phương đã đề nghị Hội người Việt chủ trì xây dựng một công trình văn hoá nhỏ ghi dấu ấn đoàn kết Việt Nam –Bashokortostan đặt ngay tại công viên văn hoá Dômma- vườn hoa lớn nhất ở trung tâm thành phố - đó là biểu tượng Chùa Một Cột. Có nhìn nhận những lời khen, những dấu ấn ấy trong cả cuộc mưu sinh lắm nỗi đoạn trường của người Việt trên khắp Liên bang Nga rộng lớn mới thấy hết giá trị của nó.

Hội đồng hương được Đại sứ quán công nhận chính thức từ năm 2000 trở thành tổ chức đoàn kết, bảo vệ quyền lợi của thành viên cộng đồng một cách hiệu quả. Hội thường xuyên tổ chức những hoạt động chung của cộng đồng như Tết nguyên đán, lễ Quốc khánh 2/9; kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…; đề nghị địa phương đồng ý cho mở trường dạy tiếng Việt và duy trì được trường, tổ chức giải bóng đá hè 2005 sôi động, quyên góp ủng hộ từ thiện giúp người dân trong nước và cả những người bản xứ khó khăn, đặc biệt còn tổ chức được những cuộc thi Người đẹp Upha thường niên vv... Cũng phải nói thêm rằng, có cả một chi Đoàn thanh niên trong Trung tâm thương mại thành phố Upha đóng góp vào phong trào chung (một điều mà với nhiều thanh niên trong nước, có hoàn cảnh hoạt động Đoàn thuận lợi gấp trăm lần, khi so sánh cũng sẽ phải giật mình tự nhìn lại).

Đêm 24 tháng chạp đón xuân Bính Tuất vừa qua, ngoài việc lo chuyển đủ “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành” đậm không khí Tết từ trong nước sang cho bà con ăn Tết không khác gì trong nước, thì ngay sau đó, Hội đã quyên góp được 50 triệu đồng để ủng hộ Quỹ vì người nghèo của Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Chủ tịch hội “thỉnh” được kịch bản thơ vui “Táo quân Upha chầu thượng đế” của Nguyễn Quỳnh Nga – một tiến sĩ ngữ văn ở Matxcơva gửi về. Bởi vậy màn Táo quân “Táo đồng hương muốn vào thưa bẩm/ Mang mũ lông áo ấm đang chờ/ Tay mang catap rõ to/Một tay chai rượu cùng tờ bằng khen” đã được mấy “táo” là sinh viên Việt ở Trường Đại học dầu khí Upha trình diễn rộn ràng trong gần 20 phút. Đội văn nghệ của người Việt ở Upha từng “mang chuông đi đấm xứ người” gây tiếng vang tới tận thủ đô Matxcơva, lần này biểu diễn một chương trình xôm tụ, tự biên tự diễn hài kịch, ca nhạc (tất nhiên không thể thiếu sự biểu diễn của đội múa chi Đoàn Trung tâm thương mại, ngoài hai tiết mục của các nghệ sĩ bản địa ở Nhà văn hoá thành phố Upha cùng tham gia).

Chủ tịch Hội đồng hương người Việt ở Upha Trần Ngọc Tuấn cũng là chủ của mấy trung tâm thương mại người Việt lớn nhất Upha và một số nơi khác. Ông đã từng có một thời thơ ấu "chưa biết đến bữa no", lớn lên đi bộ đội, xuất ngũ phải làm thuê bốc vác, khi sang Liên Xô làm công nhân đã thường xuyên nhận làm ca đêm tới 6h sáng, để ban ngày cố làm thêm ca giúp gia đình, và "lúc nào cũng ao ước được ngủ" mà thôi. Chỉ nhìn vào sự gian khổ phấn đấu của “ông chủ” này, cũng như cách thức ông gây dựng được niềm tin cho nhân dân và chính quyền bạn, cũng có thể hiểu được vì sao người dân Việt có được chỗ đứng trong lòng người dân Bashkorostan.

Năm 2005 được coi là một năm khó khăn chung cho cuộc sống và hoạt động thương trường của cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga do nhiều lý do khách quan đưa lại, nhưng tại thành phố Upha, việc kinh doanh của bà con vẫn ổn định và phát triển. Hội đồng hương Việt Nam thành phố Upha được Bộ ngoại giao Việt Nam tặng Bằng khen. Tháng 12 vừa rồi, Hội kỷ niệm tròn 5 năm thành lập, thành viên đã có khoảng800 người, trong số 2000 người Việt ở Bashokortostan. Nhưng theo ông Tuấn, về lâu dài, làm sao giữ được sự nề nếp trong đời sống, trong kinh doanh để tồn tại và phát triển, vẫn sẽ là thách thức lớn với cộng đồng nơi này./.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một góc Việt Nam nơi sông Trắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.